Buộc phải quy hoạch cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

Việc quy hoạch nuôi, chế biến và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2020 là rất cấp thiết. Quá trình tái hiện bức tranh toàn cảnh ngành sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra ở ĐBSCL sẽ giúp các cấp, ngành có thêm động thái tích cực, giúp nâng cao hiệu quả việc triển khai thực hiện.

Quy hoạch để phù hợp thực tế

Cá tra là đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, nhất là vùng ĐBSCL. Sau hơn 10 năm phát triển (2001 – 2013), đến nay (2013), diện tích nuôi cá tra đã tăng 5 lần so với năm 2001, sản lượng tăng 30,7 lần, kim ngạch xuất khẩu 1,76 tỷ USD, tăng 44 lần. Hiện, cá tra của Việt Nam có mặt tại gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm hơn 95% thị phần cá tra thế giới.

Cá tra là đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam – Ảnh: Ngọc Trinh

Cá tra Việt Nam “một mình một chợ”, đáng ra phải toàn quyền chi phối thị trường thế giới, nhưng thực tế luôn bị thị trường thế giới chi phối, bị kiện bán phá giá, kể cả truyền thông bôi nhọ, cạnh tranh thiếu lành mạnh, phá giá nhau… Điều này thể hiện rõ qua giá xuất khẩu cá tra giảm mạnh trong hơn 10 năm qua, từ 3,6 USD/kg (năm 2000) giảm còn hơn 2,2 USD/kg (năm 2012), bình quân giá xuất khẩu giảm 4,8%/năm. Theo VASEP, cách đây hơn 10 năm số hộ thua lỗ chỉ chiếm 9,4% tổng số hộ nuôi, đến nay số hộ thua lỗ đã lên gần 50%; mặt hàng cá tra chỉ đạt giá trị gia tăng 0,68%, trong khi đó tỷ trọng giá trị gia tăng đạt được từ mặt hàng tôm là 27,4%; cá ngừ 37,7%.

Hiện nay, sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra chưa có hiệu quả cao, cần phải tổ chức quản lý lại theo hướng hiệu quả, bền vững. Từ những bất cập, hạn chế, yếu kém kể trên, Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra ra đời đã làm thay đổi cơ bản hình thức tổ chức, quản lý sản xuất cũng như tiêu thụ cá tra ĐBSCL. Đây là cơ sở quan trọng bắt buộc phải có những “Quy hoạch nuôi, chế biến cá tra ở ĐBSCL đến năm 2020” cho phù hợp thực tế, nhất là phù hợp với việc lựa chọn sản phẩm cá tra để thực hiện quá trình tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.        

>>  “Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, việc thực hiện 5 nhóm giải pháp (khoa học, công nghệ và môi trường; tổ chức lại sản xuất, thị trường; xúc tiến thương mại; cơ chế chính sách; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực) sẽ đáp ứng được yêu cầu hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến ngành thủy sản nói chung, ngành cá tra nói riêng, giúp ngành cá tra tái cơ cấu thành công”, TS Nguyễn Thanh Tùng cho biết.

Đảm bảo hài hòa lợi ích

Quy hoạch lại cá tra vùng ĐBSCL xác định rõ: Phát huy lợi thế và tiềm năng của vùng, phù hợp điều kiện tự nhiên và khả năng tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước; gắn kết giữa thị trường tiêu thụ và sản xuất cá tra; Quy hoạch nuôi, chế biến cá tra vùng ĐBSCL phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển nuôi trồng thủy sản và quy hoạch kinh tế – xã hội địa phương trong vùng, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; Phát triển sản xuất giống, nuôi, chế biến và tiêu thụ cá tra phải gắn liền với việc bảo đảm thực hiện theo các quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định về điều kiện hoạt động, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; Đảm bảo hài hòa lợi ích các khâu theo chuỗi giá trị từ người tiêu dụng đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất giống, nuôi, chế biến xuất khẩu và công nghiệp phụ trợ ngành cá tra; Phát triển nuôi cá tra công nghiệp bằng cách huy động nguồn lực nhiều thành phần kinh tế, trong đó Nhà nước đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi cá tra tập trung, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cung cấp cho công nghiệp chế biến.

 

Lập lại trật tự ngành hàng

Với định hướng phát huy lợi thế vùng ĐBSCL trong sản xuất cá tra và quản lý toàn bộ chuỗi giá trị theo hướng hiệu quả, bền vững, phù hợp nhu cầu thị trường, Bộ NN&PTNT quy hoạch đến năm 2020, diện tích nuôi cá tra trong vùng là 7.260 ha (theo chuẩn VietGAP), được phân bố tại các tỉnh, thành phố: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh.

Đây là những địa phương có chế độ thủy văn thuận lợi (lưu lượng dòng chảy lớn, trao đổi nước tốt và tự làm sạch dòng chảy tốt), giảm ô nhiễm nước mặt cục bộ. Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp dẫn đầu về diện tích, với 4.230 ha. Các tỉnh kể trên phấn đấu đến năm 2020, diện tích mặt nước nuôi cá tra đạt 7.000 – 7.600 ha, sản lượng cá tra nuôi 1,8 – 1,9 triệu tấn, chế biến 750.000 – 800.000 tấn thành phẩm, kim ngạch xuất khẩu 2,6 – 3 tỷ USD, tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng 15 – 20%, giải quyết việc làm cho 29.000 lao động.

Từ nay đến 2015, mỗi năm ĐBSCL đưa 5.270 ha mặt nước vào nuôi cá tra, phấn đấu sản lượng đạt 1,2 triệu tấn, chế biến 650.000 – 700.000 tấn thành phẩm/năm; trong đó tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng cao 8 – 12%, kim ngạch xuất khẩu 2 – 2,3 tỷ USD, giải quyết việc làm cho 21.000 lao động.

Khu vực sản xuất cá bột và cá giống chất lượng cao được bố trí trên diện tích 2.500 ha với 328 cơ sở thuộc các tỉnh, thành phố Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh; sao cho đến năm 2015 cung ứng cho người nuôi 1,9 tỷ con giống đạt chuẩn, đến năm 2020 cung ứng 2,7 tỷ con.

 Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đề ra, các tỉnh trong vùng quy hoạch đang lập quy hoạch chi tiết về đầu tư hạ tầng cho vùng nuôi, nâng cấp các trung tâm giống, chọn tạo giống cá tra chất lượng cao, hoàn thiện quy trình sản xuất giống sạch bệnh, kiểm soát được chất lượng đầu ra; chuyển giao công nghệ chế biến sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước; triển khai mô hình nuôi, thu mua, chế biến, tiêu thụ theo chuẩn hiệu quả, bền vững.

 

Không đầu tư thêm cơ sở chế biến

ĐBSCL hiện có 94 nhà máy chế biến cá tra, tổng công suất gần 1 triệu tấn/năm, thừa khả năng chế biến sản lượng cá tra sản xuất từ nay đến năm 2020. Vì vậy, các tỉnh không xây dựng mới mà khuyến khích đầu tư nâng cấp, nhằm tăng năng lực chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao của các nhà máy.

Năm 2014 – 2015, các tỉnh đổi mới dây chuyền sản xuất tại các nhà máy hiện có, nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm. Năm 2016 – 2020, các tỉnh không phát triển thêm dây chuyền sản xuất cá tra fillet mà tập trung đầu tư lắp mới nhiều dây chuyền sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công suất 45.000 tấn/năm, cũng như đưa thêm công nghệ mới vào sản xuất phụ phẩm cá tra, để tạo ra sản phẩm thực phẩm và phi thực phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong, ngoài nước (như: cá tra đóng gói nhỏ để nấu hay ăn liền, sản phẩm dùng để bào chế dược phẩm, mỹ phẩm). Xây dựng TP Cần Thơ thành trung tâm chế biến cá tra công nghệ cao của vùng ĐBSCL.

Việc quy hoạch nuôi, chế biến và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2020 là rất cấp thiết – Ảnh: Duy Khương

 

Để cá tra vẫn là thế mạnh

Nhằm tạo đầu ra ổn định và mở rộng thị phần tiêu thụ cá tra tại nước ngoài, các bộ, ngành hữu quan và các tỉnh ĐBSCL xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại thích nghi các tranh chấp thương mại, rào cản kỹ thuật quốc tế, nhất là tại thị trường Mỹ, EU. Trong đó, cần quan tâm tìm hiểu pháp luật Mỹ, thống nhất tiêu chuẩn trang trại cá nheo của Mỹ và tiêu chuẩn VietGAP; tăng cường quảng bá hình ảnh cá tra Việt Nam tại EU; đồng thời mở trung tâm đầu mối phân phối, bán đấu giá cá tra tại EU, nhằm tạo thuận lợi trong phân phối sản phẩm, tránh bán phá giá cá tra của các doanh nghiệp Việt Nam, qua đó tránh ảnh hưởng từ chính sách bảo hộ của các nước nhập khẩu.

 Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng tiêu thụ cá tra tại các thị trường tiềm năng (Nga, Trung Quốc, Mexico, Trung Đông, Ấn Độ, ASEAN). Các địa phương đổi mới phương thức xuất khẩu, bằng cách tăng cường xuất khẩu trực tiếp cho các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại lớn, siêu thị, nhằm thay thế dần hình thức xuất khẩu qua trung gian, tăng hiệu quả xuất khẩu.

>> Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản: Phải gắn với phát triển kinh tế – xã hội

Quy hoạch trước đây chưa lường hết yếu tố thị trường nên phải làm lại. Để không phá vỡ quy hoạch và phục vụ Nghị định 36 đã có hiệu lực, khi ban hành, các tỉnh sẽ phải tuân theo quy hoạch mới. Dù là vùng nuôi, chưa tính đến chế biến, nhưng quy hoạch được ban hành trong thời gian tới phải gắn với phát triển kinh tế – xã hội, với tổng thể phát triển ngành thủy sản và tái cơ cấu nông nghiệp. Nơi có nguồn nước thuận lợi và hạ tầng tốt sẽ được ưu tiên cho quy hoạch sản xuất cá tra vùng ĐBSCL.

T.C (ghi)

TS Nguyễn Thanh Tùng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!