Hỏi: Ao nuôi tôm có nhiều tảo lam, tôm bị phân trắng, ăn kém; vậy xin hỏi cách trị bệnh phân trắng ở tôm như thế nào? (Trần Văn Mỹ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An)
Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời:
Tảo lam không có lợi trong ao nuôi. Bởi, ngoài việc tiêu thụ ôxy, tảo la, còn gây bệnh phân trắng, ăn kém do tôm ăn phải nhưng không tiêu hóa được. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tảo lam phát triển quá mức là do tích lũy nhiều chất thải hữu cơ trong ao nuôi. Biện pháp, nước mới trước khi cấp vào ao nuôi cần được diệt tảo bằng Chlorin, BKC…; Thay 20 – 30 % lượng nước trong ao nuôi; Nếu không thể thay nước thì phải diệt khuẩn bằng hóa chất có thành phần chính là Iodine. Đồng thời, dùng thuốc BERBERIN 3 viên/kg thức ăn, cho ăn 3 – 5 ngày vào hai lần trong ngày. Lần còn lại bổ sung BIO SUBTYN. Sau khi sử dụng thuốc 3 – 5 ngày, có thể dùng ProBioF2 để phòng bệnh đến cuối vụ nuôi.
Hỏi: Hóa chất làm tăng hàm lượng ôxy trong nước nuôi trồng thủy sản là gì? Có ảnh hưởng đến người và vật nuôi không? (Hoàng Văn Tự, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp)
Trả lời:
Hóa chất làm tăng lượng ôxy trong nước thường dùng trong nuôi thủy sản thường là ôxy già (H2O2), và Sodium Carbonate Peroxyhydrat (2Na2CO3.3H2O2). Những chất này có độ khử trùng cao hoặc là những chất nhằm nâng cao chất lượng nước. Thành phần chính của hai chất này là H2O2. Các hợp chất hữu cơ trong các hệ thống nuôi như là một chất xúc tác để thúc đẩy sự phân hủy của H2O2 và nâng cao hàm lượng ôxy hòa tan. Không có nhiều thông tin về độc tính của H2O2 đối với cá và tôm, nhưng dữ liệu hiện có cho thấy không nên duy trì nồng độ H2O2 cao hơn 5 mg/L trong thời gian dài. H2O2 không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người.
Hỏi: Lươn nuôi trong bể xi măng được hai tháng, trên thân có đốm đỏ và có hiện tượng nổi đầu. Xin hỏi lươn bị bệnh gì và cách chữa trị như thế nào? (Tiêu Thanh Sang, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh)
Trả lời:
Theo như mô tả, lươn của bạn có triệu chứng bị bệnh đóng dấu. Bệnh này thường xảy ra khi lươn bị sây sát, khi đó các vi khuẩn, ký sinh trùng sẽ bám vào chỗ sây sát đó mà sinh sống và phát triển dần thành những đốm đỏ. Trên mình lươn xuất hiện nhiều vết hình tròn hay bầu dục màu đỏ xen lẫn với các một số ít vùng da bị lở loét lớn hơn. Khi bệnh nặng, đuôi lươn bị rụng đi, bơi lội khó khăn, đầu lươn thường ngóc lên khỏi mặt nước để thở, mệt mỏi, bơi lờ đờ, yếu dần rồi chết.
Trị bệnh: Có thể sử dụng Cenplex Cu để trị bằng phương pháp tắm lươn theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Ngoài ra, có thể sử dụng Vime-fenfish 500 với liều lượng 1lít/2,5 tấn lươn hoặc dùng Sulfamidine với liều lượng 0,5 g/50 kg lươn.