(Thủy sản Việt Nam) – “Mở quán ăn ở đây thì bán cho khỉ trên núi”, “làm gì có ai khùng nuôi cá ở cái đất toàn đá này”… Đó là những lời mà người dân ở Tổ 1, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng bàn tán xung quanh những việc làm của Đào Dũng. Nhưng rồi, với những gì gặt hái được, đã chứng tỏ anh không “khùng” chút nào. Mô hình nuôi cá lóc giữa đồi núi đá của anh đang cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và được nhiều người đến tham quan, học tập.
Thương hiệu “Dũng khùng"
Hơn 10 năm về trước, Đào Dũng chân ướt chân ráo từ Đà Lạt chuyển về Đà Nẵng với hy vọng tìm cho mình một hướng làm ăn hiệu quả. Gom góp được chút vốn liếng, anh mở một quán nhỏ dưới chân núi, bắt đầu cơ nghiệp. Cũng từ đây, mọi người gắn cho anh biệt hiệu Dũng “khùng”. Bởi chẳng ai tin anh có thể kiếm tiền bằng việc mở quán trên núi này. Người ta kháo nhau: “Thằng này khùng thật rồi, mở quán trên núi thì bán cho khỉ?”.
Quả thực thời gian đầu, anh gặp rất nhiều khó khăn, phần vì còn “lạ nước, lạ cái”, phần vì kinh nghiệm trong kinh doanh chưa nhiều. Nhưng với quyết tâm cao, món ăn ngon và cái duyên với khách, cửa hàng của anh ngày một đông. Thu nhập ngày càng tăng lên, cuộc sống của Đào Dũng cũng ổn định hơn. Nhưng với bản tính không chấp nhận những gì mình đang có, anh đã dành nhiều thời gian tìm hiểu những cách làm giàu hiệu quả qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua những câu chuyện mà anh nghe được của khách đến nhà hàng. Rồi anh chuyển sang chăn nuôi gà, vịt, heo… nhưng hiệu quả kinh tế thì không cao mà vất vả hơn.
Một lần nghe có người nói nuôi cá lóc thu lợi. Anh lại lặn lội đi tìm, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình nuôi cá lóc. Có những mô hình ở xa như Long An, Vĩnh Lộc… Đào Dũng quyết tâm đến tận nơi, xem tận mắt để tìm hiểu. Sau một thời gian, anh chuyển sang nuôi cá. Một lần nữa, cái tên Dũng “khùng” lại được nhắc tới, nó xuất hiện trong hầu hết những cuộc nói chuyện của người dân về cách làm ăn bấy giờ. Vốn làm nghề đẽo, điêu khắc đá đã từ bao năm nay, người dân phường Hòa Hải không thể tin nổi Dũng “khùng” sẽ thành công từ mô hình nuôi cá lóc, cái nghề còn rất lạ lẫm ở đất này. Vượt qua những lời bàn tán, những băn khoăn về cách làm kinh tế của anh, sau nhiều lần thất bại, mô hình nuôi cá lóc của Đào Dũng đã phát huy hiệu quả và cho thu nhập gần 300 triệu đồng/năm. Anh kể kỷ niệm về thời gian khó khăn khi nuôi cá lóc của mình. Vào năm ngoái, vừa đầu tư cho đợt nuôi cá mới, cơn bão số 6 ập đến đã cuốn phăng mái nhà của gia đình anh, nước tràn bờ, số cá vừa nuôi mất trắng. Khó khăn nối tiếp khó khăn nhưng Đào Dũng đã vựng dậy tiếp tục với niềm tin của mình. Giờ quán ăn của anh có thêm một đặc sản nữa, đặc sản cá lóc. Bà con cũng có nhiều người đến học hỏi kinh nghiệm nuôi cá của anh. Khi được hỏi về thành quả hôm nay, anh Dũng cười khiêm tốn, “chắc tôi có duyên với con cá”.
Đào Dũng bên ao nuôi cá
Luôn học hỏi và sáng tạo
Diện tích ao nuôi không nhiều nhưng trang trại của Đào Dũng có đủ những dụng cụ cần thiết cho việc chăm sóc cá, từ máy chế biến thức ăn, đến hệ thống thoát nước thải hợp lý… Đó chính là thành quả của anh nông dân cần cù chịu khó học hỏi, sáng tạo trong cách làm ăn.
Để khắc phục những khó khăn về diện tích và nguồn nước, sát vách núi, Đào Dũng đã đầu tư trên 30 triệu đồng để đào 8 ao kích thước 4m x 8m, sâu 0,8m, trải bạt rồi xả nước vào. Hệ thống cấp và thoát nước khá hoàn chỉnh do anh sáng tạo nhờ việc học hỏi và đúc rút kinh nghiệm. Phía dưới là ao rộng 2.000m2 nuôi đủ các loại cá nước ngọt. Theo anh, bố trí như vậy để khi thay nước từ các ao nuôi cá lóc, thức ăn thừa đổ xuống ao phía dưới cá tại đó không cần phải cho ăn mà chúng lớn rất nhanh. Anh chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá của mình: nuôi cá nhàn nhưng chăm cá cũng rất cầu kỳ. Ngày mua cá giống về, cá con chỉ bằng đầu đũa. Sau 5 tháng, cá nặng từ 0,7-1kg. Lượng hao hụt khoảng 30%. Tháng đầu anh cho thức ăn giàu dinh dưỡng, gồm cá tạp xay nhuyễn trộn với trứng gà và sữa bột. Sang tháng thứ hai trở đi, cho cá ăn tạp ngày ba bữa. Tính ra, cứ 1kg cá thịt tiêu tốn hết 4kg thức ăn. Yêu cầu quan trọng nhất trong nuôi cá lóc là thay nước thường xuyên, ít nhất 1 ngày/lần. Ở 8 ao có tới ba lứa cá. Có lứa vừa thả giống nửa tháng, có lứa đã bước sang tháng thứ ba. Anh cho hay, nuôi cá đòi hỏi sự tận tụy, chăm sóc không chu đáo cá dễ bị bệnh, chậm lớn. Thi thoảng vệ sinh cho cá bằng thuốc tím pha loãng. Những kinh nghiệm này anh đi tham quan các trại nuôi cá trong và ngoài tỉnh cộng với việc nghiên cứu tài liệu.
Hiệu quả kinh tế từ nuôi cá lóc vượt lên cả sự mong đợi của vợ chồng anh Dũng. Không những thế, anh còn mong muốn nhân rộng mô hình kinh tế này nhằm giới thiệu và giúp đỡ bà con cách làm ăn mới mang lại hiệu quả.
Nghiệp nuôi cá còn dài
Những lời tâm sự của anh trùng xuống khi nhắc đến tương lai của những ao cá, khí thế hừng hực cho vụ mùa mới với ý định mở rộng thêm diện tích. Anh hay tin, mới đây, chính quyền chuẩn bị thu hồi đất, giải tỏa dân ở chân núi Ngũ Hành Sơn nhằm xây dựng khu di tích văn hóa tâm linh. Sau đợt thu này, anh Dũng đã ngừng thả thêm cá mới, chuẩn bị thu hoạch cho hết cá tạp ở ao còn lại. Bởi khả năng tịch thu đất, giải tỏa dân cư tại đây là rất cao nên anh cũng chỉ duy trì tiếp ao cá tạp mà anh thấy rằng hiệu quả kinh tế cũng khá cao. Không khí có phần im ắng, lại thấy anh Dũng cười khà khà. “Nếu chính quyền cho chỉ thị ngừng thì cũng chẳng biết sao. Tới đây, tôi vẫn muốn nuôi cá. Nghe nói ở Đà Lạt đã nuôi được loài cá nước lạnh: cá tầm, cá hồi. Tôi sẽ trở về đó bắt tay nuôi cá tầm cũng được. Đấy chỉ là dự định thôi, để xem tôi có duyên với cá nhiều tới đâu nữa đã”.
Nhưng với lối suy nghĩ của Dũng “khùng”, niềm tin gắn bó với nghiệp nuôi cá của anh còn rất dài và rất khả quan.
>> Đào Dũng bắt đầu nuôi cá từ cuối năm 2007, đến nay anh đã thu nhập bốn lứa trên 10 tấn. Với giá 30 nghìn đồng/kg, trừ các chi phí về giống, thức ăn, công chăm sóc, anh có nguồn thu gần 300 triệu đồng/năm. Tính cả ao nuôi cá tạp, tổng doanh thu của anh lên tới 400 triệu đồng/năm. Theo anh Dũng: “Cá lóc có đầu ra thuận lợi, hiệu quả kinh tế gấp 5-6 lần so với nuôi vịt đàn, nuôi heo cùng vốn đầu tư và thời gian”.
Bùi Định