T2, 06/07/2020 12:30

Niềm tin bám biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Sống ở biển, nếu người đàn ông quanh năm bám biển được ví như “nơi tiền tuyến”, thì hậu phương của họ là những người phụ nữ chuyên cần làm nên những tấm lưới. Cái nghề đâu, vá lưới được họ coi như cái nghiệp. Và cái nghiệp ấy ở các cửa biển Cà Mau đang được các chị em phụ nữ làm việc không nệ thời gian, mong sao ngày mai các chuyến tàu có đủ ngư cụ vươn khơi.

Sản phẩm từ biển.

Sản phẩm từ biển.

Theo số liệu thống kê của ngành chức năng địa phương, thì hiện nay Cà Mau chỉ có khoảng 90 phương tiện của ngư dân Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) có điều kiện hoạt động nghề lưới vây, còn các địa phương khác trong tỉnh hoạt động nghề lưới rê, lưới kéo. Để đầu tư hoàn chỉnh cho 1 phương tiện đủ điều kiện hoạt động nghề lưới vây tuyến khơi, tuyến lộng, phải đầu tư vốn từ 3,5 tỷ đồng trở lên. 

Nghề lưới vây của ngư dân Sông Đốc hoạt động hiệu quả và bảo vệ được nguồn lợi thủy sản.

Nghề lưới vây của ngư dân Sông Đốc hoạt động hiệu quả và bảo vệ được nguồn lợi thủy sản.

Gia đình anh Nguyễn Thanh Kỳ (Khóm 2, thị trấn Sông Đốc) đã làm nghề lưới vây hơn 20 năm và hiện tại được xem là doanh nghiệp có số lượng phương tiện đánh bắt trên biển nhiều nhất Cà Mau, với 5 phương tiện hoạt động nghề lưới vây ở vùng khơi và 13 phương tiện hoạt động nghề chong đèn câu mực. Trong nhà thường xuyên có từ 20 – 40 người đâu, ráp lưới, còn trên biển có hàng trăm lao động là đàn ông khỏe mạnh. Khi tàu ngoài biển vào bán sản phẩm thì lưới được thay đổi toàn bộ. Lưới cũ sẽ được các chị em kiểm tra vá lại và thay những đoạn bị hư hỏng. Mỗi tháng, trừ chi phí doanh nghiệp này còn lãi hàng tỷ đồng.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Đốc tuyên truyền ngư dân chấp hành đúng các quy định về khai thác, đánh bắt trên biển.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Đốc tuyên truyền ngư dân chấp hành đúng các quy định về khai thác, đánh bắt trên biển.

Anh Kỳ cho biết, để hoàn chỉnh 1 dàn lưới vây như của anh đang đánh bắt tuyến khơi thì cần 3 tấn lưới, khoảng 1,7 tấn chì, 500 cái khoen bằng đồng thau, 1.500 cái phao, trên 2 tấn dây và thêm trên 1.000m dường chì. Sau khi có nguyên liệu, các chị em sẽ tiến hành đâu ráp các mành lưới thành 1 tấm lưới lớn có chiều rộng 130m, dài trên 800m. Khi hoàn thành phần lưới, cánh đàn ông khỏe mạnh tiến hành đâu, tóm phao, xỏ khoen, kẹp chì. Nhưng, khâu quan trọng nhất của dàn lưới đó là đâu, ráp ban đầu sao cho có độ chùng, độ giãn và độ mềm mại để khi con cá vào vòng vây không quậy, không phá chui ra ngoài, mà ngoan ngoãn dựa theo mành lưới ở lại. Bên cạnh đó, khâu làm dường phao, kẹp chì cũng không kém phần quan trọng, vì nó quyết định cho dàn lưới có độ nổi, độ chìm và độ căng vừa phải khi thả xuống biển, còn khoen tròn phải tinh tế cùng chiều, để khi kéo lưới lên không bị vướng, bị kẹt dây. Một chuyến biển thành công được dựa trên nhiều yếu tố, như nguồn lợi trên biển, kỹ thuật và kinh nghiệm phán đoán luồng cá của thuyền trưởng, những yếu tố này được cho là 60% thành công, còn lại 40% là nhờ kỹ thuật làm lưới ở nhà của chị em phụ nữ. 

Để thành công trong nghề lưới vây như hiện nay, vào năm 1995 – 1996, anh Trịnh Phương Bình (Khóm 2, thị trấn Sông Đốc) phải cất công đi làm thuê cho chủ tàu lưới vây ở Kiên Giang, ở Vũng Tàu để học “lõm” nghề. Khi có “vốn” nghề trong tay, anh Bình về quê vay mượn vốn từ anh em gia đình mua tàu làm nghề lưới vây. Hiện tại, anh Bình có 2 phương tiện hoạt động nghề lưới vây và 3 phương tiện làm nghề chong đèn câu mực, giải quyết việc làm thường xuyên cho 70 – 100 người có thu nhập ổn định. Anh Bình cho biết: “Với sự phát triển của khoa học – kỹ thuật, sợi cước ni-lông đủ loại kích cỡ, phao, chì đã được sản xuất sẵn. Vì thế mà việc đan được tấm lưới dễ dàng hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là nghề lưới dễ dàng hái ra tiền. Kể cả khi có sự trợ giúp của công nghệ hiện đại, người thợ phải kỳ công mới tạo ra được một tấm lưới đủ tiêu chuẩn. Đến nay, người làm nghề lưới ở Cà Mau chủ yếu là ngư dân Sông Đốc, với lượng tàu hoạt động khoảng 600 phương tiện, riêng nghề lưới vây trên 90 phương tiện, lưới rê hơn 200 phương tiện và lưới kéo khoảng 200 phương tiện”.

Những người làm nghề lưới nói riêng, nghề đánh bắt khai thác thủy sản ở Cà Mau nói chung luôn mong muốn được học hỏi kinh nghiệm và hướng dẫn của ngành chức năng để đầu tư, nâng cấp, nhân rộng các mô hình hoạt động đánh bắt ngày càng hiệu quả. Những con tàu vươn ra khơi xa cũng là lực lượng hùng hậu đang góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và tham gia cùng các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

SÔNG MÃ

Báo Đất Mũi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!