Vài năm trở lại đây, nhiều người dân ở huyện Vĩnh Thạnh và Phù Cát (Bình Định) tận dụng vùng lòng hồ thủy lợi, phát triển nghề nuôi cá trong lồng bè, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập khá.
Một hướng làm ăn mới
10 năm trước, năm 2009, mô hình nuôi cá trong lồng bè đầu tiên xuất hiện ở hồ Định Bình, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh. Đến nay, đã có 29 hộ dân tham gia nuôi với số lượng 350 lồng, với các loại cá: điêu hồng, thác lác, trê…, sản lượng đạt hơn 700 tấn/năm. Nuôi cá trong lồng bè trở thành một nghề mới, tạo nhiều việc làm, cho thu nhập cao ở Vĩnh Thạnh.
Bè nuôi cá lồng trong lòng hồ Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh)
Ông Huỳnh Tấn Dương, ở thôn Định Tam, xã Vĩnh Hảo, nuôi cá lồng tại hồ Định Bình, bộc bạch: “Thấy người dân nuôi cá trong hồ đạt hiệu quả tốt quá, tôi cũng học hỏi để đầu tư. Sau hơn 4 năm gầy dựng, tôi có 8 ô nuôi/1.500 con cá điêu hồng, cá trê. Mỗi năm tôi xuất bán 2 đợt, lãi ròng khoảng 70 – 80 triệu đồng, so với làm nông tôi thấy nuôi cá ổn định hơn”.
Khi mới bắt đầu, người nuôi cá ở hồ Định Bình chỉ nuôi mỗi năm được 1 vụ, từ lúc nuôi đến lúc xuất bán khoảng 3 tháng. Mấy năm gần đây, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các cơ quan chuyên môn, người nuôi cá đã có thể sản xuất mỗi năm 2 vụ theo hình thức nuôi gối đầu. Cá nuôi hồ ở Vĩnh Thạnh dần có tiếng được thương lái tìm đến gom mua ngay tại hồ.
Bè nuôi cá lồng của ông Ngô Văn Đại, ở thôn Tân Thắng, xã Cát Hải (huyện Phù Cát) tại hồ chứa Tân Thắng
Huyện Phù Cát đang ở giai đoạn bắt đầu với 5 hộ nuôi cá lồng tại các hồ thủy lợi: Tân Thắng (xã Cát Hải), Mỹ Thuận (xã Cát Hưng), Hội Sơn (xã Cát Sơn) với số lượng 89 lồng, chủ yếu nuôi cá điêu hồng, thác lác. Gia đình ông Ngô Văn Đại, ở thôn Tân Thắng, đầu tư 1 ô nuôi với 14 lồng, nuôi thâm canh 2.000 con cá điêu hồng. Ông Đại chia sẻ: “Nhờ nguồn nước tốt nên cá phát triển rất đều, khoảng 5 tháng là thu hoạch. Ngoài nuôi cá điêu hồng trong lồng, tôi còn tận dụng mặt nước tự nhiên trong hồ thả nuôi thêm các giống cá chép, mè, trắm, lăng nha… Nhờ đó, mỗi năm gia đình thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm”.
Những dự tính dài hơi
Ông Huỳnh Văn Hồng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Từ năm 2019, huyện triển khai mô hình nuôi thử nghiệm cá chép giòn trên cơ sở nuôi nâng cấp từ cá chép thương phẩm quen thuộc. Cùng với ý nghĩa, lợi ích kinh tế ở góc độ giá trị thực phẩm, việc nuôi cá chép giòn còn có khả năng tạo ra sản phẩm du lịch cho địa phương, đặc biệt là trên vùng lòng hồ vốn đã có thể khai thác vào mục đích du lịch. Vĩnh Thạnh đã quy hoạch phát triển nghề nuôi cá lồng, đặc biệt là cá chép giòn, tại các hồ thủy điện, như: Trà Xom, Vĩnh Sơn 5.
Huyện Phù Cát có tổng diện tích nuôi cá nước ngọt 858,6 ha, trong đó hầu hết là nuôi cá quảng canh tận dụng môi trường tự nhiên, chỉ mới khai thác một phần rất nhỏ tiềm năng. Ông Lương Văn Khoa, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi cá lồng bè tại các hồ thủy lợi, động viên người dân phát triển theo hướng này. Để khuyến khích người dân, huyện sẽ tích cực hỗ trợ về mô hình, kỹ thuật nuôi, tìm thêm những giống cá mới…”.
Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: Tỉnh ta có khí hậu ấm quanh năm, mức độ ô nhiễm nguồn nước thấp nên cá nuôi trong lòng hồ có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Song điểm bất lợi rất lớn là thường xuyên xảy ra hạn hán và lũ lụt. Để nghề nuôi cá trong các hồ chứa phát triển ổn định, ngành Thủy sản tỉnh khuyến khích người dân nuôi ngắn ngày, với các giống cá rô phi, điêu hồng… như vậy nghề nuôi cá trong lồng bè tại các hồ thủy lợi sẽ phát triển bền vững hơn.
Đoàn Ngọc Nhuận
Theo Báo Bình Định