Thời gian qua, rào cản từ ngành chức năng đã phát sinh nhiều vấn đề khiến doanh nghiệp (DN) và ngư dân gặp khó trong khai thác, xuất khẩu nghêu lụa…
Phương tiện nhỏ, không cấp phép
Năm 2004, Uỷ ban Liên minh châu Âu công nhận vùng thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ ven bờ TX.Hà Tiên và H.Kiên Lương (Kiên Giang) đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường này. Nhưng gần đây, các DN chế biến xuất khẩu nghêu lụa, sò lông ở đây gặp khó khăn do không được đơn vị chức năng thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc khai thác chủ yếu là phương tiện công suất 20 CV, không được cấp phép.
Theo quyết định số 18/2011-UBND, ngày 7/4/2011 của UBND tỉnh Kiên Giang, những phương tiện nói trên không thuộc phạm vi đăng kiểm cấp giấy phép hành nghề của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, mà do UBND huyện quản lý, cấp giấy phép khai thác. Tuy nhiên, ngày 3/12/2013, Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang ban hành công văn số 72 với nội dung: việc cấp giấy phép khai thác nghêu lụa, sò lông trên địa bàn tỉnh đối với các tàu công suất từ 20 CV đến dưới 90 CV không thuộc thẩm quyền của UBND huyện như trước đây mà thuộc thẩm quyền của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Khai thác, xuất khẩu nghêu lụa, sò lông ở Kiên Giang đang gặp khó khăn – Ảnh: Công Hân
Sự thay đổi về thủ tục hành chính này dẫn đến lãng phí thời gian, chi phí đi lại của bà con ngư dân để xin giấy phép khai thác. Nhiều phương tiện chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động khai thác bán cho nhà máy chế biến dẫn tới số sản phẩm này không được cấp giấy chứng nhận xuất xứ và không thể xuất sang châu Âu. Từ đó, lượng hàng tồn kho lớn, DN có nguy cơ bị phạt vì vi phạm hợp đồng. Ngoài ra, nhiều phương tiện chưa có giấy phép khai thác phải tạm ngưng hoạt động nên nhiều DN đã ký hợp đồng bán sản phẩm cho đối tác nước ngoài nhưng không có nguyên liệu chế biến.
Nguy cơ tồn hàng
Ông Trương Văn Thắng, DNTN Bích Thắng (xã Bình An, H.Kiên Lương), cho biết DN đang thu mua mặt hàng nghêu lụa từ 120 – 150 tấn/ngày, nhưng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản bắt buộc các phương tiện phải có giấy phép khai thác thì mới cấp giấy chứng nhận xuất xứ. Trong khi đó, số ghe nhỏ đang khai thác nghêu lụa trên địa bàn chiếm đến 90%, bà con ngư dân không đủ điều kiện đăng ký xin cấp giấy phép khai thác hợp pháp. Mặt khác, DN đã vay ngân hàng cho ngư dân mượn vốn đầu tư mua sắm trang thiết bị, sửa chữa phương tiện, máy móc để khai thác đánh bắt, nhưng không thu mua được sản phẩm nghêu lụa của bà con nên thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu.
Công ty TNHH MTV Tiến Triển (H.Kiên Lương) cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc làm giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Ông Nguyễn Thành Sơn, đại diện công ty này, cho biết công ty thu mua nghêu lụa tại khu vực xã Bình An (H.Kiên Lương) của hơn 70 hộ dân, với trên 100 phương tiện khai thác nhỏ và thô sơ không đăng ký cấp phép nên đơn vị không được chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Đến nay đã thu mua hơn 1.500 tấn, nhưng chưa xuất khẩu được.
Theo ông Trần Hồng Hải, Phó chủ tịch UBND H.Kiên Lương, trước mắt huyện đề nghị Sở NN&PTNT cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho các DN chế biến xuất khẩu nghêu lụa, sò lông thu mua của ngư dân để giải quyết hàng tồn đọng. Tiếp tục cho huyện quản lý, cấp giấy phép cho các phương tiện khai thác như trước đây để ngành nghề này hoạt động ổn định.
Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị giải quyết, tháo gỡ khó khăn, bất cập này để sản phẩm nghêu lụa tiếp tục xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Cụ thể là cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm tồn kho của DN có đủ bằng chứng chứng minh đã mua nghêu lụa, sò lông từ vùng biển Kiên Giang và đang trong thời gian được phép thu hoạch; tiếp tục giao cho UBND cấp huyện thực hiện cấp giấy phép khai thác nghêu lụa, sò lông. Hướng dẫn cơ quan chuyên môn ngành dọc cấp huyện trong việc làm thủ tục cấp giấy phép và ghi nhật ký khai thác nghêu lụa, sò lông.