Ổn định pH trong ao nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

pH nước ao nuôi tôm ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến sự phát triển của tôm, phiêu sinh vật và khí độc trong ao… Kiểm soát chỉ số pH là một trong những việc phải làm của người nuôi tôm.

pH trong nước ao phụ thuộc ion H+ (tính a xít) và OH(tính bazơ – kiềm). Tôm và hầu hết các loài thủy sinh vật đều thích hợp môi trường nước trung tính và hơi kiềm (pH = 7 – 8).

 

Ảnh hưởng pH đối với tôm

Một vài chức năng của tôm sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp do pH quá cao hay quá thấp. Các ảnh hưởng trực tiếp sẽ làm tôm nuôi bị tổn thương phụ bộ và mang, khiến tôm bị mềm vỏ sau lột xác khi pH thấp.

Sự biến động pH còn tác động gián tiếp đến tôm nuôi thông qua sự tăng giảm của khí độc. Trong nuôi tôm, hai chất khí hòa tan được cho là nguy hiểm đối với tôm nuôi là H2S và NH3. Hai loại khí này tồn tại trong ao dưới dạng khí và ion. Dạng khí có tính độc cao và gây nguy hiểm cho tôm nuôi. Khi pH trong ao nuôi tôm thay đổi, sẽ ảnh hưởng đến độc tính của hai loại khí độc trên. pH cao sẽ làm tăng độc tính của khí NH3; pH thấp làm tăng độc tính của khí H2S.

 

Kiểm tra độ pH trong nước ao là việc làm cần thiết – Ảnh: Trần Út

Ổn định pH trong ao

Đối với ao nuôi tôm, việc ổn định pH ở mức 7,5 – 8,2 là thích hợp, bởi giới hạn này được cho là ngưỡng phù hợp môi trường và sự phát triển của tôm.

Để pH trong ao nuôi tôm ổn định, cần thực hiện tốt các biện pháp:

Trong quá trình cải tạo ao nuôi: Cần kiểm tra pH đất để xác định lượng vôi bột CaO dùng cho phù hợp. Nếu pH đất > 6 dùng 300 – 600 kg/ha; pH < 5 dùng 1.500 – 2.000 kg/ha.

Trong quá trình nuôi: Nếu pH giảm thấp, có thể dùng vôi tôi Ca(OH) 2 với liều lượng 5 – 10 kg/1.000 m3.

Khi pH có sự chênh lệch lớn giữa buổi sáng và chiều thì dùng vôi Dolomite với liều lượng 150 – 300 kg/ha.

Khi pH tăng cao có thể dùng mật đường với liều lượng 1 – 3 kg/1.000 m3 hoặc dùng chế phẩm sinh học để xử lý.

Trong những trường hợp đặc biệt như pH tăng quá cao do sự phát triển mạnh của tảo, có thể thay một lượng nước ao nuôi tôm hoặc sử dụng hóa chất (formol) để giảm bớt mật độ tảo.

Người nuôi tôm cần lưu ý: Khi xây dựng ao nuôi cần tránh vùng bị nhiễm phèn tiềm tàng. Khi đào ao, không đào sâu quá (chạm đến vùng đất nhiễm phèn). Đây là những nguyên nhân chính làm cho pH ao nuôi tôm không ổn định. Bên cạnh đó, cần tránh lạm dụng vôi trong quá trình nuôi tôm; nên sử dụng chế phẩm sinh học để gây màu nước, ổn định sự phát triển của tảo sẽ giúp pH trong ao ổn định, tạo thuận lợi cho tôm nuôi phát triển.

Trọng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!