Hội chợ Triển lãm Công nghệ ngành tôm Việt Nam 2016 (VietShrimp 2016) sẽ diễn ra ở tỉnh Bạc Liêu từ ngày 24 – 26/6/2016, với chủ đề “Hội tụ để phát triển ngành tôm”. Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung trả lời phỏng vấn Tạp chí Thủy sản Việt Nam.
Mấy năm nay, tỉnh Bạc Liêu được biết đến là địa phương đi đầu cả nước nuôi tôm siêu thâm canh với năng suất hàng đầu thế giới. Nuôi trồng và chế biến tôm có vị trí như thế nào trong nền kinh tế của tỉnh Bạc Liêu, thưa ông?
Với khát vọng “Nâng tầm tôm Việt” phấn đấu đưa Bạc Liêu trở thành “Thủ phủ ngành tôm của Việt Nam”, những năm qua Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo nuôi trồng theo hướng thâm canh và tập trung, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và đảm bảo môi trường sinh thái. Năm 2015, tỉnh Bạc Liêu có 3 doanh nghiệp nuôi tôm siêu thâm canh; tổng diện tích mặt nước 7,95 ha, mật độ thả trung bình 250 – 300 con/m2, năng suất bình quân 40 – 50 tấn/ha/vụ, sản xuất 2 vụ/năm, sản lượng 715 tấn. Kế hoạch năm 2016 sẽ có 28,25 ha mặt nước, sản lượng 2.540 tấn và đã được Bộ NN&PTNT cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho 3 doanh nghiệp là Công ty CP Việt Úc – Bạc Liêu (sản xuất giống thủy sản công nghiệp), Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh (chế phẩm vi sinh dùng trong nuôi trồng thủy sản), Công ty TNHH MTV Hải Nguyên (nuôi tôm công nghiệp).
Nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế chủ lực, mũi nhọn của tỉnh, có tốc độ tăng trưởng nhanh. Năm 2000, sản lượng nuôi trồng 22.366 tấn, chiếm 28,18% tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh; đến năm 2010 là 149.281 tấn, chiếm 61,94% và năm 2015, 191.584 tấn, chiếm 66,18% (tăng 8,57 lần so năm 2000 và 1,28 lần so năm 2010). Năm 2015, giá trị sản xuất nuôi thủy sản đạt 16.528 tỷ đồng (giá so sánh 2010), chiếm 84,11% giá trị sản xuất ngành thủy sản và chiếm 59,24% giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; sản phẩm thủy sản đông lạnh 61.051 tấn, sản lượng tôm đông lạnh xuất khẩu 44.270 tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 438,69 triệu USD, chiếm 98,03% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Ông Dương Thành Trung (thứ ba từ trái sang) tham quan mô hình nuôi tôm của Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh – Ảnh: Phan Thanh Cường
Thưa ông, điều kiện tự nhiên để phát triển nuôi tôm thì Bạc Liêu cũng tương tự nhiều tỉnh khác ở ĐBSCL. Vậy, để đạt được kết quả hôm nay, tỉnh có chủ trương và chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào?
UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh, gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Để thu hút, tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản cho các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. Hiện, tổng diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khoảng 10.000 ha (tương ứng 6.000 ha mặt nước).
UBND tỉnh đã có chủ trương cho 5 doanh nghiệp thuê 397 ha đất nuôi thủy sản; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất với nông dân. Năm 2015, Công ty TNHH MTV Chế biến thủy sản XNK Thiên Phú hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tôm nuôi với nông dân được 300 ha, giá cao hơn thị trường 10 – 15 nghìn đồng/kg.
Theo đó, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đều mở rộng đầu tư. Nhà đầu tư thực hiện thành công nhiều mô hình nuôi tôm cho năng suất, chất lượng cao như 3 doanh nghiệp điển hình vừa nêu; bên cạnh còn mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam – Chi nhánh Bạc Liêu, Công ty TNHH MTV Huy – Long An…
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại Bạc Liêu – Ảnh: Minh Triết
Trong phát triển nuôi tôm công nghiệp thường nổi lên vấn đề ô nhiễm môi trường, tỉnh Bạc Liêu có kinh nghiệm gì để hạn chế? Đặc biệt, hiện thiên tai, hạn hán đang diễn ra khốc liệt, Bạc Liêu điều chỉnh quy hoạch như thế nào để thích ứng và tiếp tục phát triển ngành tôm, thưa ông?
Nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp thì ô nhiễm môi trường đang là nguyên nhân chủ yếu gây thiệt hại (diện tích tôm chết do môi trường chiếm tới 46% diện tích tôm nuôi bị thiệt hại hàng năm); những tháng đầu năm 2016, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tôm chết do môi trường ở các mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp chiếm tới 83% diện tích tôm nuôi bị thiệt hại. Để khắc phục, năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Hiện, có nhiều phương pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi, xử lý nguồn nước ô nhiễm do các loài vi khuẩn, virus, nấm. Trong đó, một số cách làm đã được người nuôi tại Bạc Liêu áp dụng để giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường mang lại hiệu quả như: Tuân thủ quy hoạch, lịch thời vụ và quy trình kỹ thuật nuôi tôm; chọn và kiểm soát giống tốt, đảm bảo giống sạch bệnh, thả thưa 10 – 15 con/m2 đối với tôm sú thâm canh, bán thâm canh, và 50 – 70 con/m2 đối với tôm thẻ chân trắng, kết hợp thả cá rô phi, cá đối (khoảng 500 con/ha) để tận dụng thức ăn thừa; bố trí ao lắng khi nuôi thâm canh, bán thâm canh để chuẩn bị nguồn nước sạch thay khi cần thiết; sử dụng vi sinh, chế phẩm sinh học định kỳ trong quá trình nuôi; hạn chế tối đa việc dùng kháng sinh, hóa chất; sử dụng vật tư đầu vào rõ nguồn gốc, nằm trong danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT. Trong quá trình nuôi, nếu thủy sản bị bệnh phải xử lý triệt để trước khi thải nước ra môi trường bên ngoài; xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học, kết hợp thả nuôi các loài thủy sản như cá rô phi, mú, chẽm, đối, nâu… trong ao lắng.
Thiên tai hạn hán đang diễn ra khốc liệt, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phòng chống. Về nuôi thủy sản, hạn chế tối đa việc thả giống trong điều kiện khô hạn, mặn nếu không chủ động được nguồn nước để giảm độ mặn; gia cố bờ bao chắc chắn để tránh thất thoát nước nhằm giữ mức nước ở mương, ao và mặt trảng 1,2 – 1,5 m; thả nuôi các loài cá như: chẽm, mú, đối mục, chim vây vàng, mật độ 1 – 2 con/m2 trong thời gian hạn, mặn; khi mưa xuống độ mặn giảm sẽ thả nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng.
Giữa tình hình có nhiều khó khăn hiện nay, làm thế nào để người dân tiếp tục có cuộc sống ổn định, làm giàu với con tôm?
Ngoài việc chú trọng duy trì các quy trình kỹ thuật thì chúng tôi đặc biệt khuyến khích tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; thành lập tổ hợp tác và hợp tác xã để hỗ trợ giúp nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, quản lý môi trường, dịch bệnh. Liên kết phát triển thị trường tiêu thụ nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tăng cường quản lý chất lượng, thanh, kiểm tra chặt chẽ đối với các loại vật tư thủy sản đầu vào (như con giống, thuốc, hóa chất, vi sinh, chế phẩm sinh học và sản phẩm cải tạo môi trường), vấn đề xả thải nguồn nước ô nhiễm; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Khuyến khích nhân rộng mô hình kiểm soát, quản lý chất lượng thủy sản theo chuỗi, áp dụng triệt để các tiêu chuẩn VietGAP, ISO, HACCP…
Khi tỉnh Bạc Liêu cho phép tổ chức VietShrimp 2016, chủ đề “Hội tụ để phát triển ngành tôm”, có ý kiến cho rằng Bạc Liêu rồi sẽ trở thành trung tâm ngành tôm hiện đại của ĐBSCL và cả nước, ông có nhận xét gì về ý kiến này?
Theo tôi, ý kiến đó là hoàn toàn có cơ sở. Hiện, tỉnh đã có diện tích nuôi trồng đứng thứ hai cả nước và là địa phương đi đầu ĐBSCL về sản xuất giống thủy sản, với công suất thiết kế hàng năm hơn 25 tỷ post (Bạc Liêu có hơn 200 cơ sở sản xuất giống thủy sản) đủ khả năng đáp ứng cho người nuôi trong tỉnh và cung cấp cho các tỉnh lân cận. Nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống thủy sản quy mô lớn, công nghệ hiện đại trên địa bàn tỉnh như: Công ty CP Việt Úc – Bạc Liêu, Công ty Giống Số 1, DNTN Kim Sa, Công ty TNHH Giống thủy sản Dương Hùng, Nam Miền Trung, Khánh Hồng…
Mặt khác, tỉnh đã và đang xây dựng 3 khu sản xuất giống tập trung, trọng điểm cung cấp cho cả ĐBSCL (khu vực Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu; khu vực cống Cái Cùng, huyện Hòa Bình; khu vực xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải); phấn đấu đảm bảo cung ứng 70% lượng tôm giống cho các tỉnh khu vực ĐBSCL, đây cũng là định hướng trong tái cơ cấu ngành thủy sản của tỉnh.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2016 – 2020 cũng chỉ rõ “Tiếp tục phát triển và nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín, tôm – lúa, tôm giống, đưa ngành nuôi trồng thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, phát triển Bạc Liêu trở thành vùng thâm canh tôm lớn nhất cả nước; gắn sản xuất với chế biến các sản phẩm thủy sản chất lượng cao phục vụ xuất khẩu”.
Trân trọng cảm ơn ông!
>> Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bạc Liêu tiếp tục phát triển khá, năng suất, sản lượng tôm nuôi đều tăng qua các năm; tổng sản lượng nuôi trồng năm 2015 đạt 191.584 tấn (trong đó: tôm 104.532 tấn, cá và thủy sản khác 87.052 tấn), đứng hàng thứ hai về sản lượng tôm nuôi trong cả nước. |