Nghề nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy ở xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương hình thành cách đây khoảng 5 năm. Với sản lượng trung bình mỗi lồng đạt 5 tấn cá/năm đã đem lại nguồn thu nhập “khủng” cho người nuôi.
Giàu lên trông thấy
Theo Chi cục Thủy sản Hải Dương: Hiện nay, trên địa bàn toàn xã Nam Tân có 17 dự án nuôi cá lồng với trên 900 lồng cá, trong đó số lồng cá giòn chiếm 5%. Năm 2013, sản lượng cá lồng toàn xã đạt trên 3.500 tấn, chủ yếu là: điêu hồng, lăng, chép giòn, trắm giòn.
Ông Nguyễn Trung Tựu, Cựu Chủ tịch xã Nam Tân, nay là một trong số hộ nuôi cá lồng đạt hiệu quả trên sông Kinh Thầy cho biết: “Nhu cầu lớn, giá cao, sản phẩm cá giòn đang mở ra tiềm năng, cơ hội lớn cho nghề nuôi cá lồng ở Nam Tân. Hiện tại, giá cá chép giòn dao động 130.000 – 145.000 đồng/kg, cá trắm giòn có giá khoảng 120.000 – 125.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi tấn cá giòn, người nuôi thu lãi 30 – 42 triệu đồng tùy theo thời điểm xuất cá”.
Là một trong những chủ hộ nuôi cá chép giòn thành công đầu tiên của địa phương, mỗi năm anh Nguyễn Thế Phước xuất bán khoảng 30 tấn cá trắm, chép giòn và hàng chục tấn cá diêu hồng, lăng, sau khi trừ chi phí, anh Phước lãi 6 – 7 tỷ đồng/năm. Anh Phước cho biết: “Thời gian đầu khi bắt tay vào nuôi con cá đặc sản này quả thật khó khăn vì kỹ thuật chưa vững, đã rất nhiều mẻ cá anh nuôi không trở thành “giòn” được. Đến khi có nhiều Dự án triển khai ở địa phương hỗ trợ người nuôi một phần vốn để đầu tư cho giống, thức ăn, các cán bộ chuyên ngành thủy sản hỗ trợ về kỹ thuật… thì cá chép, trắm giòn mới được “trình làng” với đủ tiêu chuẩn về chất lượng”.
Nuôi cá giòn ở Hải Dương cho hiệu quả cao – Ảnh: QM
Trước đây, người nuôi cá giòn phải nhập hạt đậu tằm từ Trung Quốc, song để chủ động nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, anh Phước đã thuê đất ở Mộc Châu (Sơn La), Bảo Lộc (Lâm Đồng) để trồng đậu tằm. Nhưng anh Phước cho hay: “Trước khi cho cá ăn, hạt đậu tằm sẽ được ngâm ủ trong khoảng 24 giờ. Kỹ thuật ngâm ủ là một trong những yếu tố rất quan trọng, giúp thịt cá dai và giòn hơn. Hiện tôi đã chủ động được hoàn toàn thức ăn và 100% cá giòn được nuôi ở Việt Nam, vì vậy người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng”.
Chưa thể phát triển
Theo ông Phạm Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hải Dương, lợi nhuận cao như vậy nhưng không phải ai cũng nuôi được cá chép giòn, trắm giòn đạt tiêu chuẩn vì nghề này rất công phu, đòi hỏi phải có kỹ thuật cao từ khâu chọn giống, thức ăn, chăm sóc đến phòng bệnh định kỳ… Thức ăn để luyện cá thường thành cá giòn không gì khác ngoài đậu tằm. Nhưng để cá ăn được đậu tằm không bị chết lại đòi hỏi kỹ thuật; bởi thức ăn đậu tằm phải được ngâm nước muối sao cho đủ nước, thừa không được mà thiếu nước lại gây nguy hại rất lớn cho cá, nếu không cẩn thận sẽ mất trắng.
Trước đây, thời điểm những năm 2010 – 2011, nhiều tin đồn về cá giòn ăn vào sẽ có nhiều độc hại vì công nghệ làm “giòn cá” khiến người tiêu dùng tẩy chay cá giòn nên người nuôi được một phen điêu đứng. Đến nay, thực phẩm này lại là một đặc sản cho các quán ăn, nhà hàng.
Bên cạnh đó, nghề nuôi cá giòn mới chỉ phát triển tự phát, chưa có quy hoạch cụ thể. Cùng đó, hiệu quả cao hơn so với cá nuôi thường song theo ngành chức năng tỉnh khuyến cáo thị trường đầu ra thiếu ổn định dẫn đến nhiều nguy cơ mất cân bằng cung – cầu. Vì vậy, người dân cần nên cân nhắc kỹ trước khi nuôi, tránh tình trạng ồ ạt thả nuôi.