(TSVN) – Hỏi: Cá bị bệnh trùng quả dưa có những triệu chứng như thế nào? Xin tư vấn biện pháp phòng, trị bệnh hiệu quả?
(Nguyễn Thị Hồng, xã Hòa Phong, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên)
Trả lời:
Bệnh trùng quả dưa hay còn gọi là bệnh đốm trắng. Đây được xem là bệnh ký sinh trùng nguy hiểm nhất ở cá nước ngọt trong môi trường tự nhiên và nuôi thả do động vật đơn bào Ichthyophthirius multifiliis gây ra mà phần lớn những người nuôi cá đều có lúc phải đối mặt. Trùng rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường, chúng không chịu được pH<5, ôxy hòa tan < 0,8 mg/l và rất nhạy cảm với nhiệt độ. Trùng quả dưa thường xuất hiện nhiều vào mùa mưa, trời mát, nhất là ở vùng nhiệt đới. Nhiệt độ thích hợp nhất cho chúng phát triển là từ 25 – 26oC. Trùng thường gây bệnh nhiều trên cá nước ngọt, mà nhất là giai đoạn cá giống, cá hương. Cá bị bệnh thường nổi đầu, bơi lờ đờ, quẫy mạnh hoặc cọ mình vào cây cỏ thủy sinh.
Da, mang cá bị bệnh tiết nhiều dịch nhầy và có màu sắc nhợt nhạt. Khi bệnh nặng trên vây, da, mang thường có nhiều trùng bám thành các hạt lấm tấm rất nhỏ, màu hơi trắng đục, kích thước 0,2 – 1 mm, có thể thấy rõ bằng mắt thường. Hầu hết các loài cá nuôi nước ngọt đều có thể mắc bệnh, đặc biệt các loài cá da trơn thì nhạy cảm hơn. Để phòng bệnh, cần áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp.
Tẩy dọn ao thật kỹ trước khi thả bằng vôi bột rải đều, phơi đáy ao từ 3 – 4 ngày. Tốt nhất nên có hệ thống lắng, lọc và xử lý nước cấp để hạn chế mầm bệnh. Kiểm tra thật kỹ cá giống, vì giai đoạn này cá dễ bị nhiễm trùng quả dưa nhất, nếu phát hiện đàn cá bị nhiễm bệnh thì phải có biện pháp xử lý và loại bỏ ngay. Trong quá trình nuôi nên làm sạch môi trường nước thường xuyên, áp dụng các phương pháp phòng bệnh tổng hợp. Dùng 1 – 1,5 kg muối ăn và 2 kg vôi/100 m3 nước, hoặc định kỳ xử lý nước ao 15 – 20 ngày/lần.
Hút bùn đáy ao 2 tháng/lần đối với cá < 300 g và 1 tháng/lần đối với cá > 300 g. Không thả cá với mật độ quá dày, định kỳ kiểm tra cá nuôi. Cá bệnh tuyệt đối không thả chung với cá khỏe để hạn chế sự lây lan của trùng quả dưa. Để trị bệnh này có kết quả tốt cần phải điều trị thành nhiều đợt nối tiếp nhau, dùng Formalin phun trực tiếp xuống ao/bể nuôi cá với lượng 20 – 25 ml/m3 nước, thực hiện liên tục 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày sẽ có hiệu quả.
(Phạm Văn Năm, xã Hải Châu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định)
Trả lời:
Theo mô tả, có thể cá chép đã bị bệnh rận cá. Bệnh này do một số loài thuộc giống Argulus gây nên. Giống Argulus từ ấu trùng đến trùng trưởng thành đều sống ký sinh. Rận cá thường ký sinh trên da, mang, vây, hốc mắt, hốc mũi và miệng của một số loài cá nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Ở Việt Nam, trong các thủy vực nước ngọt, rận cá ký sinh chủ yếu trên da các loài cá như trắm cỏ, mè trắng, mè hoa, cá chép, cá diếc, lóc bông… ký sinh trên cá ở tất cả các giai đoạn phát triển, nhưng ở cá lớn chỉ ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng, cũng có thể gây chết. Cá giống cỡ 1 – 2 cm nếu bị 3 – 4 trùng ký sinh ở nhiệt độ 28 – 300C sau vài ngày có thể làm cho cá chết. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng xuất hiện nhiều vào vụ xuân và đầu hè. Cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Treo túi vôi xung quanh thành lồng với liều lượng 2 – 4 kg/10 m3 lồng. Đối với ao nuôi, để túi vôi đầu gió (đầu nguồn nước vào). Để trị bệnh, cần sử dụng KMnO4 với nồng độ 10 g/m3 tắm cho cá trong 30 phút; dùng Formalin nồng độ 20 – 25 ml/m3 phun xuống ao; Neguvon phun xuống ao nồng độ 0,4 – 0,6 ml/m3. Lưu ý: Thời gian tắm hóa chất cho cá nhiễm ký sinh trùng phụ thuộc nhiều vào tình trạng sức khỏe của cá tại thời điểm xử lý. Nếu cá khỏe có thể tăng thời gian tắm hóa chất lên, ngược lại nếu cá yếu có thể rút ngắn thời gian hơn. Chính vì vậy trong suốt quá trình tắm (xử lý cá bệnh ký sinh trùng) cần phải theo dõi thường xuyên phản ứng của cá.
Ban KHKT