(TSVN) – Ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) của Australia hiện là phân khúc lớn nhất trong ngành thủy sản nước này. Theo số liệu thống kê mới nhất về nghề cá và NTTS của Australia, sản lượng NTTS tăng 10% trong năm tài khóa 2019 – 2020, bất chấp đại dịch COVID-19.
Công ty Seafood Industry Australia (SIA) cho biết mức tăng trưởng được ghi nhận bất chấp những khó khăn do đại dịch mang lại là một điều đáng mừng. “Australia đã trải qua 18 tháng khó khăn đối với ngành thủy sản. Tuy nhiên, việc công bố báo cáo này cho thấy ngành công nghiệp này đang dần tiến về phía trước”, Giám đốc điều hành SIA Veronica Papacosta cho biết.
Tuy nhiên, dự báo năm tài khóa 2020 – 2021 của chính phủ Australia cho thấy sản lượng đánh bắt và NTTS của nước này sẽ giảm vào cuối năm, chủ yếu do sự gián đoạn thị trường trong nước và quốc tế bởi COVID-19 gây ra. Đầu năm nay, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu tôm hùm Australia sống, gây ra sự ảnh hưởng lớn đối với ngành đánh bắt tôm hùm đá.
Báo cáo cũng cho biết tiêu thụ thủy sản nội địa ở Australia giảm xuống 12,4 kg/người, giảm từ 13,5 kg/người trong năm 2018 – 2019. Các sản phẩm thủy sản nhập khẩu chiếm 62% lượng tiêu thụ, giảm so với 66% của năm trước.
Bà Papacosta cho biết ngành NTTS của Australia duy trì tăng trưởng ổn định trong năm qua, với tổng giá trị sản xuất của ngành cải thiện tăng 10% trong năm 2019 – 2020. Ngành cá hồi Đại Tây Dương đang phát triển của Tasmania đã góp phần vào sự tăng trưởng của ngành, hiện chiếm 35% tổng giá trị sản xuất thủy sản (GVP). “Ngành NTTS có một tương lai tươi sáng khi tiếp tục đặt ra các tiêu chuẩn quốc tế bằng cách cung cấp thủy, hải sản tươi sống, chất lượng cao, bền vững quanh năm, đồng thời đáp ứng và vượt các yêu cầu quy định”, bà Papacosta chia sẻ.
Báo cáo cho thấy GVP của Australia được định giá 3,1 tỷ AUD (2,3 tỷ USD) trong giai đoạn 2019 – 2020, tương đương 258 triệu AUD (188 triệu USD). Dự báo cũng ước tính rằng GVP của toàn ngành thủy sản Australia dự kiến sẽ giảm xuống 2,9 tỷ AUD (2,1 tỷ USD) trong giai đoạn 2020 – 2021, giảm 6% so với 2019 – 2020, trước khi bắt đầu hồi phục chậm lại.
Lĩnh vực này sẽ được chính phủ Australia giúp mở rộng chương trình IFAM, hỗ trợ vận chuyển hàng không khẩn cấp đến tháng 6/2022. SIA bày tỏ sự vui mừng bởi mở rộng IFAM sẽ cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho các nhà xuất khẩu để đưa sản phẩm ra các thị trường quốc tế.
Bà Papacosta cho biết: “Thông thường các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Australia được vận chuyển trong khoang hàng của máy bay thương mại, nhưng với một vài chuyến bay chở khách quốc tế theo quy định hạn chế COVID-19, phần lớn các chuyến bay ra nước ngoài đã bị hủy, khiến các tuyến vận tải thiếu hụt. Việc khôi phục các chuỗi cung ứng này có ý nghĩa sống còn đối với ngành công nghiệp trong việc duy trì mối quan hệ với khách hàng trên toàn thế giới. Nhờ vậy chúng tôi có thể tiếp tục cung cấp hải sản Australia chất lượng cao đến mọi nơi trên toàn cầu”.
Chính phủ Australia sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước bằng cách cung cấp thêm 260,9 triệu AUD (190,3 triệu USD) để “duy trì các mối liên kết vận tải hàng không quan trọng giữa các doanh nghiệp nước này và khách hàng quốc tế”, điều này rất quan trọng để duy trì luồng xuất khẩu và nhập khẩu.
Bà Papacosta cho biết việc gia hạn sẽ cho phép những người đánh bắt tự nhiên và NTTS của Australia cung cấp sản lượng có trị giá khoảng 3 tỷ AUD (2,2 tỷ USD) tới các thị trường quốc tế như Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc.