Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thương mại thủy sản của Việt Nam với Ấn Độ đang phải đối mặt với nhiều thách thức do những quy định và thủ tục.
Trong xu thế hội nhập ngày càng mở rộng, các doanh nghiệp ngành thủy sản buộc phải chủ dộng nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu sản xuất và xuất khẩu do tình hình khan hiếm nguyên liệu trong nước là không tránh khỏi. Dù vậy, những thủ tục và quy trình thông quan hải quan gây khó cho cả doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong và ngoài nước.
VASEP cho rằng, vệc Cục Thú ý (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cơ quan trực tiếp quản lý thủ tục nhập khẩu tôm, yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm kèm lô hàng nhập khẩu (H/C) phải đúng mẫu H/C của Ấn Độ và phải có cầu “fit for human consumption” (thích hợp cho người tiêu dùng) là chưa hợp lý và gây khó cho doanh nghiệp trong việc làm thủ tục thông quan.
Bên cạnh đó, công tác phê duyệt thủ tục hải quan của các doanh nghiệp Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam hiện vẫn còn chậm trễ, gây ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm thủy sản nguyên liệu khi nhập khẩu
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng như Hội đồng Thanh tra xuất khẩu Ấn Độ (EIC) đã đề nghị phía Việt Nam giải quyết nhanh các thủ tục liên quan đến việc phê duyệt các mặt hàng xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam (theo Thông tư 25/2010/BNNPTNT và Thông tư 51/2010/BNNPTNT), do nhiều đơn vị đã qua EIC gửi hồ sơ sang nhưng phải chờ khá lâu.
Các chuyên gia cho rằng, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Việt Nam (Nafiqad) cần công bố rộng rãi và áp dụng Thông tư 51/2010/BNNPTNT với nội dung không cần áp dụng đăng ký cơ sở xuất khẩu thủy sản nếu xuất khẩu cho mục đích sản xuất, xuất khẩu và gia công xuất khẩu.
Theo VASEP, mặc dù thủy sản được đẩy mạnh xuất khẩu sang Ấn Độ từ năm 2010 nhưng đến năm 2013, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Ấn Độ mới chỉ đạt 14 triệu USD, trong khi nhập khẩu ước đạt 115 triệu USD.
Thực tế Từ năm 2011, Ấn Độ luôn giữ vị trí đứng đầu cung cấp thủy sản cho Việt Nam, chiếm khoảng 20% giá trị nhập khẩu. Trong đó, tôm chiếm tới 90% giá trị nhập khẩu, tiếp theo là cá ngừ và mực, bạch tuộc.
Trong khi đó, Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu cá tra từ Việt Nam và theo thông tin của một số doanh nghiệp và các nhà nhập khẩu thủy sản Ấn Độ thì thuế nhập khẩu cá tra vào Ấn Độ đang ở mức khá cao là 36%, trong khi thuế nhập khẩu các loại cá thịt trắng khác hoặc tương tự lại thấp hơn như thuế nhập khẩu cá hồi của Ấn Độ là 10%,… Điều này gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam
Dự kiến, trong khoảng 3 – 5 năm tới, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Ấn Độ tăng chậm do tập tục và truyền thống tiêu dùng, trong khi xuất khẩu thủy sản từ Ấn Độ sang Việt Nam có xu hướng chậm lại nếu các thủ tục và quy trình thông quan không được đẩy mạnh.