Lịch thời vụ được các ngành chức năng đưa ra nhằm giúp bà con nông dân sản xuất hiệu quả, tránh thiệt hại. Tuy nhiên, với thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay thì khi áp dụng lịch thời vụ người dân cần xem xét điều kiện thực tế để chọn thời điểm xuống giống, nuôi trồng hợp lý, hiệu quả.
Để hạn chế thiệt hại tôm nuôi trước ảnh hưởng của El Nino trực tiếp gây ra, Sở NN&PTNT Cà Mau phối hợp các ngành, địa phương liên quan điều chỉnh lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản năm 2016 trên địa bàn tỉnh. Điều này góp phần đáng kể trong việc định hướng thời điểm bắt đầu mùa vụ hợp lý ở từng địa phương.
Ông Đoàn Văn Chính, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, cho biết, Sở NN&PTNT vừa có hướng dẫn điều chỉnh khung lịch thời vụ nuôi trồng thuỷ sản năm 2016. Nhìn chung, những điều chỉnh này khá sát với điều kiện thực tế của địa phương. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để nâng cao nhận thức của người dân trong việc tuân thủ lịch thời vụ. Bên cạnh đó, khi áp dụng lịch thời vụ thì người dân cũng cần có sự chủ động trong việc chọn thời điểm thích hợp căn cứ vào điều kiện thực tế chứ không chỉ làm theo khuôn mẫu.
Nông dân xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước đang cải tạo ao nuôi – Ảnh: Hoàng Diệu
Cụ thể, theo hướng dẫn điều chỉnh khung lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản thì nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh tôm thẻ chân trắng vụ 1 đã kết thúc, thời gian còn lại người dân cần tập trung cải tạo ao đầm hoặc nuôi luân canh một số đối tượng như cá kèo, cá rô phi, sò huyết… để cải thiện chất lượng ao, đầm nuôi. Đối với những vùng nuôi có điều kiện môi trường thích hợp có thể nuôi 2 vụ tôm sú trong năm nhưng phải đảm bảo thời gian phơi đáy ao giữa 2 vụ nuôi ít nhất 45 ngày.
Tuy nhiên, một vấn đề được ông Đoàn Văn Chính khuyến cáo, là khi bắt đầu mùa vụ mới, người dân cần căn cứ vào điều kiện thời tiết, môi trường xem có phù hợp hay không. Nếu nhiệt độ và độ mặn trong ao, đầm quá cao, vượt mức cho phép thì không nên thả nuôi để tránh thiệt hại (tôm nuôi sẽ chậm lớn do không thể lột vỏ được, dẫn đến phát sinh nhiều dịch bệnh gây hại).
Việc không tuân thủ đúng lịch thời vụ cũng dẫn đến nhiều hệ lụy, quan ngại nhất là phát sinh dịch bệnh. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay có 120 ha tôm công nghiệp, hơn 3.300 ha tôm quảng canh bị nhiễm bệnh. Tình hình nắng hạn kéo dài, xâm mặn do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, việc đưa nước mặn vào đất trồng lúa để nuôi tôm vẫn còn xảy ra nhưng chưa được khắc phục kịp thời đã làm thiệt hại nghiêm trọng đến sản lượng, năng suất các trà lúa năm 2015. Diện tích lúa trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại 49.343 ha; trong đó, lúa – tôm 35.221 ha, lúa Đông Xuân 12.461 ha, lúa mùa 1.661 ha, mức độ thiệt hại 30 – 70%. Ngoài ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài, nguyên nhân quan trọng là sự không tuân thủ lịch thời vụ của người dân.
Ông Đoàn Văn Chính cho biết: “Vấn đề không tuân theo lịch thời vụ diễn ra khá phổ biến. Điều này ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đặc biệt là dễ làm phát sinh dịch bệnh. Để người dân tuân thủ đúng lịch thời vụ thì ngoài công tác tuyên truyền, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, quan trọng nhất là tìm các loại hình kinh tế phù hợp cũng như chọn các loại cây trồng, vật nuôi thích ứng với điều kiện tự nhiên của địa phương cũng như biến đổi khí hậu”.
>> Ông Ðoàn Văn Chính cho hay: “Trước mắt, vấn đề quan trọng nhất là công tác tuyên truyền. Ngành chức năng, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể phải cùng vào cuộc mới có thể làm tốt công tác này. Kế đến là công tác tập huấn, chúng tôi đã và đang triển khai nhiều lớp tập huấn về các mô hình kinh tế, khoa học – kỹ thuật giúp người dân tiếp cận được với kiến thức kỹ thuật mới. Khi có kiến thức họ mới có thể thấy được hiệu quả, cũng như đánh giá được tình hình, chọn được thời điểm thích hợp bắt đầu vụ mùa mới”. |