Bám biển, bám làng, trở thành triệu phú

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – “Chú không biết mô, ngày đó cái làng biển ni còn nghèo lắm. Đầu tắt, mặt tối quanh năm mà chẳng đủ ăn. Hòa bình rồi nhưng có người bi quan không biết khi mô mới cất mặt lên nổi…”. Sau cái chạm cốc, nhấp ngụm rượu đế cay nồng, lão ngư Phạm Phong Hoa, 65 tuổi khề khà kể cho tôi nghe chuyện “mần ăn” của mình…

“Một tấc không đi, một ly không dời”

Ông Phạm Phong Hoa sinh ra và lớn lên ở xã miền biển Nhân Trạch giàu tinh thần yêu nước và truyền thống cách mạng. Năm 18 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, Phạm Phong Hoa đã tình nguyện gia nhập Trung đội Trực chiến 12 ly 7 xã Nhân Trạch. 

Lão ngư Phạm Phong Hoa – người mở hướng đi mới cho làng biển Nhân Trạch

Với khẩu hiểu hành động “Một tấc không đi, một ly không dời”, Trung đội Trực chiến 12 ly 7 của ông Hoa đã canh giữ, bảo vệ toàn vẹn vùng biển, vùng trời của xã và đánh trả máy bay giặc khi chúng đánh phá, góp phần cùng cả huyện, cả tỉnh, cả nước đánh thắng giặc Mỹ.

 Chính những ngày cùng sát cánh bên nhau chiến đấu ở chiến trường, ông Hoa đã gặp bà Phạm Thị Đảo, người cùng xã và trở thành chồng vợ. Năm 1975, khi hòa bình lập lại, vợ chồng ông Hoa trở về sinh sống và gắn bó với nghề đi biển ở thôn Dinh, xã Nhân Trạch quê mình.

Với uy tín của một người lính và kinh nghiệm của một ngư dân nhiều năm đi biển, ông Hoa đã được bà con trong xã bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Lý Nhân Nam chuyên đánh cá, chế biến thủy hải sản và trồng cây lâm nghiệp trên cát.

“Ở cái làng biển ni, trong chiến tranh, người ta ai cũng quả cảm lắm. Nhưng khi hòa bình rồi, đối mặt với nỗi lo cơ áo, gạo tiền, thì nhiều người còn bi quan. Ngay cả trong Hợp tác xã của tui, có người đạn bom không ngán, nhưng khi mần ăn gặp khó khăn thì lại ngán ngẩm tính chuyện bỏ xứ mà đi…”. Ông Hoa làm Chủ nhiệm trong những tháng ngày khó khăn chồng chất như thế, nhưng với cương vị Chủ nhiệm, ông đã thuyết phục, vận động được toàn bộ xã viên và bà con làng biển của mình “Một tấc không đi, một ly không dời”, bám biển, bám làng xây dựng cuộc sống mới từ trong hoang tàn, đổ nát…

 

Mở hướng đi mới cho làng biển

Đang là Chủ nhiệm Hợp tác xã, với bản lĩnh của một người lính và tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm của một ngư dân làng biển, ông Hoa bàn với vợ tự mình đứng ra mua thuyền đánh cá riêng để đi biển. Và đây chính là chiếc thuyền tư nhân đầu tiên ở Nhân Trạch lúc đó. Vốn có kinh nghiệm trong nghề và hiểu nằm lòng những ngư trường có trữ lượng thủy sản lớn, chiếc thuyền đánh cá của ông Hoa đã thu được hiệu quả kinh tế thấy rõ từ những chuyến ra khơi.

Cơ sở đóng thuyền của ông Phạm Phong Hoa

Tích cóp, dành dụm được một ít vốn liếng, đến năm 1990, ông Hoa đầu tư 70 triệu đồng mua 1 chiếc tàu có công suất lớn hơn để đi biển. Đến nay, gia đình ông đã sở hữu 2 chiếc tàu đánh cá, 1 chiếc có công suất 33 CV, một chiếc công suất 24 CV, giải quyết việc làm cho 12 lao động trong xã, với thu nhập từ 40 – 50 triệu đồng/người/năm… Trừ các khoản chi phí, hàng năm, mỗi tàu đánh cá mang về cho gia đình ông Hoa  trên 200 triệu đồng…

Thấy tàu thuyền đánh cá của ông Hoa ngày càng ăn nên làm ra, ngư dân làng biển Nhân Trạch cũng đã mạnh dạn đầu tư mua sắm thêm nhiều tàu thuyền suất lớn để đi biển. Toàn xã hiện có 291 tàu thuyền, trong đó thuyền lắp máy trên 40 CV có 9 chiếc, thuyền lắp máy từ 20-40 CV có 101 chiếc… Hàng năm, nghề đi biển đưa về nguồn thu hàng tỷ đồng.

 

“Thợ làng” vươn ra “biển lớn”

Nhân Trạch là một xã vùng biển bãi ngang có số lượng tàu thuyền đi biển  nhiều. Trước đây, do thiếu các cơ sở dịch vụ, hậu cần nghề cá, mỗi khi tàu thuyền bị hư hỏng, ngư dân phải đưa đi xa để sửa chữa, gây tốn kém công sức, tiền của. Nhận thấy nhu cầu bức thiết về sửa chữa tàu thuyền đánh cá của bà con ngư dân trong xã rất lớn, năm 1991, ông Hoa đã thành lập cơ sở dịch vụ sửa chữa tàu thuyền, đóng tại cửa lạch của xã. Gia đình ông đã đầu tư 300 triệu đồng mua sắm các loại máy móc hiện đại, như máy tiện, máy hàn, máy cưa… Hàng năm, trừ các khoản chi phí, cơ sở sửa chữa tàu thuyền đưa về cho gia đình ông Hoa trên 400 triệu đồng…

Không chỉ tạo công ăn việc làm thường xuyên cho từ 4 – 5 lao động trong gia đình, cơ sở dịch vụ sửa chữa tàu thuyền của ông Phạm Phong Hoa đã đào tạo các nghề gò, hàn, gia công cơ khí và nâng cao tay nghề cho trên 30 lao động ở Nhân Trạch, họ đều khẳng định được tay nghề và có thu nhập cao khi đi làm việc tại Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan…

“Thợ của tui không được học nhiều về lý thuyết, nhưng tay nghề ai cũng vững và có thể đảm nhận được các khâu sửa chữa tàu thuyền. Từ cái “lò” này, nhiều đứa đã “nên cơm, nên cháo” đó chú…” – ông Hoa tự hào khoe.

Từ ngoài xa nhìn vào, làng Nhân Trạch như một doi cát nhỏ nhoi, mỏng manh nhô ra phía biển. Mới cách đây mấy tháng thôi, nhiều gia đình ở đây phải “khóc đứng, khóc ngồi” khi nhà cửa bị hà bá “nuốt chửng”. Nhưng người Nhân Trạch vẫn quyết tâm bám biển, bám làng để dựng xây cuộc sống mới. Bởi vì, ở đây, có những con người bất khuất, kiên cường chưa bao giờ chịu đầu hàng trước thất bại và đói nghèo, như thương binh Phạm Phong Hoa…

>> Những ngày cao điểm mùa đi biển, cơ sở của ông Hoa thường tiếp nhận sửa chữa từ 30-40 tàu thuyền của ngư dân trong xã, trong vùng và các tỉnh bạn. Ông vừa sửa chữa hư hỏng thông thường, vừa tân trang lại tàu thuyền, giúp ngư dân yên tâm trong mỗi chuyến ra khơi.

Trương Văn Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!