Xuất khẩu thủy sản được coi là ngành công nghiệp mũi nhọn hàng đầu của tỉnh Bạc Liêu. Vậy mà, bài toán nguồn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến đến nay vẫn chưa có lời giải. Cứ đến mùa vụ, doanh nghiệp trong tỉnh lại kêu thiếu tôm chế biến xuất khẩu, còn nguồn tôm do nông dân sản xuất lại được tuồn ra ngoài tỉnh để bán!?
Sản xuất cầm chừng
Trong 2 tháng đầu năm 2014, thủy sản xuất khẩu của tỉnh Bạc Liêu đạt hơn 3.803,54 tấn và tăng hơn 15% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hiện nay phải sản xuất cầm chừng, vì khan hiếm nguồn tôm nguyên liệu. Để khắc phục tình trạng này, các doanh nghiệp đã mở rộng mạng lưới thu mua về cơ sở bằng việc thu gom tôm nguyên liệu của các thương lái nhỏ, tổ chức thu mua tận vuông tôm, cho người nuôi tôm ứng tiền trước… Song, nguồn tôm vẫn thiếu và doanh nghiệp phải nhập tôm từ các nơi khác về chế biến. Hiện giá thu mua tôm sú nguyên liệu đang ở mức cao, loại 30 con/kg có giá từ 280.000 – 290.000 đồng/kg, còn loại 40 con/kg cũng ở mức 250.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ cũng ở mức khá cao, hiện loại 40 con/kg có giá 230.000 – 240.000 đồng/kg. Với giá thu mua này, cộng thêm chi phí phát sinh, doanh nghiệp muốn kiếm lãi từ con tôm xuất khẩu không phải là chuyện dễ.
Do thiếu nguồn tôm sú nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu, một số doanh nghiệp phải chuyển sang chế biến tôm biển.
Theo ông Trần Tuấn Khanh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Trang Khanh (phường 5, TP. Bạc Liêu): “Để duy trì sản xuất, hiện nay công ty chỉ tập trung chế biến tôm thẻ chân trắng chứ không có tôm sú. Giá tôm thẻ cũng rất cao và chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của doanh nghiệp”.
Lợi nhuận giảm, nhưng doanh nghiệp phải cố gồng mình sản xuất vì mục đích là giữ thị trường, giữ chân khách hàng truyền thống, hoặc phải thanh toán những hợp đồng đã ký kết trước đó, giải quyết việc làm cho bộ máy quản lý và đội ngũ lao động thường xuyên của công ty, chứ không dám ký thêm hợp đồng mới.
Không có tôm cũng kéo theo tình trạng thất nghiệp của nhiều lao động công nhật: Bà Lê Thị Quyền, một công nhân lột tôm (phường 8, TP. Bạc Liêu) than thở: “Sau tết đến giờ, do nguồn tôm không có nên tôi bữa làm bữa nghỉ! Tôm thì không có để lột, nhưng ngày nào cũng phải ăn, rồi trả tiền nhà trọ, tiền điện… Khổ lắm!”.
Lỗi của ai?
Vấn đề đặt ra: tại sao khó khăn này mãi cứ tồn tại ngay trên vùng đất được coi là “mỏ tôm”? Và lỗi này do nông dân hay ngành Nông nghiệp? Một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho rằng, nguyên nhân khan hiếm nguồn tôm nguyên liệu là do ngành Nông nghiệp chưa làm tốt công tác tổ chức sản xuất, còn bà con nông dân cứ bán tôm ra các tỉnh khác và cho cả thương lái Trung Quốc.
Nói một cách công bằng, việc khan hiếm nguồn tôm nguyên liệu lâu nay có một phần trách nhiệm từ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Doanh nghiệp đến mùa vụ cứ than thiếu tôm, nhưng đến nay, chưa có một doanh nghiệp nào mạnh dạn kết hợp với người nuôi tôm để sản xuất theo quy trình khép kín. Người nuôi tôm phải tự xoay sở từ đầu vào đến đầu ra và gánh chịu tất cả những rủi ro trong quá trình sản xuất. Vì vậy, khi sản phẩm làm ra, họ phải bán cho người mua được giá. Dù bán cho thương lái Trung Quốc hay các doanh nghiệp ngoài tỉnh thì cũng không thể trách họ, vì đó là quy luật thị trường.
Đóng gói tôm xuất khẩu tại Công ty Minh Bạch, huyện Giá Rai. Ảnh: Lâm Hỷ
Mặt khác, việc thiếu nguồn tôm chế biến xuất khẩu cũng không thể đổ lỗi cho ngành quản lý, vì người nuôi tôm phải thực hiện theo lịch thời vụ nhằm đảm bảo nguồn nước, chủ động phòng chống dịch bệnh và hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất. Đây cũng là mô hình hướng đến sản xuất bền vững cho một vụ tôm nuôi ăn chắc trong năm. Nếu muốn nuôi tôm theo mô hình công nghiệp hiện đại để chủ động về nguồn nguyên liệu thì phải có nhiều vốn đầu tư. Muốn làm được việc này không ai khác ngoài doanh nghiệp. Còn nông dân không thể đầu tư hàng chục tỷ đồng cho mô hình nuôi tôm theo kiểu siêu thâm canh như Công ty Hải Nguyên (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu).
Với thực trạng hiện nay, có nên xây dựng vùng nuôi tôm theo mô hình cánh đồng mẫu lớn như trong sản xuất lúa? Đó là việc doanh nghiệp cùng với người nông dân thông qua hợp đồng: doanh nghiệp đầu tư vật tư nông nghiệp và nhận bao tiêu sản phẩm, còn người nông dân thì ra đất và nhận trách nhiệm chăm sóc con tôm. Thực hiện được mô hình này sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu chủ động về nguồn tôm phục vụ chế biến, xây dựng được thương hiệu, chủ động ứng phó với những rào cản ngày càng khắt khe (về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ) từ các nước nhập khẩu. Đồng thời, tạo nên lợi thế cạnh tranh riêng trước sự lấn áp của thương lái Trung Quốc sang tranh mua nguồn tôm nguyên liệu gây bất ổn thị trường. Sự đồng hành này còn giúp nông dân trút được gánh nặng về chi phí đầu tư, ngành quản lý cũng giảm bớt chi phí hỗ trợ trong việc xử lý dịch bệnh từ nuôi trồng nhỏ lẻ, tránh được nạn làm giá gây bất ổn thị trường…