T7, 29/01/2022 11:46

Sự khác biệt về thời gian đón Tết trên thế giới

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tết là khoảng thời gian nghỉ ngơi sau một năm làm việc, đây là dịp mà gia đình, bạn bè quây quần, tụ họp, kể chuyện và tâm sự cuộc hành trình một năm của mình và những kế hoạch cho năm mới. Tuy nhiên, trên thế giới có nhiều quốc gia chọn Tết vào những thời điểm khác nhau và có những ý nghĩa đặc biệt.

Tết Dương lịch

Được lựa chọn vào thời điểm ngày đầu tiên của một năm mới 1/1 Dương lịch, đây là Tết phổ biến nhất và được nhiều quốc gia trên thế giới tổ chức. Bất kỳ đất nước phương Tây nào trong dịp Tết Dương lịch đều mong muốn những điều tốt đẹp về ý nghĩa cuộc sống. Với ý nghĩa ngày Tết Dương lịch, họ mong muốn sự trường tồn cuộc sống, hi vọng những điều tốt đẹp nhất cho gia đình, đất nước.

Ở Anh, vào trước ngày Tết, mọi nhà đều mua rượu về và đổ đầy tất cả các chai, hũ. Bởi người Anh quan niệm rằng, nếu rượu thịt không dư dả, năm mới sẽ gặp khó khăn, nghèo khổ.

Lễ hội đón năm mới ở Pháp được xem như “lễ hội ánh sáng”. Người dân tham gia vào các cuộc diễu hành với ánh sáng lung linh của ngọn đuốc và cùng nhau uống rượu mừng năm mới. “Ánh sáng” mang ý nghĩa tượng trưng cho một năm mới nhiều điều mới tươi sáng, tốt đẹp.

Tết Âm lịch

Được nhiều quốc gia ở châu Á lựa chọn làm ngày Tết truyền thống, ngày Tết là 1/1 Âm lịch. Lịch âm được tính bằng chu kỳ tròn khuyết của mặt trăng, các hệ thống lịch rất phức tạp vì số ngày trong tháng hoặc trong năm không cố định.

Ngày Tết được coi là ngày sum họp, cúng bái tổ tiên, nhớ về quê hương, cội nguồn. Theo tín ngưỡng dân gian, Tết còn là dịp để tưởng nhớ đến các vị thần linh có liên quan đến sự được, mất của mùa màng như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời… người nông dân cũng không quên ơn những loài vật, cây cối đã giúp đỡ, nuôi sống họ, từ hạt lúa đến trâu bò, gia súc, gia cầm trong những ngày này.

Rosh Hashanah – Tết của người Do Thái

Người Do Thái trên khắp thế giới mừng Tết Rosh Hashanah bắt đầu vào ngày đầu tiên của tháng Tishrei, tháng thứ bảy trong lịch Do Thái, nhằm vào tháng 9 hoặc tháng 10 Dương lịch. Dù có vẻ kỳ lạ khi ăn mừng năm mới vào đầu tháng thứ bảy, nhưng Tishri là tháng đầu tiên trong lịch dân sự vì ngoài lịch dân sự ra người Do Thái còn dùng lịch tôn giáo nữa.

Vào ngày Tết, người Do Thái trên khắp thế giới được mời gọi tĩnh tâm và xem xét những việc làm trong quá khứ và xin Chúa tha thứ những tội lỗi của họ. Âm thanh của kèn Shofar – làm bằng sừng của con cừu đực, có ý nghĩa đánh thức người nghe khỏi giấc ngủ tinh thần của họ, giúp họ nhận thức được hậu quả những việc họ đã làm. Rosh Hashanah là dịp để người Do Thái nhớ về lịch sử của dân tộc họ và cầu nguyện cho đất nước quê hương.

Tết Ba Tư Nowruz – Iran

Nowruz đánh dấu ngày đầu tiên của mùa xuân và bắt đầu năm mới theo lịch Iran. Tết được tổ chức vào ngày Xuân phân ở Bắc bán cầu, thường rơi vào ngày 21 tháng 3 hoặc trước hoặc sau đó 1 ngày, tùy theo nơi cử hành. Thời điểm Mặt Trời đi qua xích đạo địa cầu và cân bằng ngày đêm được tính chính xác hàng năm và các gia đình người Iran khi đó quây quần bên nhau để cử hành các nghi lễ. Đây là một trong những lễ kỷ niệm cổ xưa nhất trong lịch sử, đã được tổ chức từ khoảng 4.000 năm.

Để đón chào năm mới, người Iran dọn dẹp nhà cửa, sân vườn sạch sẽ và mua quần áo mới cho các thành viên trong gia đình. Tục dọn dẹp này, được gọi là Khanetekani (khane có nghĩa là nhà, tekani là rung, lắc); họ ví von việc dọn dẹp này là rung lắc nhà cửa. Trong dịp Tết, người dân Iran thường đến tham gia đình người thân, bạn bè, họ sẽ đi mua sắm và diện quần áo mới.

Ngoài ra, để chào xuân về, các bà các mẹ còn gieo các hạt lúa mì, lúa mạch trong bát hoặc đĩa cho cây mọc thành mạ được gọi là sabzeh và được bày trong những ngày Tết nhằm gửi gắm mong muốn mùa màng bội thu trong năm mới vào đó.

Pahela Baishakh – Bangladesh

Pohela Boishakh là ngày mừng năm mới truyền thống của người Bengal, thường được tổ chức vào ngày 14 hoặc 15/4 hàng năm tùy từng khu vực, là ngày đầu tiên của lễ Baishakh, là tháng đầu tiên của lịch Bengali. Đây là thời điểm các hoạt động kỷ niệm văn hóa Bengal được tổ chức trên khắp đất nước Bangladesh. Hoạt động truyền thống được tổ chức để chào mừng bao gồm đua bò ở Munshiganj, đấu vật ở Chittagong, đua thuyền, cockfights, đua chim bồ câu.

Vào ngày này, mọi người dọn dẹp nhà cửa và tắm rửa rất công phu. Họ tắm vào sáng sớm, mặc quần áo sạch sẽ và đẹp nhất đi thăm những nơi công cộng, họ hàng, bạn bè, hàng xóm.

Người dân Bengal quan niệm rằng, các buổi biểu diễn văn hóa trong các ngày lễ sẽ giúp cho họ có một vụ mùa bội thu. “Shubho Noboborsho,” có nghĩa là “Chúc mừng năm mới”, là lời chào truyền thống cho năm mới của người Bengali.

Mộc Trà

Tổng hợp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!