20 năm qua, việc nghiên cứu, chọn tạo giống thủy sản của Việt Nam đã có những biến tiến quan trọng, mở ra cơ hội phát triển những đối tượng chủ lực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải thực hiện.
Thành quả quan trọng
TS Nguyễn Văn Hảo, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS II (RIA II) cho biết, diện tích thả nuôi cá tra của Việt Nam khoảng 5.000 ha, sản lượng đạt 1,2 – 1,3 triệu tấn. Hiện, nước ta có hơn 100 cơ sở sản xuất cá tra bột (chủ yếu ở Đồng Tháp) và khoảng 3.500 cơ sở ương dưỡng giống cá tra; số lượng sản xuất khoảng 25 – 28 tỷ cá bột, hơn 2 tỷ cá giống. Về tôm sú, diện tích thả nuôi gần 600.000 ha, sản lượng trên dưới 250.000 tấn/năm. Cả nước có 1.624 cơ sở sản xuất giống, sản lượng giống khoảng 36 tỷ con, đòi hỏi nhu cầu tôm bố mẹ ước 100.000 cặp/năm. Về TTCT, diện tích thả nuôi trên dưới 100.000 ha, sản lượng khoảng 350.000 tấn. Cả nước có 185 trại sản xuất giống, sản xuất khoảng 15 – 20 tỷ tôm giống, nhu cầu tôm bố mẹ khoảng 200.000 cặp.
Theo TS Hảo, trong 20 năm qua (1999 – 2019), công tác chọn tạo giống thủy sản ở Việt Nam đã có một bước tiến dài; một sự trưởng thành vượt bậc so với các nước trong khu vực Đông Nam Á; cơ sở vật chất được nâng cao; nguồn nhân lực được cải thiện về chất lượng với nhiều chuyên gia được đào tạo tại các nước có nền chọn tạo giống đứng đầu thế giới; mở rộng nhiều chương trình hợp tác quốc tế; có được nguồn vật liệu ban đầu và một số sản phẩm chọn tạo phát tán được người sản xuất ghi nhận cải thiện về di truyền; trưởng thành về phương pháp luận; chủ động toàn bộ trong khâu thiết kế đến triển khai các bước trong một chương trình chọn tạo giống; thành thạo trong sử dụng các công cụ phần mềm hiện đại và chuyên dụng để xử lý và tính toán số liệu; kinh phí cho nghiên cứu được Nhà nước đặc biệt quan tâm; Bộ NN&PTNT và các doanh nghiệp rất kỳ vọng các đối tượng nuôi chủ lực của nước ta sẽ được chọn tạo thành công.
Công tác chọn tạo giống thủy sản đã có nhiều bước phát triển – Ảnh: PTC
Vẫn còn nhiều việc phải làm
TS Hảo cũng cho hay, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác nghiên cứu, chọn tạo giống thủy sản của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế và khó khăn như: Thiếu cơ chế sở hữu bản quyền khi có sự tham gia của đối tác thứ ba; thiếu cơ chế khuyến khích thụ hưởng các thành quả có được của nhà chọn tạo giống với sản phẩm làm ra; vấn đề phát tán sản phẩm chọn tạo cần sự đa dạng và linh hoạt so với phương cách hiện hữu (cung cấp đại trà); phân bổ chưa hợp lý của kinh phí nghiên cứu; nguồn vật liệu ban đầu thường khá khiêm tốn, thiếu tính da dạng; thiếu sự tư vấn của các nhà chọn tạo giống quốc tế; các vấn đề kỹ thuật (ghép cặp, sinh sản, ương nuôi, nuôi thành thục…) còn nhiều hạn chế ảnh hưởng lớn đến độ tin cậy của các thông số di truyền được ước tính.
“Chương trình chọn tạo giống thủy Việt Nam 20 năm qua chưa có được một sản phẩm thật sự uy tín và chất lượng, được thực tiễn nồng nhiệt đón nhận như chúng ta hằng kỳ vọng khi bắt tay thực hiện các chương trình chọn tạo giống tại Việt Nam. Hiện, điều kiện đã chín, theo đó cần bổ sung và hoàn thiện các cách tiếp cận mới để trong tương lai không xa các con giống chọn tạo của người Việt thật sự đáp ứng mong mỏi của doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy sản Việt Nam”, TS Hảo đề xuất thêm.
Vai trò tiên phong
Đề án “Phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020” sau 10 năm triển khai đã thu được những kết quả bước đầu. Riêng đối với lĩnh vực thủy sản, công tác nghiên cứu, chọn tạo giống mới đã có những bước đột phá; từ năm 2010 đến nay, đã công nhận được 13 giống thủy sản. Mỗi năm, các cơ sở đã sản xuất khoảng 40 tỷ con giống tôm sú; 100 tỷ con giống TTCT; giống nhuyễn thể 20 tỷ con…
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu nâng cao năng lực hệ thống nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất, quản lý giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn từ nay đến 2030. Trong đó, đặt mục tiêu bảo đảm chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống cho NTTS.
Để đạt được, Bộ NN&PTNT khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất giống những cây trồng, vật nuôi được ưu tiên cơ cấu theo 3 trục sản phẩm phát triển gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm đặc sản địa phương. Tiếp tục nghiên cứu chọn tạo những giống mới có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, năng suất, chất lượng cao.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: “Thị trường là mệnh lệnh của sản xuất, giờ thị trường thay đổi rất lớn, cứ khư khư ôm cơ cấu cũ, ôm lúa, ôm lợn là chết. Tôi lấy thí dụ, Ninh Thuận, Bình Thuận giờ phải hướng tới nền nông nghiệp sa mạc; ĐBSCL gắn với nuôi trồng thủy sản nước mặn nước lợ; Tây Bắc phải theo hướng cây ăn quả, cây dược liệu chứ không phải là ngô nữa. Để thực hiện được mục tiêu này thì khâu giống luôn luôn phải đi trước một vài bước”.
Bộ trưởng cho biết, tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục xây dựng và đề xuất Chính phủ ban hành Đề án phát triển giống nông nghiệp giai đoạn mới, trong đó tập trung xuyên suốt chung quanh 3 trục kinh tế ngành lớn là lâm nghiệp, thủy sản và nông nghiệp, tuy nhiên đề án mới cần phải được gắn chặt với yếu tố thị trường.
>> Theo TS Nguyễn Văn Hảo, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS II, chọn tạo giống là việc dài hạn, đòi hỏi tính học thuật cao trong thiết kế chương trình; tính linh hoạt và sáng tạo trong vận dụng các nguyên lý; tính đa dạng của nguồn vật liệu ban đầu; tiêu chuẩn và hiệu quả cao của quy trình kỹ thuật; tính nghiêm túc trong triển khai thực hiện; sản phẩm phải được thực tiễn công nhận và thương mại hóa rộng rãi. |
Phương Ngọc
Ngành thủy sản biển dần đã trở nên chủ động thông qua giống thủy sản cá biển