Gabon (quốc gia xứ Trung Phi) đã long trọng tuyên bố về việc sáng lập ra mạng lưới các khu bảo tồn hải dương học lớn nhất châu Phi, đây sẽ là ngôi nhà cho các dạng đời sống hải dương rất phong phú và hiện đang bị đe dọa sống còn bao gồm các quần xã Luýt, Vích và khoảng 20 giống loài cá heo và cá voi.
Một loài chình biển quý hiếm đang bơi ở gần một giàn khoan dầu, ngoài khơi biển Gabon Ảnh: T.H
Bảo vệ đại dương
Ông Callum Roberts, môt nhà sinh thái học bảo tồn biển, Đại học York (Vương quốc Anh) cho biết: “Tây Phi là một khu vực có các vùng biển cực kỳ giàu có nhưng hiện chúng đang “chảy máu” nguồn lợi do nạn đánh bắt cá của các hạm đội tàu cá quốc tế. Công tác bảo vệ là rất bức thiết nhằm làm cân bằng nguồn lợi thủy sản”. Ông Roberts cũng minh chứng, giảm ôxy đã hiển hiện nhãn tiền tại Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, nơi đây đã biến thành “các hoang mạc biển” nghèo chất dinh dưỡng với tốc độ tăng 15% trong giai đoạn 1998 và 2006.
Ông Callum Roberts phân tích: “Đánh cá đã có một tác động mạnh mẽ nhất đến những hệ sinh thái đại dương. Nhưng biến đổi khí hậu càng nhanh hơn và trong một số hệ sinh thái, quy trình này đang tăng tốc”. Do đó, cần tạo những môi trường lành mạnh hơn sẽ mang khả năng chống chọi tốt hơn. Ví dụ, những rặn san hô không thể nào được bảo vệ khi nhiệt độ nước biển dâng cao, nhưng những rặn san hô lại được bảo vệ từ việc đánh bắt cá quá mức, việc nạo vét và làm ngăn chặn nạn ô nhiễm dòng chảy có thể làm giảm sự nhạy cảm của san hô (khi biển ấm lên) đồng thời giúp chúng hồi phục từ lũ lụt hay các hiện tượng “chảy máu”.
Phát triển thủy sản bền vững
Sơ đồ Mạng lưới bảo tồn biển cả lớn nhất châu Phi của nước Cộng hòa Gabon với diện tích 27.000 km2
Dự án ở Gabon là sự phát triển qua nhiều năm nỗ lực của các tổ chức bảo tồn và các văn phòng chính phủ bao gồm Hiệp hội bảo tồn đời sống hoang dã thế giới (WCS), Quỹ Waitt, Văn phòng Vườn quốc gia Gabon (GNPA) và Dự án Biển cả ban sơ của Hội địa lý quốc gia Mỹ, họ đã khảo sát một khu vực duyên hải trải dài 550 hải lý (885 km) của Gabon trong chuyến khảo sát kéo dài một tháng vào năm 2012. Những minh họa về các kho báu nằm dưới bề mặt đáy biển cùng các hiểm họa cho sinh vật biển do hoạt động đánh bắt cá trái phép đã được đệ trình lên cho Tổng thống Gabon – Ali Bongo Ondimba ngay khi ông có mặt trên con tàu nghiên cứu của Quỹ Waitt (Kế hoạch B). Liền sau đó, ông Ondimba quyết định hành động và kế hoạch tạo ra một mạng lưới bảo vệ biển đã ra đời.
Kế hoạch B được loan báo hồi năm 2014 và chỉ 3 năm sau đó đã biến thành sự thật với một mạng lưới 20 vườn biển và khu dự trữ biển mới sẽ góp phần bảo vệ khoảng 26% vùng lãnh hải của Gabon và trải rộng ước độ 20.500 dặm (53.000 km2) diện tích mặt nước. Khu bảo tồn biển cả lớn nhất châu Phi được mang tên “La Reserve Aquatique du Grand Sud du Gabon” bao gồm khu bảo vệ mở rộng từ Vườn biển quốc gia Mayumba hiện có thành một diện tích biển dài 200 hải lý nằm ngay trong vùng đặc quyền kinh tế biển của Gabon. Khu vực này gồm 27.000 km2 các môi trường sinh vật biển cả từ bãi biển ra đến các tầng biển sâu khoảng 4 km.
Cùng đó, Chính phủ Gabon cũng thành lập “Kế hoạch quản lý nguồn thủy sản bền vững” cho khu vực Tây Phi (Một vùng biển khét tiếng với nạn đánh bắt nguồn lợi thủy sản quá mức và sự lạm dụng bởi các hạm tàu nước ngoài). Theo kế hoạch này, từng khu vực biển riêng biệt sẽ được quy hoạch để dành cho các mục đích thương mại hay đánh cá kiểu thủ công truyền thống trong một nỗ lực nhằm bảo tồn đánh bắt cá bền vững.