T2, 06/07/2020 09:58

Mục tiêu 6,5 tỷ USD: Liệu có khả thi?

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thuỷ sản Việt Nam) – Năm 2012, ngành thủy sản đặt ra mục tiêu phấn đấu xuất khẩu đạt kim ngạch 6,5 tỷ USD, cao hơn năm 2011 khoảng 800 triệu USD. Tuy nhiên, trước những khó khăn diễn ra trong 2 tháng đầu năm, mục tiêu này không dễ hoàn thành.

Thương mại sụt giảm

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng 1/2012 đạt 362,9 triệu USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Liên minh châu Âu (EU) có mức giảm mạnh nhất khi chỉ đạt 70,7 triệu USD, giảm tới 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó hai thị trường Đức và Tây Ban Nha có mức giảm trên 40%. So với cùng kỳ năm 2011, Mỹ, quốc gia nhập khẩu thủy sản Việt Nam lớn nhất, cũng chỉ đạt 118,7 triệu USD, giảm 17,5%; thị trường Nhật Bản đạt 107 triệu USD, giảm 6,8%; ASEAN đạt 29,1 triệu USD, giảm 11%. Đối với từng loại sản phẩm, mặt hàng cá tra đạt 116 triệu USD, giảm 16%; mặt hàng tôm, giá trị xuất khẩu giảm 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bước sang tháng 2, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu thủy sản ước đạt 400 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm lên 763 triệu USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, hầu hết các thị trường chủ lực của xuất khẩu thủy sản Việt Nam lại sụt giảm khá mạnh.

 

Tôm – mặt hàng chủ lực trong cơ cấu xuất khẩu của thủy sản Việt Nam Ảnh: Huy Hùng

 

Trước tình hình này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã đưa ra cảnh báo đáng lo ngại là sẽ có khoảng 20% doanh nghiệp trong ngành có thể phải đóng cửa trong năm nay.

 

Doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn

Trong khi bài toán nguyên liệu chế biến xuất khẩu là vấn đề nan giải đối với DN chưa được giải quyết thì hàng loạt các vấn đề khó khăn khác đang đặt ra: chi phí xuất khẩu tăng cao, hạn mức tín dụng có xu hướng giảm, các yêu cầu về kiểm soát chất lượng từ phía thị trường nhập khẩu không ngừng tăng… Có thể nói, DN thủy sản hiện nay đang cùng lúc chịu nhiều áp lực, “lao đao” hơn bao giờ hết.

Từ tháng 1/2012, thuế môi trường chính thức được áp dụng, theo đó DN phải chịu thêm khoảng vài tỷ đồng/năm cho chi phí sử dụng túi nilon. Điều này đang khiến DN tính đến chuyện nhập khẩu túi nilon rồi tái xuất để tránh bị đánh thuế. Nhiều chi phí tăng cao khiến thủy sản Việt Nam đang giảm tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, vấn đề vốn cho DN thủy sản cũng là một trong những khó khăn rất lớn mà các DN chưa tìm được hướng giải quyết cho mình.

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương cho biết: Trong khi các chi phí đang ngày một tăng thì hạn mức tín dụng lại có xu hướng giảm. Mặc dù các ngân hàng có hứa hẹn sẽ tăng 25% vốn vay cho DN thủy sản trong năm nay nhưng theo ông Minh: “Để đạt được mục tiêu về sản lượng 1,2-1,5 triệu tấn cá tra, thì cần phải có nguồn vốn đầu tư sản xuất là 26.000 tỷ đồng. Thế nhưng hiện nay, ngân hàng lại cho vay không đáng kể, gây ảnh hưởng lớn đến mục tiêu này”.

Bên cạnh đó, dịch bệnh trong nuôi trồng là mối nguy lớn cho nguồn nguyên liệu xuất khẩu. Mặt khác hiện nay, nhiều người dân đã tự xử lý dịch bệnh bằng các loại hóa chất có nguy cơ gây hại cho con người. Việc này dẫn tới hệ quả xấu nhiễm kháng sinh trong sản phẩm thủy sản. Các thị trường nhập khẩu tăng cường kiểm tra chất lượng thủy sản ngặt nghèo hơn.

Trong tháng 2, Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc sang thanh tra 28 cơ sở sản xuất cá bò khô tẩm gia vị của nước ta xuất khẩu sang thị trường này. Tháng 5, Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) sẽ cử một đoàn sang Việt Nam đánh giá hoạt động kiểm soát ATTP đối với thủy sản nuôi và các cơ sở chế biến… Đến tháng 9, dự kiến EU sẽ cử 2 đoàn sang kiểm tra toàn bộ chuỗi từ nuôi trồng đến chế biến để kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh.

Nếu như DN và người dân không có biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, đây sẽ là những rào cản cho mặt hàng này vào thị trường thế giới.

 

Cần nhiều giải pháp

Các chuyên gia thủy sản cho rằng, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD trong năm 2012, các DN kinh doanh và chế biến thủy sản cần phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Trước mắt, để hạn chế tình trạng thiếu nguyên liệu như hiện nay, thay vì các hộ nuôi nhỏ lẻ không kiểm soát được dịch bệnh, các ngành chức năng cần tập hợp và liên kết họ lại với nhau theo hình thức tổ sản xuất hay HTX. Khuyến khích các DN xây dựng phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ hay thông qua các hợp đồng liên kết nhằm giảm bớt rủi ro khi mua sản phẩm, tránh tình trạng nông dân phá hợp đồng khi giá nguyên liệu đang tăng cao như hiện nay. Các đơn vị của ngành nông nghiệp cần tăng cường hướng dẫn người dân nuôi tuân thủ các quy định về điều kiện sản xuất bảo đảm ATVSTP, nhất là môi trường ao nuôi để tránh nguy cơ dịch bệnh xảy ra ở mức thấp nhất. Nghiêm cấm sử dụng các loại chất cấm trong nuôi trồng thủy sản.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, năm 2012 vẫn là năm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Để tháo gỡ khó khăn cho các DN và đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng tiếp theo, các đơn vị của ngành thủy sản cần phải tăng cường kiểm tra chất lượng ATVSTP theo chuỗi từ sản xuất con giống đến nuôi trồng và chế biến xuất khẩu. Rà soát lại danh mục các loại hóa chất sử dụng trong nuôi trồng, khai thác thủy sản và có văn bản cấm sử dụng các chất gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và xuất khẩu thủy sản.

>> Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát:

Các DN phải cùng với Bộ NN&PTNT xây dựng uy tín với thị trường thế giới bằng chất lượng sản phẩm. Nghiêm cấm DN bán phá giá, các đơn vị của ngành sẽ tăng cường kiểm tra về chất lượng, phát hiện DN nào vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Phương Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!