THỨ TƯ, ngày 22/1/2025

T2, 06/07/2020 01:42

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (tiếp theo và hết)

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 16/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản (tùy theo chiều dài tàu cá). Ngoài ra, hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản, văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 1 – 3 tháng đối với hành vi vi phạm này.

Phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Nếu tái phạm hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 200 – 300 triệu đồng. Ngoài ra, sẽ áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là: Tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động thủy sản từ 3 đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm trên và 6 – 12 tháng nếu tái phạm.

Phạt tiền từ 2 – 30 triệu đồng đối với vi phạm quy định về ngư cụ khai thác thủy sản. Trong đó, phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, sẽ bị tịch thu ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản.

Phạt tiền từ 3 – 50 triệu đồng đối với vi phạm quy định sử dụng điện để khai thác thủy sản. Đồng thời, bị tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản có thời hạn.

Vi phạm quy định về thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển thủy sản

Phạt tiền từ 10 – 60 triệu đồng (tùy khối lượng) đối với hành vi thu gom, mua bán, lưu giữ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển trái phép loài thủy sản có tên trong nhóm II của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, chiếm mà không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định hoặc thủy sản, sản phẩm thủy sản và bộ phận của loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có tên trong Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp không rõ nguồn gốc, xuất xứ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời bị tịch thu thủy sản.

Phạt tiền từ 30 – 100 triệu đồng (tùy khối lượng) đối với hành vi thu gom, mua bán, lưu giữ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển trái phép thủy sản, sản phẩm thủy sản và bộ phận của loài thủy sản có tên trong nhóm I của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm hoặc thủy sản, sản phẩm thủy sản và bộ phận của loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có tên trong phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp không rõ nguồn gốc, xuất xứ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời bị tịch thu thủy sản.

Phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng đối với hành vi thu gom, mua bán, sơ chế, bảo quản, vận chuyển thủy sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ theo quy định của pháp luật.

Vi phạm quy định về nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh đối với thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; xuất, nhập khẩu thủy sản

Phạt tiền từ 50 triệu đến 1 tỷ đồng (tùy khối lượng) đối với một trong các hành vi vi phạm về nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh đối với thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp; Hoặc xuất khẩu trái phép loài thủy sản không đáp ứng được điều kiện trong Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện.

Phạt tiền từ 50 – 60 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu trái phép loài thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Biện pháp khắc phục: Buộc tái xuất loài thủy sản hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng trường hợp đáp ứng đủ điều kiện chuyển đổi hoặc tiêu hủy trong trường hợp không thể tái xuất hoặc chuyển mục đích sử dụng đối với hành vi vi phạm trong nhập khẩu trái phép.

Hành vi cản trở hoạt động nhà nước về thủy sản

Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi cản trở công tác điều tra, thăm dò nguồn lợi thủy sản; bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thu thập số liệu về hoạt động thủy sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Phạt tiền từ 3 – 20 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Vi phạm quy định về giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ được cấp và vi phạm khác trong lĩnh vực thủy sản

Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với hành vi cố tình tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung các loại giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ được cấp trong lĩnh vực thủy sản. Đồng thời, áp dụng hình thức phạt bổ sung: Tịch thu giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ đối với hành vi phạm này.

Phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Lợi dụng việc điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; Cung cấp, khai thác thông tin, sử dụng thông tin, dữ liệu về nguồn lợi thủy sản trái quy định của pháp luật.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 5/7/2019, thay thế Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản.

Nghị định này bãi bỏ:

Các quy định về giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường NTTS trong Nghị định số 64/2018/NĐ-CP ngày 7/5/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản;

Các quy định về hoạt động thủy sản trong Nghị định số 41/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Phạm Thu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!