Bộ NN&PTNT mới đây đã ban hành Chỉ thị số 4361/CT-BNN-TY về việc tăng cường công tác thú y trong thủy sản.
Chỉ thị nêu rõ việc sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh không tuân thủ theo hướng dẫn, quy định dẫn đến tồn dư trong sản phẩm gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, khiến một số thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tạm dừng nhập khẩu. Để sớm khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, cần kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, hạn chế tối đa vướng mắc phát sinh trong xuất khẩu thủy sản, thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tổ chức rà soát, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng (hệ thống điện, thoát nước) phục vụ nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu lây nhiễm chéo các loại mầm bệnh giữa các ao nuôi, vùng thâm canh, bán thâm canh. Tổ chức thanh kiểm tra và xử lý vi phạm trong kinh doanh, sử dụng thức ăn thủy sản, thuốc thú y, hóa chất, phế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chấn chỉnh công tác giám sát dịch bệnh đối với cơ sở sản xuất giống thủy sản.
Cục Thú y chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Bộ NN&PTNT để tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện đồng bộ biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức giám sát và xử lý dịch bệnh tại các cơ sở sản xuất tôm, cá tra giống, cơ sở nuôi tôm, cá tra xuất khẩu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và đàm phán trực tiếp với các nước để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản.
Cùng đó, đề nghị Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản phối hợp với Cục Thú y và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tháo gỡ các khó khăn, rào cản kỹ thuật ảnh hưởng đến xuất khẩu; tổ chức điều tra và truy xuất nguồn gốc các lô hàng bị cảnh báo, trả về hoặc cấm nhập khẩu do nhiễm hóa chất, kháng sinh.