Trong những năm qua, phong trào nuôi tôm trên cát đã giúp rất nhiều nông dân ở các địa phương ven biển nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức.
Nguồn nước
Nuôi tôm trên cát cần rất nhiều nước, cả nước mặn và nước ngọt. Đặc biệt, là nguồn nước ngọt; bởi các khu vực nuôi tôm trên cát đều nằm ven biển nên dồi dào nguồn nước mặn và có thể bơm trực tiếp từ biển vào. Nhưng với tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng phục vụ sinh hoạt như hiện nay tại nhiều địa phương vùng ven biển miền Trung thì đây là một thách thức lớn. Theo tính toán, nếu đưa vào nuôi tôm tập trung với quy mô 100 ha và nuôi 2 vụ/năm thì nhu cầu nước ngọt phục vụ cho nuôi tôm là 5 triệu m3/năm. Nếu khai thác nước ngầm phục vụ nuôi tôm trên cát quá giới hạn cho phép có thể dẫn đến sụt lở địa tầng, cạn kiệt nguồn nước, xâm nhập mặn lấn sâu vào khu vực nội đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Chất thải
Đây là một vấn đề lớn trong nuôi tôm ở nước ta. Những năm qua, tình trạng nuôi tôm trên cát ở các tỉnh miền Trung diễn ra một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch và không được đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống cấp và xử lý nước thải. Từ đó, dẫn đến tình trạng nước thải được xả một cách thiếu ý thức, gây ra những tác động cho môi trường biển và nguồn nước ngầm. Tình trạng này xảy ra lâu dài sẽ gây ô nhiễm môi trường biển ven bờ, gây hiện tượng phú dưỡng, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của nguồn lợi hải sản tự nhiên. Và hệ lụy là dịch bệnh bùng phát, lây lan trên diện rộng gây thiệt hại khó lường cho chính người nuôi.
Biến đổi khí hậu
Nuôi tôm trên cát nói riêng và nuôi trồng thủy sản nói chung chịu tác động trực tiếp của điều kiện tự nhiên. Thời gian gần đây, hiện tượng El Nino, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài đã ảnh hưởng rõ rệt và nặng nề đối với sản xuất thủy sản, nhất là con tôm. Những tháng đầu năm 2016, hạn hán đã làm thiệt hại nghiêm trọng đến các tỉnh nuôi tôm trọng điểm của cả nước, nhiều tỉnh phải công bố thiên tai như Cà Mau. Tình trạng biến đổi khí hậu được dự báo vẫn sẽ tiếp tục diễn ra và là một thách thức khó kiểm soát với người nuôi tôm trên cát.
Dịch bệnh
Với việc phát triển diện tích nuôi một cách ồ ạt, thiếu đầu tư đồng bộ, không có kinh nghiệm kỹ thuật… là những yếu tố làm cho dịch bệnh ở tôm nuôi trên cát dễ bùng phát hơn bao giờ hết. Khi nguồn nước chưa được xử lý được đưa trực tiếp vào ao nuôi làm cho mầm bệnh tồn lưu từ vụ này sang vụ khác, dịch bệnh lây lan nhanh. Đặc biệt những năm gần đây, bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy hoành hành trên tôm khiến nhiều ao nuôi chết hàng loạt, người dân gặp khó khăn, lâm vào cảnh trắng tay.
Lạm dụng kháng sinh
Việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi nói chung và nuôi tôm nói riêng tại nước ta đang là vấn nạn nhức nhối của ngành nông nghiệp. Thời kỳ mở cửa, hội nhập tạo ra những cơ hội lớn cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm, tuy nhiên đó cũng là thách thức cho con tôm nước ta trước yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm của thị trường nhập khẩu. Do tập quán sản xuất lạc hậu, lạm dụng kháng sinh trong quá trình nuôi khiến cho các lô hàng thủy sản của nước ta liên tục bị trả về do dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép.
Tất cả cho thấy, muốn đảm bảo nuôi tôm trên cát thực sự hiệu quả, bền vững, ngành thủy sản cần triệt để giải quyết những thách thức, nhất là có một quy trình nuôi hoàn chỉnh và người dân cần thiết thực hiện theo đúng quy hoạch.