Đại gia chuỗi cá tra biến mất: Không đẩy khó cho nông dân

Chưa có đánh giá về bài viết

Tổ xử lý khoản cho vay thí điểm đối với dự án chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco của UBND tỉnh An Giang đang làm việc, bước đầu lộ ra uẩn khúc về cho vay ưu đãi. Tuy nhiên, Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng kiến nghị bình tĩnh giải quyết, không đẩy khó khăn cho nông dân.

Uẩn khúc cho vay

Cuối năm 2016, khi vợ chồng bà chủ Tafishco (Cty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Thuận An) Nguyễn Thị Huệ Trinh vừa biến mất, danh sách 12 hộ nuôi cá tra theo chuỗi được đưa ra. Theo đó, 12 hộ còn nợ Agribank An Giang hơn 129,4 tỷ đồng tiền thức ăn nuôi cá. Nguyên tắc hợp đồng thực hiện chuỗi, Agribank An Giang trả tiền cho doanh nghiệp chế biến thức ăn nhưng ghi nợ với các hộ nuôi cá (các hộ không nhận tiền mặt); sau đó, cá bán cho Tafishco chế biến xuất khẩu, lấy tiền về trả nợ. Một chu kỳ nợ của chuỗi kéo dài 10 tháng (7 tháng nuôi cá, 3 tháng chế biến xuất khẩu).

Thế nhưng, thực tế chỉ có 10 hộ nuôi cá tra theo chuỗi, nhận tiền thức ăn hơn 78,4 tỷ đồng. Các hộ nuôi cá rà soát, phát hiện có 2 người trong danh sách đã nhận hơn 51 tỷ đồng tiền thức ăn cho cá tra nhưng không nuôi cá. Một người là chị dâu của bà Trinh, một người là lái xe của ông Sơn (chồng bà Trinh). Các hộ nuôi cá đã ký đơn tập thể, đề nghị làm rõ dấu hiệu lợi dụng chính sách tín dụng ưu đãi chuỗi cá tra (lãi suất thấp hơn thông thường 0,5%) của Tafishco và Agribank An Giang.

Trụ sở Tafishco

Bước đầu, Tổ xử lý nợ thống nhất loại khoản tiền 51 tỷ đồng ra khỏi số tiền nợ Agribank An Giang của các hộ nuôi cá theo chuỗi. Như thế, chỉ còn 10 hộ nuôi cá theo chuỗi liên kết, nợ Agribank An Giang hơn 78,4 tỷ đồng. Trong lúc, 10 hộ đang bị Tafishco nợ hơn 82 tỷ đồng (nhận cá chưa trả tiền).

Các hộ yêu cầu Tafishco phải trả hơn 78,4 tỷ đồng tiền thức ăn nuôi cá cho Agribank An Giang, như thực hiện chuỗi hơn hai năm qua. Phía ngân hàng lại yêu cầu các hộ nuôi cá phải trả khoản nợ hơn 78,4 tỷ, theo các hợp đồng tín dụng độc lập giữa ngân hàng và từng hộ, coi như không liên quan đến chuỗi.

 

Giúp dân an tâm nuôi cá

Đã hai lần Agribank An Giang đưa ra phương án xử lý nợ theo quan điểm của mình nhưng Tổ xử lý nợ không đồng ý, trả lại phương án và yêu cầu làm lại. Tổ xử lý nợ của UBND tỉnh An Giang đang ủng hộ các hộ nuôi cá. Đây cũng là quan điểm được nêu trong quyết định thành lập Tổ xử lý nợ Tafishco, do Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng ký ngày 13/2. Quyết định ghi rõ: “Xử lý khoản cho vay thí điểm đối với dự án chuỗi liên kết dọc cá tra phải theo đúng Quyết định số 1050/QĐ-NHNN ngày 28/5/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 và các văn bản đặc thù có liên quan”.

Ông Ngô Quang Đức nuôi cá ở xã Phú Bình (Phú Tân, An Giang), bị Tafishco nợ hơn 10,6 tỷ đồng và ngân hàng ghi nợ gần 9 tỷ đồng, không có tiền mua thức ăn cho cá nên cá chết phải vớt đi chôn mỗi ngày hàng trăm ký – Ảnh: Sáu Nghệ.

Nếu xử lý theo quyết định của tỉnh, các hộ dân vẫn còn “nợ khó đòi” gần 4 tỷ đồng vì bị Tafishco nợ tiền cá hơn 82 tỷ. Hiện các hộ rất khó khăn, chưa thể tiếp tục nuôi cá do chưa được vay tiền với Agribank An Giang và cả các ngân hàng khác, bởi tài sản đã thế chấp ở Agribank An Giang. Về phía Agribank An Giang cũng khó khăn do bị nợ quá lớn, ngoài số tiền nợ thức ăn nuôi cá thì Tafishco còn nợ khoảng 500 tỷ đồng. Bên cạnh, Tafishco lại nợ thêm khoảng 250 tỷ đồng của Ngân hàng Tiên Phong chi nhánh An Giang và BIDV khu vực An Giang- Đồng Tháp, chưa kể các khoản nợ bạn hàng, bảo hiểm xã hội, thuế.

Người được ủy quyền điều hành Tafishco Hoàng Hữu Thành vừa trình phương án tái cơ cấu doanh nghiệp để duy trì hoạt động và trả nợ. Ông Thành là Phó Tổng Giám đốc Tafishco, xây dựng phương án với tư cách “đại diện cho tập thể người lao động của công ty”. Điểm mấu chốt của phương án, đề nghị các ngân hàng khoanh nợ 7 năm và “hỗ trợ tiếp tục duy trì nuôi cá (tạo nguồn nguyên liệu ổn định) theo chương trình hỗ trợ hoạt động của chuỗi liên kết cá tra”. Phương án tái cơ cấu đặt kỳ vọng, giữ được nhà máy và dần dần trả hết nợ, tuy nhiên, trước tiên phải xử lý nợ cho các hộ nuôi cá tra theo chuỗi để giúp người dân an tâm, tiếp tục nuôi cá cung cấp cho nhà máy.

 

Không gây thêm khó khăn

Quan điểm của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, việc xử lý nợ ở Tafishco không đẩy ngành cá tra vào tình trạng khó khăn vì thiếu vốn như trước đây. Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Võ Hùng Dũng đề nghị, ngân hàng và các cấp, các ngành cùng người nuôi cá tra bình tĩnh xem xét lại toàn bộ chuỗi để xử lý chính xác. Những câu hỏi cần được trả lời là tài chính của Tafishco có dấu hiệu xấu từ lúc nào, tại sao không kịp thời phát hiện để ngăn chặn đổ vỡ? Nếu tiếp tục thực hiện chuỗi cá tra thì phải khắc phục những hạn chế gì?

Ông Dũng phân tích, thời kỳ 2010 – 2013, ngành cá tra vì thiếu niềm tin với các ngân hàng nên tín dụng cho vay bị siết lại, hàng loạt doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và người nuôi cá lao đao, không ít bị phá sản. Khi mở ra thí điểm hai chuỗi cá tra đã nhen nhóm kỳ vọng, trong lúc chuỗi ở tỉnh Đồng Tháp hoạt động tốt, còn chuỗi ở tỉnh An Giang đổ vỡ. “Không vì chuỗi Tafishco đổ vỡ mà trở lại tình trạng thiếu niềm tin, gây khó khăn cho ngành cá tra”, ông Dũng đề nghị.

Ngân hàng cần tỏ rõ là mạch máu nền kinh tế

Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Thắng cho rằng xử lý nợ chuỗi cá tra liên kết Tafishco, ngân hàng hơn lúc nào hết cần tỏ rõ vai trò là mạch máu của nền kinh tế. Ông phân tích, chục năm qua, có nguyên nhân từ chính sách tín dụng mà ngành thủy sản lâm cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản phá sản, chủ doanh nghiệp bị bắt. Ở tỉnh An Giang, có 14 doanh nghiệp chế biến thủy sản nhưng hầu hết hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động, chỉ 4 doanh nghiệp khá, trong đó có Tafishco. Khi có chủ trương thí điểm xây dựng chuỗi liên kết dọc cá tra, vận động mãi Tafishco mới chịu tham gia. Thực hiện chuỗi, giải quyết được vấn đề lớn của ngành cá tra là vốn tín dụng đáp ứng đủ nhu cầu, từ nuôi đến chế biến xuất khẩu.

Về ý kiến nhận xét, cho vay chuỗi là bỏ vốn tín dụng vào một giỏ (vốn vay cuối cùng tập trung ở doanh nghiệp chế biến xuất khẩu) nên cần “nắm người có tóc”, theo ông Thắng là rất cần trao đổi thêm. Còn Tafishco khi lập đề án thực hiện chuỗi, đang khá năng động và hoạt động có hiệu quả, tuy nhiên tài chính yếu là thực trạng chung. Và dù tài chính yếu, Tafishco thực hiện chuỗi mấy năm đầu có kết quả khá tốt. “Ngay cả bây giờ, theo tôi nếu vợ chồng ông bà chủ Tafishco ở lại điều hành doanh nghiệp thì vẫn hoạt động không đến nỗi”, ông Thắng nhấn mạnh.

 Từ đó, ông Thắng bày tỏ hy vọng, ngân hàng và UBND tỉnh An Giang sẽ tìm được con đường xử lý nợ của chuỗi liên kết Tafishco không để xảy ra đổ vỡ dây chuyền. Cũng chính lúc này, ngân hàng càng cần tỏ rõ vai trò là mạch máu của nền kinh tế, không để đổ vỡ chuỗi liên kết thí điểm; không chỉ hỗ trợ nông dân yên tâm nuôi cá mà còn thúc đẩy phát triển công nghệ chế biến để nâng cao giá trị cá tra.

Ông Thắng phân tích thêm, nhà máy của Tafishco và cả ngành chế biến cá tra nói chung còn kém, mới chủ yếu chế biến fillet đông lạnh, còn hơn 60% khối lượng con cá được coi là phụ phẩm chưa khai thác tốt. “Chỉ hai miếng fillet mà phải gánh hiệu quả kinh tế cho cả con cá là rất khó khăn. Ngân hàng cần cho vay vốn khuyến khích đầu tư công nghệ chế biến sản phẩm mới, khai thác tiềm năng phụ phẩm của con cá thì ngành cá tra phát triển bền vững”, ông Thắng nói.

Và dù chuỗi liên kết Tafishco đang “dội gáo nước lạnh” vào ngành cá tra nhưng ông Thắng vẫn có niềm tin lạc quan vào thế đi lên của ngành. Dẫn chứng năm 2016 nhiều khó khăn mà xuất khẩu sản phẩm cá tra đạt kim ngạch hơn 1,71 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2015. Ông nói, thời kỳ khó khăn nên có nhiễu loạn, lâu lâu bùng nổ một vụ việc, nhưng khi mạch máu kinh tế lưu thông tốt thì sẽ trật tự, khỏe mạnh.

Ngọc Duyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!