Triển vọng mô hình tôm – lúa

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm gần đây, nhiều tỉnh ở ĐBSCL như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang phát triển mạnh mô hình sản xuất tôm – lúa, mang lại hiệu quả bền vững.

Tính bền vững cao

Theo Tổng cục Thủy sản, 9 tháng đầu năm 2015, cả nước đã thả nuôi được 657.156 ha tôm nước lợ, với lượng tôm giống là 80 tỷ con, sản lượng thu hoạch 319.769 tấn. Trong đó, tôm sú là 588.620 ha, bằng 103% so với cùng kỳ 2014.

Tôm sú thả nuôi ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL gồm các hình thức: thâm canh – bán thâm canh (chiếm 5,5%), quảng canh cải tiến (35%), tôm – lúa (29%) và tôm nuôi sinh thái (30,5%).

Riêng hình thức tôm – lúa (luân canh 1 vụ tôm – 1 vụ lúa) thời gian qua phát triển khá ổn định và thể hiện tính bền vững cao, đến nay toàn vùng đạt 160.000 ha, năng suất đạt 300 – 500 kg/ha, sản lượng trên 600.000 tấn/năm. Mô hình tôm – lúa chủ yếu phát triển mạnh tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bến Tre… diện tích tiềm năng toàn vùng có thể đạt 250.000 ha.

Ông Phạm Khánh Ly, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) trong kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, mô hình tôm – lúa được ưu tiên phát triển nhằm thích ứng với điều kiện xâm nhập mặn. Luân canh tôm – lúa đã được nhận diện là mô hình thủy sản bền vững và hạn chế rủi ro so với các mô hình nuôi trồng thủy sản khác.

 

Mục tiêu 1 tỷ USD

Theo Tổng cục Thủy sản, mục tiêu phát triển tôm – lúa thời gian tới là tăng năng suất lên trên 500 kg/ha, diện tích thả nuôi đến năm 2020 đạt 200.000 ha, sản lượng 100.000 – 120.000 tấn. Đến năm 2030 diện tích thả nuôi tăng lên 250.000 ha, sản lượng 125.000 – 150.000 tấn, doanh thu trên 20.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được nếu có sự đầu tư và khai thác hết các tiềm năng lợi thế. Để làm được điều này, trước hết các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT cần sớm nghiệm thu đề án quy hoạch nuôi tôm nước lợ, đề án phát triển tôm – lúa để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện. Quy hoạch và đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi cho vùng tôm – lúa. Bên cạnh đó, cần chú trọng nghiên cứu, phát triển giống tôm sạch bệnh; giống lúa chịu mặn, chất lượng gạo tốt để đưa vào sản xuất. Đa dạng các đối tượng nuôi trong cùng mô hình như: tôm sú, tôm càng xanh, cua, kết hợp trồng lúa. Hoàn thiện quy trình nuôi từ khung thời vụ, mật độ thả nuôi, quan trắc môi trường. …

>> Ngày 23/9, tại TP Rạch Giá, Kiên Giang, Tổng cục thủy sản tổ chức Hội nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu quả và phát triển sản xuất tôm – lúa tại ĐBSCL. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám chủ trì hội nghị.

Hải Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!