(TSVN) – Hiện đang là thời điểm thu hoạch rộ một số loài thủy sản như tôm, cua, cá… nhưng hầu như người nuôi không có lợi nhuận khi giá thu mua giảm sâu, thấp hơn cả giá thành sản xuất. Không chỉ các doanh nghiệp mà chưa khi nào người dân lại rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay.
Vĩnh Linh là vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Quảng Trị, nhưng những ngày qua, người dân xã Vĩnh Sơn đang thu hoạch tôm chính vụ trong tâm trạng lo âu, khi thị trường tiêu thụ bị ách tắc trầm trọng. Theo chia sẻ của các hộ dân địa phương, tôm sú loại 1 cỡ 25 – 30 con/kg có giá bán hồ 170.000 đồng/kg; TTCT là 140.000 đồng/kg, cả hai loại tôm đều rớt giá từ 50.000 – 60.000 đồng/kg so vụ trước. Ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong cho biết, vụ chính này nông dân của xã thả nuôi được 36 ha TTCT. Tôm đã đến mùa thu hoạch, trung bình cỡ tôm 60 con/kg chỉ có giá 115.000 – 120.000 đồng/kg. Trong lúc các đại lý thông báo không tiếp tục thu mua tôm nữa vì ách tắc đầu ra nên giá bán tôm tại hồ sẽ tiếp tục giảm. Người nuôi tôm đã điêu đứng vì dịch bệnh trên tôm nay lại gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ.
Chia sẻ tại diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản” do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 31/8, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết tôm Cà Mau giảm 8.000 – 23.000 đồng/kg, các size TTCT cũng giảm sâu; mực tươi, mực khô các loại giảm 30% về giá; cá ngoài chợ giảm 20 – 29%. Nông dân chỉ hòa vốn, thậm chí thua lỗ. Một số ý kiến cho rằng chuỗi sản xuất tôm bị gãy đổ là có cơ sở.
Cùng chung tình trạng thủy sản nuôi rớt giá, các hộ nuôi tôm vùng ven biển Trà Vinh hiện cũng phải chịu cảnh thua lỗ, do gặp khó đầu ra đối với sản phẩm nông sản (không có thương lái) và giá bán giảm mạnh (chủ yếu TTCT) chỉ bằng với chi phí nuôi. Ngoài TTCT bị ảnh hưởng, đối với tôm càng xanh, hiện giá giảm hơn 50% so với thời điểm khoảng tháng 5, tháng 6 và số lượng tiêu thụ ít, trong khi hàng trăm tấn tôm càng xanh đã vào vụ thu hoạch… Ông Nguyễn Văn Nhanh, Chủ tịch UBND xã Long Hòa, huyện Châu Thành cho biết, hiện giá tôm càng xanh loại 10 – 12 con/kg, giảm còn 120.000 – 125.000 đồng/kg (trước đây 250.000 – 270.000 đồng/kg). Đối với TTCT, hiện chi phí sản xuất để đạt cỡ tôm thương phẩm khoảng 74.000 – 75.000 đồng/kg (loại 100 con/kg); tuy nhiên hiện nay giá bán cho các lái chỉ dao động khoảng 77.000 – 78.000 đồng/kg.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Kiên Giang, tổng sản lượng thủy sản nuôi của địa phương này đang tồn đọng trên 1.300 tấn. Trong đó, cá bớp và cá mú tồn khoảng 300 tấn, giá dao động 120.000 – 140.000 đồng/kg; tôm các loại bình quân 120.000 đồng/kg, mực 70.000 – 230.000 đồng/kg và thủy sản khác giá từ 30.000 – 250.000 đồng/kg. Một số mặt hàng thủy sản nuôi như tôm càng xanh, cua biển, cá bớp, cá mú, sò huyết giá mua tại ao giảm nhưng vẫn chưa kết nối tiêu thụ được số lượng lớn do các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, các nhà hàng, quán ăn, thương nhân, thương lái… tạm dừng hoạt động. Những mặt hàng đòi hỏi sử dụng tươi như tôm càng xanh, sò huyết… gặp khó khăn trong tiêu thụ. Người dân phải neo lại ao nuôi làm phát sinh chi phí, hao hụt nhiều do tới lứa chưa thu hoạch được.
Còn tại chương trình đối thoại trực tuyến “Giải pháp kinh tế và pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giai đoạn COVID-19”diễn ra sáng 31/8; đại diện Chi nhánh VCCI tại Cần Thơ cho hay, ĐBSCL có đặc thù và chủ lực là nông, thủy sản. Tôm, cá, trái cây… không thể không thu hoạch, nếu không thu hoạch thì tổn thất lớn cho nông dân, thứ hai là thu hoạch được nhưng không có nơi bảo quản… Nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng trầm trọng, vùng nguyên liệu không còn, không thể có lại trong một thời gian ngắn. Đặc biệt, trong 3 tháng (6, 7, 8) vừa qua, vùng ĐBSCL có trên 10.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, trong khi con số này của 6 tháng đầu năm là trên 6.000 doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là gần 90%; doanh thu quý II/2021 giảm còn 40 – 50%…
Thực tế thời gian qua, theo đánh giá của các doanh nghiệp, việc triển khai mô hình “3 tại chỗ” là chưa khả thi, kéo dài sẽ gây hao tổn, không an toàn. Trong khi chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa kịp thời. Doanh nghiệp đang rất băn khoăn, nhiều doanh nghiệp đóng cửa nhưng lo lắng, nếu không có khoản hỗ trợ nào thì khả năng phá sản là “trong tầm tay”.
Một doanh nghiệp thức ăn tôm và vừa nuôi tôm tại tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện có 2 vấn đề chính còn “vướng” cho cả doanh nghiệp và người nuôi. Đó là, đối với khâu vận chuyển vật tư đầu vào (thuốc, hóa chất, thức ăn…), việc vận chuyển vướng nhiều thủ tục và rất khó khăn trong vận chuyển, do vậy phí vận chuyển tăng cao, dẫn đến giá thành nuôi tôm tăng cao. Ngoài ra, người nuôi tôm không thể (hoặc rất khó) xin Giấy đi đường (thường mất cả ngày hoặc hơn) mới có được giấy này, nên khi cần mua vật tư thiết bị không kịp thời, đặc biệt khi thiết bị hỏng, tôm gặp sự cố thì không thể đợi được. Thứ hai, về việc bán tôm (đặc biệt trường hợp tôm bị sự cố): hiện tại rất khó/ hoặc không có thương lái nào mua. Nếu có thì giá rất thấp, (theo lý giải là do đi lại khó khăn, do nhà máy chế biến đầy nguyên liệu không thu mua nữa…). Do vậy, phần thiệt luôn về phía người nuôi, giá thành nuôi tôm tăng cao, giá tôm giảm sâu và chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Theo đó, kiến nghị tỉnh có giải pháp giúp thuận lợi (nhưng đảm bảo yêu cầu phòng, chống COVID-19) trong việc vận chuyển vật tư, thiết bị cho ngành tôm; kiến nghị tạo điều kiện cho thương lái thu mua tôm (có thể thành lập đội thu mua tôm, đội lưới kéo….) và kiểm soát các đội này để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.
Sở Công thương Cà Mau dự báo, sau khi các tỉnh, thành phía Nam xóa bỏ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì đầu ra, giá cua Cà Mau sẽ ổn định trở lại. Do vậy, người nuôi cần chủ động nắm bắt thời cơ này để chủ động thả giống nhằm gia tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện, Sở đang phối hợp với các tỉnh và Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương tiếp tục kết nối với các nhà phân phối trong cả nước cung ứng hàng hóa, nông sản của Cà Mau; trong đó có giải quyết đầu ra cho mặt hàng cua Cà Mau.
Ông Lê Văn Sử kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước có những chính sách mạnh mẽ hơn để hỗ trợ người dân thông qua doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp được hỗ trợ, thì họ sẽ duy trì kết nối được với nông dân, tránh gãy đổ chuỗi sản xuất. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ NN&PTNT quan tâm đến mô hình doanh nghiệp đầu tư toàn bộ chi phí sản xuất, hỗ trợ lợi nhuận sau mỗi vụ cho người dân. Như vậy, người dân yên tâm sản xuất, không bị mất lợi nhuận vì coi như đã được doanh nghiệp bảo hiểm. Ở giải pháp này, cơ quan Nhà nước thay vì phải lo cho từng hộ nông dân vay vốn thì chỉ cần lo cho doanh nghiệp.
Để đảm bảo duy trì chuỗi sản xuất và kịp thời hỗ trợ bà con thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; ngày 31/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã có Công văn số 3692/UBND-KT về việc chỉ đạo về tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển vật tư, giống nông nghiệp phục vụ sản xuất và hỗ trợ thu hoạch, tiêu thụ nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Các địa phương không được phép đặt ra các yêu cầu, quy định riêng gây cản trở, ách tắc việc lưu thông hàng hóa. Giao cho UBND cấp huyện khẩn trương thành lập Tổ điều phối, kết nối, cung ứng, tiêu thụ nông sản để kịp thời cung cấp và tiếp nhận thông tin từ người sản xuất, chỉ đạo, xử lý kịp thời; chủ động huy động lực lượng tại chỗ để hỗ trợ nông dân thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông, thủy sản; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn hướng dẫn, giám sát chặt chẽ việc thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông, thủy sản trên địa bàn, đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Giao UBND cấp huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo các địa phương và các chốt kiểm soát trên địa bàn tạo điều kiện, hỗ trợ nông dân thu hoạch, vận chuyển nông, thủy sản (khi có yêu cầu) không được để ách tắc gây ảnh hưởng đến sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông, thủy sản. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng không hỗ trợ kịp thời nông dân thu hoạch vận chuyển nông, thủy sản do yếu tố chủ quan và ách tắc hoặc các hành vi cản trở các hoạt động nêu trên.