(TSVN) – Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành nuôi biển quy mô công nghiệp. Tuy nhiên, để trở thành một cường quốc dẫn đầu trong khối ASEAN và châu Á như mục tiêu đặt ra đến năm 2045, ngành nuôi biển nước ta cần giải quyết những khó khăn trước mắt và có bước đột phá về công nghệ.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, trong giai đoạn 2010 – 2019, nuôi biển đã có những bước phát triển đáng kể cả về diện tích lẫn sản lượng. Cụ thể, tổng diện tích nuôi biển năm 2010 đạt 38.800 ha, đến năm 2019 đã đạt 256.479 ha; sản lượng nuôi biển năm 2010 đạt 156.681 tấn, đến năm 2019 đạt 597.751 tấn và năm 2020 ước đạt 610.000 tấn.
Một số đối tượng nuôi chính gồm: Nhóm nhuyễn thể (ngao/nghêu, sò, hàu, vẹm xanh, tu hài, bào ngư, trai ngọc, ốc hương…); Nhóm cá biển (cá song, cá giò, cá hồng, cá vược, cá tráp, cá chim vây vàng, cá sủ đất, cá măng biển…); Nhóm giáp xác (tôm hùm, cua, ghẹ…); Rong tảo biển (rong sụn, rong câu, rong mứt, rong nho, tảo biển…); Hải sâm, sinh vật cảnh…
Sản phẩm nuôi biển chế biến hiện chủ yếu được xuất khẩu sang EU, Mỹ và Nhật Bản, với tỷ trọng đóng góp rất ổn định trong cơ cấu xuất khẩu qua các năm: thị trường EU chiếm 27 – 30% lượng và 24 – 26% giá trị; Mỹ 8 – 11% lượng và 16 – 19% giá trị; Nhật Bản 10 – 12% lượng và 18% giá trị. Còn với sản phẩm biển tươi sống thì rất được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc. Nhìn chung, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm biển sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, khi mà cá sản phẩm khai thác từ tự nhiên không tăng và có xu hướng giảm. Rõ ràng, phát triển nuôi biển là xu thế tất yếu.
Ngành nuôi biển của nước ta thời gian qua đã thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập như: Còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết, điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số vùng nuôi nằm chồng lấn, xung đột với các ngành kinh tế khác. Khoa học công nghệ trong sản xuất giống còn hạn chế; công nghệ sản xuất chưa chủ động hoàn toàn, con giống sản xuất ra chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi thương phẩm. Công nghệ nuôi và hệ thống lồng bè thích ứng với thời tiết Việt Nam chưa phát triển. Một số đối tượng nuôi chưa có quy trình chuẩn hoặc chưa được nghiên cứu thử nghiệm. Gặp khó trong khâu cung cấp thức ăn do các mô hình nuôi truyền thống, sử dụng nguồn thức ăn chủ yếu từ cá tươi (cá tạp). Vốn đầu tư lớn, thời gian nuôi dài; sự tham gia của các doanh nghiệp lớn còn hạn chế. Lao động tham gia nuôi cá lồng trên biển thiếu hiểu biết về khoa học kỹ thuật…
Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu, đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha, thể tích lồng nuôi khoảng 10,5 triệu m3; sản lượng đạt khoảng 850.000 tấn; giá trị xuất khẩu 0,8 – 1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 290.000 ha, thể tích lồng nuôi 12 triệu m3; sản lượng đạt 1,45 triệu tấn; giá trị xuất khẩu 3 – 4 tỷ USD. Tầm nhìn đến năm 2045: Việt Nam có nền công nghiệp nuôi biển tiên tiến, phát triển bền vững, với công nghệ hiện đại và phương thức quản lý khoa học. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận chính của kinh tế biển nước ta; Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hàng đầu về công nghiệp nuôi biển trong khối ASEAN và châu Á, đứng trong top 5 thế giới về sản lượng và giá trị xuất khẩu hải sản nuôi. Sản lượng nuôi biển đạt 3 triệu tấn/năm; Giá trị thương mại và xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, bên cạnh ý nghĩa về khía cạnh kinh tế, phát huy tiềm năng, lợi thế quốc gia ven biển, nuôi biển còn mang ý nghĩa quan trọng đối với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của Việt Nam. Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có định hướng: Phát triển NTTS trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; khuyến khích phát triển NTTS quy mô công nghiệp ở các vùng biển mở.
Phương Ngọc