(Thủy sản Việt Nam) – Có nhiều cách nuôi lươn nhưng hình thức nuôi trong bể lót bạt nhiều ưu điểm nhất như vật liệu rẻ, diện tích đất không đòi hỏi lớn, địa điểm xây dựng dễ chọn từ ruộng đến vườn, sân đều được và dễ chăm sóc quản lý.
1. Thiết kế bể
– Địa điểm xây dựng bể nuôi: Nên chọn nơi khu vực đất cao, hướng về phía mặt trời, tránh gió bão, nguồn nước phong phú, chất lượng nước tốt.
– Diện tích xây bể nuôi từ 10 – 30m2 là thích hợp nhất.
– Chiều cao mỗi bể từ 1 – 1,3m, dùng đất ruộng (đang canh tác) để đưa vào trong bể lươn với tỉ lệ 1/2 – 2/3 tổng diện tích bể để lươn làm nơi trú ngụ. Nên độn thêm rơm, cây chuối mục để tạo môi trường tốt hoặc cho bèo lục bình hay trồng rau mác, rau dừa trong bể để tạo bóng râm.
– Bể được thiết kế theo kiểu nửa âm dưới mặt đất từ 20 – 40cm, sau đó dùng gạch, sò, hoặc đóng cọc… để cố định bạt, bạt lót phải là loại không thấm nước với mục đích giữ ổn định mực nước trong bể.
– Mức nước trong bể nuôi duy trì từ 20 – 30cm.
– Lươn là loài không ưa ánh sáng nên trước khi bố trí bể nuôi, phải có mái che hoặc làm giàn trồng cây leo tránh được sự thay đổi môi trường một cách đột ngột, phù hợp với đặc tính của lươn.
Nuôi lươn trong bể lót bạt cho hiệu quả cao Ảnh: Phan Thanh Cường
2. Chọn và thả giống
– Nguồn lươn ngoài tự nhiên càng lúc càng cạn kiệt, việc sinh sản nhân tạo của lươn hiện nay còn rất hạn chế, đa phần người nuôi phải mua của người dân xúc ủ, đặt trúm, đánh bắt bằng xung điện…
– Theo kinh nghiệm dựa vào màu sắc, có thể chia lươn có thành 3 loại (Loại I: lươn có màu vàng sẫm, phát triển tốt nhất. Loại II: màu vàng xanh, phát triển bình thường. Loại III: màu xám tro, chậm lớn).
– Kích thước lươn giống thả nuôi tốt nhất 40 – 60 con/kg (điều kiện miền Bắc nên thả giống lớn hơn để có thể thu hoach trước mùa lạnh).
– Lươn giống thả nuôi phải khỏe mạnh, đồng cỡ, không bị dị hình, dị tật, không bị xây xát và không mất nhớt.
– Mật độ thả nuôi: Tùy vào điều kiện từng hộ mà định ra mật độ nuôi phù hợp, nên thả từ 60 – 80 con/m2, có thể thả thưa để lươn lớn nhanh.
– Nên thả lươn giống vào buổi sáng, trước 8 giờ để tránh lươn bị stress. Nếu vận chuyển lươn giống từ xa về cần phải cho lươn làm quen môi trường bằng cách: Dùng chậu thau chứa 1/2 nước bể nuôi và 1/2 nước lấy từ dụng cụ vận chuyển, thả độ 10 – 20 con lươn giống và theo dõi trong vòng 10 – 20 phút để xem hoạt động của lươn, nếu thấy lươn hoạt động khá thì tiến hành mở dụng cụ vận chuyển để thả lươn và ngược lại thì phải thả từ từ và duy trì việc thả thử này đến khi kết thúc.
3. Chăm sóc và cho ăn
– Lươn nuôi cần phải trải qua quá trình thuần hóa để quen với thức ăn. Giai đoạn từ 7 – 10 ngày đầu cho lươn ăn giun đất vào buổi tối. Sau đó, từ từ tập cho lươn ăn sớm hơn, khi lươn ăn mạnh, có thể cho ăn 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát, lượng thức ăn cho vào buổi tối chiếm khoảng 60-70% tổng khẩu phần ăn trong ngày.
– Thức ăn cho lươn chủ yếu là các loại cá đồng, ốc bươu vàng, cua hoặc cá biển mua về xay ra cho ăn.
– Trong quá trình chăm sóc, khi cho lươn ăn, cần phải thực hiện nguyên tắc "4 định": định chất, định lượng, định thời gian, định vị trí để điều chỉnh thức ăn cho hợp lý.
– Không nên cho lươn ăn thức ăn bị hôi thối, thức ăn dư trong bồn từ 1 – 2 giờ nên vớt bỏ ra ngoài, nếu để lâu sẽ ảnh hưởng đến môi trường nước. Khi lươn trưởng thành, trung bình mỗi ngày cho ăn một lần.
– Chế độ thay nước: Khoảng 1 tháng đầu khi lươn mới thả thì 7 ngày cho thay nước một lần, khoảng trên 2 tháng, 4 ngày thay nước, hàm lượng oxy trên 2mg/lít. Lươn dễ nuôi nhưng lại rất nhạy cảm nên tuyệt đối không để nước bẩn.
4. Phòng trị bệnh
Trong quá trình nuôi lươn thường mắc một số bệnh như:
4.1. Bệnh lở loét
– Triệu chứng: Trên cơ thể lươn xuất hiện các vết lở loét.
– Phòng trị: Trước khi nuôi cần phải sát trùng bể bằng vôi hoặc phun thuốc Streptomycin. Cứ 50kg lươn dùng 5g Oxytetra trộn vào thức ăn cho lươn ăn, có thể trộn kèm với Vitamin C, thời gian điều trị 5 – 7 ngày. Trực tiếp bôi permanganat kali (thuốc tím) vào vết loét.
4.2.Bệnh sốt nóng
– Do lươn nuôi với mật độ dày, lươn bị xáo động trong bể, quấn vào nhau, dịch nhày tiết vào trong nước, lên men, độ nhớt tăng lên, làm nhiệt độ nước tăng lên, hàm lượng oxy giảm. Đầu lươn sưng phồng to, lươn chết hàng loạt.
– Phòng trị: Giảm mật độ nuôi, thay nước; có thể thả tạm vài con cá trê để chúng ăn thức ăn thừa; đề phòng lươn cuốn vào nhau, bảo đảm tốt chất lượng nước. Khi phát hiện bệnh dùng dung dịch sulphate đồng 0,07%, 5ml/m3 nước.
4.3. Bệnh nấm thuỷ mi
– Bệnh do ký sinh trùng trên mình và trứng lươn gây nên, thường xảy ra vào mùa xuân và mùa thu.
– Phòng trị: Trước khi thả lươn, phải vệ sinh bể nuôi; hoà tan 100 – 150g vôi tưới khắp bể; ngâm lươn vào trong nước muối 3 – 5% trong 3 – 5 phút, ngâm trứng lươn vào dung dịch xanh Methylen 1/50.000 trong 10 – 15 phút, ngâm trong 2 ngày, mỗi ngày một lần; hoà Sodium bicarbonate với nước tỉ lệ 0,4‰, tưới khắp bể nuôi.
>> Theo bảng thành phần thức ăn của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong 100g thịt lươn có: 18,7g chất đạm; 0,9g chất béo; 150mg phospho; 39mg canxi; 1,6mg sắt; Vitamin A, D, B1, B2, B6, PP… Theo Đông y, thịt lươn có tính cam ôn, bổ kinh tỳ vị. Công năng chủ trị bổ hư tổn, khu trừ phong thấp, cường kiện gân cốt…
Trần Trung Thành
Trung tâm KN – KN Nghệ An
“Nuôi cá rô phi đạt chất lượng cao”
Cuốn sách gồm 5 phần, giới thiệu về kỹ thuật nuôi thương phẩm cá rô phi Gift đạt chất lượng cao; Kỹ thuật nuôi cá diêu hồng; Nuôi cá rô phi trong lồng; Kỹ thuật nuôi cá rô phi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và Phòng trị bệnh cho cá rô phi. Mỗi phần gồm nhiều bài viết giúp cho người đọc hiểu hơn về những kỹ thuật, quy trình nuôi cá rô phi năng suất cao, chất lượng tốt và ứng dụng vào thực tế. Sách dày 72 trang, do tác giả Đoàn Khắc Độ biên soạn, NXB Đà Nẵng phát hành.
Bạn đọc và người nuôi quan tâm có thể mua sách tại địa chỉ: www.savina.com.vn hoặc www.saharavn.com, www.sachgiamgia.vn và các nhà sách trên toàn quốc.
Đoàn Quân