T3, 01/11/2022 04:08

Bí mật trong quy trình 5 sao vận chuyển cua hoàng đế Na Uy về Việt Nam và giải mã lý do hải sản Na Uy chinh phục thực khách Việt

Chưa có đánh giá về bài viết

Người Na Uy không xem việc buôn bán cua hoàng đế là buôn bán hàng hoá, mà là buôn bán một sản phẩm có câu chuyện oai hùng phía sau.

Chuỗi theo dõi đạt chuẩn 5 sao từ biển khơi tới bàn ăn

Người Na Uy tin rằng, một khi bạn đã ăn cua hoàng đế tươi sống, bạn sẽ không bao giờ muốn ăn hải sản đông lạnh nữa – kể cả cua hoàng đế đông lạnh. Nếu có ăn, mỗi miếng hải sản đông lạnh sẽ làm bạn nhớ cua hoàng đế tươi sống trong day dứt.

Như tên gọi của nó, con cua hoàng đế Na Uy gắn liền với sự oai hùng. Oai hùng trong hương vị biển lạnh bí ẩn và kì vĩ, lẫn trong cách những người tham gia vào quá trình mang con cua từ biển cả tới bàn ăn. Người bán cũng chỉ muốn bán sản phẩm ấy cho người mua biết mua câu chuyện. Tiền không phải là tất cả.

Người Na Uy tôn sùng con cua hoàng đế tới mức, họ dành riêng cho loài giáp xác biển lạnh này một quy trình đạt chuẩn 5 sao trọn gói từ tàu đánh bắt đến tay thực khách sành ăn, với những thiết chế nghiêm ngặt ở cả ba khâu: điểm đầu (nhà máy hải sản tại Na Uy), điểm cuối (người mua tại Việt Nam) và trên đường vận tải (hàng không).

Cua Hoàng đế Na Uy được cấp mã QR. Nguồn ảnh: Norway King Crab

Tại điểm đầu, các nhà máy ở Na Uy chỉ tiếp nhận cua vừa đánh bắt không quá 5-6 giờ đồng hồ. Từng con cua một sẽ được kiểm tra sức khoẻ, chia theo cân nặng, và gắn mã QR. Mã QR này kèm theo 7 chữ số mang thông tin về sức khoẻ cua tại thời điểm tiếp nhận, thông tin tàu cá, ngư dân nào đã đánh bắt. Từ đây, mỗi con cua có một “tên riêng”, có thể truy xuất nguồn gốc bất kỳ thời điểm nào.

Thông tin của cua và điều kiện bảo quản cũng được lưu từ mã QR nói trên vào phần mềm. Phần mềm sẽ được cập nhật trong suốt quá trình vận chuyển sau đó. Đặc biệt, tên người dùng cuối (end users) cũng được ghi vào hệ thống QR của từng con cua.

Chuỗi theo dõi từ biển khơi tới bàn ăn này khiến cho việc quản lý chất lượng cua hoàng đế trở nên đẳng cấp. Người ta có thể đảm bảo mỗi con cua đều được sống trong điều kiện tâm lý tốt nhất trong suốt quá trình sau đánh bắt. Do đó, thịt cua không có các thành phần hoá học không mong muốn vốn có thể sinh ra trong cơ thể cua nếu cua bị stress.

Ngay khi có đơn hàng, cua được nuôi trong bể chuyên dụng trong vài ngày để thích nghi với điều kiện vận chuyển sắp tới. Sau đó, chúng được chuyển tới sân bay Oslo trước khi về Nội Bài hoặc Tân Sơn Nhất.

Tại sân bay Oslo Na Uy, người ta thiết lập một “phòng chờ VIP” với điều kiện sống giả lập môi trường ở độ sâu 300m dưới mặt nước biển. Cua được đo nhịp tim thường xuyên để biết cua có đang bị stress hay không.

Khi xếp cua vào hộp xốp, mỗi con cua sẽ ở trong một hộp riêng. Từng túi đá gel lạnh sẽ được chèn ở dưới, xung quanh và bên trên cua. Sau đó, cua được “check in” và lên máy bay.

Bay là lúc nhạy cảm nhất với sức khoẻ cua. Bởi nó phải thay đổi từ môi trường sống 300m dưới mặt nước biển lên độ cao hơn 10.000m trên mực nước biển. Do vậy, các điều kiện chăm sóc luôn phải đảm bảo ở mức tốt nhất.

Cua từ Na Uy về Việt Nam thường đổi chuyến bay ở sân bay quốc tế Doha (Qatar). Trong nhiều giờ chờ nối chuyến, cua Hoàng đế sẽ được chăm sóc như vua. Có những tuyến bay, hãng hàng không thiết lập nên chỉ để chuyên chở hải sản tươi sống từ Na Uy là chính. Hành khách trên khoang chỉ là người đi ké.

Khi về đến khu vực chờ riêng cho hải sản tươi sống ở sân bay Nội Bài hay Tân Sơn Nhất, cua hoàng đế cũng không phải chờ lâu ở đó. Người mua phía Việt Nam sẽ làm thủ tục cho cua nhập cảnh trước, rồi hoàn tất thủ tục giấy tờ sau. Cua cần được đưa về bể nuôi cũng như nhanh chóng gửi tới các đầu bếp chuyên nghiệp. Lúc đầu bếp tại Việt Nam mang cua ra sơ chế, cua vẫn phải sống khoẻ mạnh như lúc cua vừa vào nhà máy tại đầu Na Uy.

Quy trình vận chuyển 5 sao thú vị với con cua hoàng đế Na Uy này còn đi kèm với quy trình quản trị rủi ro hấp dẫn phía sau.

Trong vận chuyển hải sản tươi sống luôn có rất nhiều rủi ro. Điển hình như máy bay hoãn chuyến, cua có thể bị chết vì chờ lâu ở điều kiện sống không lý tưởng. Hoặc máy bay huỷ chuyến và đơn vị vận tải không kịp tìm chuyến bay thay thế khiến cua tắc đường ở sân bay chờ. Đáng ngại nhất là việc mất chứng từ trong khâu vận chuyển khiến thủ tục nhập khẩu tại Nội Bài hoặc Tân Sơn Nhất bị chậm trễ và cua phải chờ trong điều kiện nhiệt độ không hề lý tưởng ở Việt Nam.

Để giảm thiểu tối đa những rủi ro này và luôn có biện pháp khắc phục nhanh chóng, hệ thống vận tải tại Na Uy được thiết kế và vận hành gần như hoàn hảo. Từ tàu đánh bắt trên biển, giao nhận tại nhà máy, xe tải lạnh và chuyến bay vận chuyển nội địa, đến các chuyến bay quốc tế, tất cả phối hợp nhịp nhàng đến mức cua hoàng đế đi từ Na Uy tới Việt Nam như đi trên một chuyến thăm ngoại giao của chính khách cấp cao.

Nếu các chuyến bay bị hoãn hay huỷ, người của công ty vận chuyển sẽ làm việc liên tục để xử lý. Bạn có thể gọi điện thoại cho họ 24/7. Đây là tác phong công nghiệp của hệ thống vận tải Na Uy mà hiếm nơi nào trên thế giới làm tốt hơn.

Chứng từ xuất nhập khẩu cua hoàng đế cũng được tối ưu. Cơ quan An toàn Thực phẩm Na Uy (Mattilsynet) thiết lập hệ thống giấy phép trực tuyến. Nhà máy hải sản được cấp tài khoản riêng. Chỉ cần 5 phút thao tác trên máy tính, hồ sơ gốc của một lô hàng cua hoàng đế xuất khẩu đã được chuyển tới công ty vận tải. Nếu mất chứng từ gốc, thủ tục cấp lại sẽ lâu hơn một chút nhưng cũng chỉ trong ngày.

Logo của Hội đồng Hải sản Na Uy

Đặc biệt, ngành hải sản tươi sống Na Uy sử dụng hình thức thanh toán qua bảo hiểm. Thông thường, bên mua và bên bán làm thủ tục đặt hàng và ký hợp đồng, rồi chờ ngân hàng chuyển tiền giữa các quốc gia, sau đó nhà máy hải sản Na Uy mới chuyển hàng ra sân bay. Quy trình này sẽ hết cả tuần chờ đợi. Nhưng chờ đợi là điều không thể với buôn bán hải sản tươi sống. Do vậy, Na Uy đã phát triển hệ thống “bảo hiểm thanh toán” để rút ngắn tối đa quy trình này. Bảo hiểm kiểm tra sức khoẻ tài chính của công ty nước ngoài muốn mua hải sản tươi sống tại Na Uy trước khi bên mua và bên bán làm việc với nhau ở bước đầu tiên. Nếu công ty nước ngoài không đủ ít nhất hai năm tuổi, không có ít nhất hai năm liên tiếp và gần nhất có dòng tiền dương, không có uy tín (từng mắc lỗi thanh toán hay lừa đảo trong thương mại quốc tế), thì gần như chắc chắn bạn không mua được hải sản tươi sống từ Na Uy dù bạn có tiền hoặc có rất nhiều tiền.

Cơ hội nào cho hải sản Na Uy tại thị trường Việt Nam?

Hải sản Na Uy đã có chỗ đứng trên thị trường Việt Nam với những mặt hàng truyền thống như cá hồi, cua hoàng đế, cá trứng, tôm hùm… Trong đó, khoảng 30% lượng xuất khẩu hải sản của Na Uy là dành cho hải sản tươi sống.

Với chuỗi vận chuyển 5 sao từ biển khơi tới bàn ăn như vừa kể trên, hải sản Na Uy không cạnh tranh về giá với hải sản đến từ các quốc gia khác, mà cạnh tranh bằng chất lượng. Dấu ấn (signature) của hải sản Na Uy tại thị trường Việt vẫn là quy trình quản lý chất lượng hoàn hảo. Không chỉ với mặt hàng sống, hải sản đông lạnh Na Uy cũng đạt độ tươi ngon, giữ nguyên hương vị như hải sản sống, đủ tiêu chuẩn cho món sashimi của người Nhật.

Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho hải sản cao cấp nói chung và hải sản Na Uy nói riêng. Người Việt sành ăn và khó tính, nhưng đồng thời rất thích thử các món ăn mới lạ. Người Việt cũng rất chịu chi cho những trải nghiệm ăn uống đẳng cấp. Họ sáng tạo, thông thạo nhiều loại gia vị Á – Âu và luôn có cách chế biến độc đáo, hấp dẫn, thơm ngon, thấm đẫm hương vị bản địa. Chỉ cần đưa cho họ một nguyên liệu chất lượng.

Các nhà buôn hải sản Na Uy như Công ty Arctic Seafood Norway AS am hiểu đặc tính thưởng thức ẩm thực này của người Việt và đang rất tự tin đẩy mạnh thị trường tại Việt Nam.

Tại các cảng biển lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn, những container vận chuyển hải sản Na Uy đông lạnh luôn dễ dàng được nhận ra bằng mắt thường bởi nhãn hiệu “Seafood from Norway” (Hải sản từ Na Uy) in trên các thùng hàng.

>> “Seafood from Norway” là chỉ báo địa lý quốc gia cho đẳng cấp hải sản Na Uy. Nhãn hiệu có kiểu chữ đơn giản và mạnh mẽ; biểu đạt hình thể biển, núi, và bầu trời kết nối dọc theo bờ biển Na Uy. Các nhà máy hải sản Na Uy in nhãn hiệu này bên cạnh thương hiệu của mình cho thấy người Na Uy kiêu hãnh như thế nào về hải sản của họ.

PV

Nguồn: Hội đồng Hải sản Na Uy

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!