6 tỉnh có diện tích thiệt hại lớn

Chưa có đánh giá về bài viết

Nắng nóng kéo dài, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm quá lớn, dịch bệnh vẫn tiếp diễn… khiến tôm nuôi tại miền Nam và miền Trung chết hàng loạt. Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang… là những tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất.

Cà Mau

Với diện tích nuôi tôm 265.950 ha, nhiều nhất nước, Cà Mau cũng là tỉnh có diện tích tôm chết nhiều nhất. Từ đầu năm đến nay, hàng chục nghìn ha nuôi tôm công nghiệp bị dịch bệnh chết trắng, gây thiệt hại lớn cho người sản xuất. Tôm nuôi quảng canh cũng chết rải rác với mức độ thiệt hại chung 20 – 30%. Những địa phương có diện tích thiệt hại nặng là các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn, Phú Tân và TP Cà Mau. Ngoài thời tiết nắng nóng, dịch bệnh xuất hiện ở tôm nuôi chủ yếu là bệnh hoại tử gan tụy, đốm trắng, đỏ thân… Để hỗ trợ, giảm thiệt hại cho người sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người nuôi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, vệ sinh triệt để ao đầm nuôi, chọn con giống chất lượng cao…

 

Bạc Liêu

11.231 ha là diện tích thả nuôi tính đến thời điểm hiện tại của tỉnh Bạc Liêu (trong đó, nuôi tôm sú 108.290 ha, TTCT 1.941 ha). Tuy nhiên, đã có 12.093 ha tôm nuôi bị chết trên toàn tỉnh (gồm: 12.028 ha tôm sú, 65 ha TTCT). Ðể chủ động ứng phó biến đổi khí hậu và tình trạng tôm chết hàng loạt, Bạc Liêu đang nhân rộng mô hình nuôi tôm kết hợp trồng rừng hoặc nuôi trồng thủy sản khác để khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế từng địa phương trong việc nuôi tôm và ổn định nghề nuôi tôm. Mô hình được triển khai ở một số huyện (Đông Hải, Hồng Dân, Phước Long…); kết quả bước đầu, có đến 90% diện tích nuôi có lãi (lợi nhuận bình quân 30 – 40 triệu đồng/ha), trong khi chỉ 10% diện tích nuôi hòa vốn hoặc lỗ.

 

Ảnh: Thanh Nhã

Kiên Giang

Kiên Giang có diện tích nuôi tôm nước lợ theo hình thức quảng canh (tôm – lúa) khá lớn, với 84.215 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện vùng U Minh Thượng gồm An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận. Tuy nhiên, đến nay, đã có hàng vạn ha tôm nuôi nơi đây bị thiệt hại. Huyện An Minh thả nuôi hơn 37.000 ha, có 10.493 ha bị thiệt hại, trong đó 4.415 ha thiệt hại 50% trở lên. Huyện An Biên có 3.144/9.817 ha, tập trung ở các xã Nam Thái, Nam Thái A, Nam Yên và Đông Thái… Người dân và ngành nông nghiệp đã và đang nỗ lực thực hiện các biện pháp khắc phục thiệt hại, như: tổ chức các cuộc hội thảo đầu bờ, tập huấn kỹ thuật; đồng thời khuyến cáo người nuôi thường xuyên kiểm tra ao, ruộng nuôi, gia cố đê bao bảo đảm giữ mực nước mặt từ 50 cm trở lên. Trường hợp cần cấp thêm nước phải lắng lọc kỹ, diệt hết mầm bệnh, đưa từ từ tránh gây sốc cho tôm.

 

Trà Vinh

 Từ đầu vụ đến nay, toàn tỉnh có 2.662 ha tôm chết trong tổng số 14.869 ha tôm thả nuôi. Riêng tháng 4/2013, toàn tỉnh có 570 ha bị thiệt hại, với số lượng 105 triệu con tôm từ 20 đến 60 ngày tuổi của 1.350 hộ nuôi. Tôm chết chủ yếu nuôi quảng canh cải tiến, tập trung ở huyện Cầu Ngang, Duyên Hải. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tăng cường kiểm tra nguồn tôm giống, chủ động tìm nguồn giống sạch bệnh để cung cấp cho các hộ nuôi. Đồng thời, tăng cường đưa cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn hướng dẫn người nuôi, khuyến cáo các hộ nuôi cần tuân thủ nghiêm lịch thời vụ, chọn con giống tốt đã qua kiểm dịch; tạo mọi thuận lợi cho các hộ nuôi đủ điều kiện tham gia bảo hiểm nông nghiệp…

 

Tiền Giang

168 ha là diện tích tôm chết trong tổng số 2.170 ha thả nuôi tôm của tỉnh Tiền Giang. Đầu vụ đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi hơn 150 triệu con tôm giống trên diện tích khoảng 1.000 ha, nhưng lượng tôm chết hiện chiếm đến 25%, chủ yếu tại hai huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây. Nhiều hộ bị chết trắng, mức thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Ngoài nguyên nhân chung, trên địa bàn tỉnh, một số hộ không theo quy định, thả nuôi trước thời vụ. Vụ nuôi tôm tại Tiền Giang bắt đầu từ tháng 2 nhưng nhiều hộ đã thả nuôi từ tháng 11, 12 năm trước.

 

Sóc Trăng

Tính đến hết tháng 4, toàn tỉnh đã có 126 ha tôm chết trong tổng số 1.617 ha thả nuôi tôm. Nơi có diện tích tôm chết nhiều nhất là thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề. Huyện Trần Đề khoảng 90% trong số 3.000 ha nuôi thâm canh của vùng bị thiệt hại; trong đó thiệt hại nặng là các xã Hòa Đông, Trung Bình, Liêu Tú. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nuôi thả tôm mật độ thưa, nuôi một vụ/năm để ổn định môi trường nuôi và khuyến khích những mô hình nuôi tôm kết hợp hay luân canh với những loài thủy sản khác tôm – cá, tôm – cua và mô hình tôm – lúa.

>> Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến hết tháng 4/2013, cả nước có 15.118 ha nuôi tôm bị bệnh, tăng 5,2% so cùng kỳ năm 2012; trong đó, diện tích tôm sú bị bệnh 14.682 ha, tăng 8,7%, tôm thẻ chân trắng 436 ha, tăng 0,5%.

Hải Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!