5 câu chuyện thủy sản thế giới

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá hồi biến đổi gen chính thức ra thị trường, Trung Quốc phá đường dây buôn lậu thủy sản lớn, hướng đến sản xuất không kháng sinh… là những câu chuyện nổi bật của ngành thủy sản thế giới trong năm qua.

1. Cá hồi biến đổi gen chính thức ra thị trường

Sau nhiều năm cân nhắc và tranh cãi, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã thông qua việc cho phép cá hồi biến đổi gen AquAdvantage, phát triển bởi Công ty AquaBounty Technologies trở thành thực phẩm an toàn từ ngày 19/11/2015. Đây là loài động vật biến đổi gen đầu tiên được phép dùng cho người. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều quanh quyết định này.

Hầu hết các nhà khoa học ủng hộ sản phẩm này, tiêu biểu như Giáo sư danh dự Garth Fletcher, Trưởng khoa Hải dương học, Đại học Memorial, Newfoundland cho rằng: “Trải qua thời gian dài, cuối cùng những nỗ lực đã có kết quả. Chấp thuận này là tin tốt cho tất cả các nhà nghiên cứu quan tâm vấn đề biến đổi gen động vật nhằm phục vụ con người”.

Trái lại, Andrew Kimbrell, Giám đốc điều hành Trung tâm phi lợi nhuận An toàn Thực phẩm Mỹ khẳng định: “Quyết định này sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường. Trung tâm An toàn Thực phẩm không còn lựa chọn nào khác là phải khởi kiện nhằm chấm dứt mối gây ô nhiễm nguy hại này. FDA đã quên trách nhiệm bảo vệ cộng đồng”.

sản lượng và giá trị nuôi trồng thủy sản toàn cầu

Sản lượng và giá trị nuôi trồng thủy sản toàn cầu năm 2000 – 2014

 

2. Ngành tôm Thái Lan bóc lột lao động

Các quan chức và nhà hoạt động nhân quyền Mỹ kêu gọi người Mỹ ngưng mua tôm có nguồn gốc từ Thái Lan, trong đó có một công ty con của Tập đoàn Thai Union sau khi hãng tin AP ngày 14/12/2015 đăng phóng sự điều tra cho thấy, tình trạng bóc lột lao động như nô lệ trong ngành công nghiệp tôm của Thái Lan.

Theo điều tra của AP, tại nhà máy chế biến tôm Gig Peeling Factory, tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan, gần 100 lao động nhập cư người Myanmar, trong đó có 17 trẻ em bị chủ lao động ép lột vỏ tôm 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày nhưng chỉ được trả công bèo bọt hoặc thậm chí không trả. Nhiều người trong số họ bị nhốt tại các xưởng chế biến trong nhiều tháng, thậm chí hàng năm trời. Các lao động chỉ được phép nghỉ ăn trưa 15 phút và sẽ bị la mắng nếu nói chuyện quá nhiều trong khi làm việc.

 

3. Hướng đến sản xuất không kháng sinh

Việc sử dụng kháng sinh thủy sản khác nhau ở mỗi nước. Các nghiên cứu đã cho thấy, liều lượng sử dụng thuốc kháng sinh từ 1 g/tấn sản phẩm ở Na Uy và lên đến 700 g/tấn ở Việt Nam. Hơn bao giờ hết, con người bắt đầu đặt dấu hỏi cho sức mạnh loại thuốc từng được xem là “thần dược” của thế kỷ 20, đặc biệt là với sức khỏe của con người.

Trước tình hình đó, năm 2015, nhiều nước bắt tay thực hiện giảm dần lượng kháng sinh dùng trong nuôi trồng thủy sản. Nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu thủy sản 9 tỷ USD năm 2020, Ấn Độ đã chuyển hướng sang sản xuất tôm không kháng sinh. Nông dân sẽ được huấn luyện nuôi tôm tiên tiến và hiểu được về việc dùng kháng sinh không đem lại lợi ích.

câu chuyện thủy sản thế giới

Na Uy đi đầu trong việc loại bỏ kháng sinh nên cá hồi nước này được thế giới ưa chuộng – Ảnh: Norwegian Seafood Council

Từ cuối những năm 1980, Na Uy đi đầu trong việc loại bỏ kháng sinh, khiến cá hồi Na Uy trở nên nổi tiếng, được thế giới ưa chuộng. Na Uy sử dụng vaccine thay thế kháng sinh và không tạo tác dụng phụ cho người. Thành công này đạt được nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, ngư dân, ngành công nghiệp và các tổ chức nuôi cá.

 

4. Trung Quốc phá đường dây buôn lậu thủy sản lớn

Năm 2015, các lực lượng chức năng của Trung Quốc liên tiếp bắt giữ nhiều vụ buôn lậu thủy sản lớn ở các tỉnh Quảng Đông, Bắc Kinh, Chiết Giang, Hà Bắc và nhiều thành phố khác, tịch thu gần 300 tấn, trị giá 480 triệu USD.

Các đối tượng buôn lậu thường gian lận bằng cách kê khai đối tượng vận chuyển trong chứng từ hàng hóa là cá hố, cá thu mackerel cỡ nhỏ, nhưng thực chất các container này lại chứa nhiều loại cá đắt tiền như: cá than, cá hồi, cua và tôm. Tình trạng buôn lậu thủy sản tại Trung Quốc đang ngày càng gia tăng khi nhu cầu đối với các loài thủy sản cao cấp ngày càng tăng mạnh.

 

5. Câu chuyện bảo hộ hàng nội địa

Các nước nhập khẩu thủy sản vốn có hệ thống tiêu chuẩn khắt khe nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và sản xuất trong nước. Nhưng mặt khác, các quy định này tạo nhiều khó khăn cho các nước xuất khẩu, ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế. Ngày 25/11/2015, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã ban hành các quy định mới đối với những nhà cung cấp cá da trơn, yêu cầu tiến hành kiểm tra tại chỗ trang trại và nhà máy chế biến đối với các nhà sản xuất nội địa và nước ngoài, chủ yếu từ Việt Nam, nhằm đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn đồng nhất.

Thượng nghĩ sĩ bang Mississippi, Thad Cochran (người thuyết phục chính quyền Liên bang thông qua quy định này) cho rằng: “Quá trình này nhằm đảm bảo cá da trơn nuôi phục vụ người Mỹ an toàn và nhiều dinh dưỡng. USDA nắm vai trò then chốt thực hiện vấn đề này. Tôi vui mừng vì biện pháp này được công bố”. Tuy nhiên, hai thượng nghị sĩ John McCain và Kelly Ayotte lại có quan điểm ngược lại: “Chúng tôi tự hào khi tiếp tục đấu tranh xóa bỏ các quy định về giám sát cá da trơn do USDA đưa ra. Quy định này đúng là sự lãng phí tiền thuế và là ví dụ điển hình của việc bảo hộ thị trường”.

Hồng Thắm - Nam Anh (tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!