Những ngày cuối tháng 3 này, cùng với những tin xấu từ Hoàng Sa đổ về: các tàu cá của con em họ bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, thậm chí bắn cháy cabin tàu, đất đảo Lý Sơn lại bàng hoàng đón nhận thêm hung tin: ngư dân Nguyễn Văn Cường (28 tuổi) đã tử nạn khi đang hành nghề lặn tại khu vực Trường Sa.
Kỳ 1: Ai ra khơi không mang theo lưới…
Ông Nguyễn Văn Dự, cha nạn nhân, bảo rằng: “Cường lặn giỏi lắm nhưng do bị chuột rút, các cơ xơ cứng không quẫy đạp được, đến khi các bạn tàu tìm thấy thì Cường đã tắt thở giữa lòng biển lạnh…”. “Cường chỉ là một trong hàng trăm nạn nhân xấu số của Lý Sơn bị nạn bởi nghề lặn từ trước đến nay. Bản thân tôi bại liệt như ngày nay cũng do lặn sâu xuống biển” – ngư dân Nguyễn Thế Khải (55 tuổi) trần tình.
Ông Khải tập tễnh chống đôi nạng bước đi, thân người như đổ lệch, nhưng ánh mắt vẫn nhìn về phía biển mù khơi. Ngày còn trai tráng, phía chân trời xa xăm ấy là nơi ông vẫy vùng. Trong một lần lặn bị bể ống hơi, ông bị liệt và giờ thì nằm nhà.
Rời thuyền lên… xe lăn
Đang như con rái cá ngang dọc đáy đại dương, ấy vậy mà có ai ngờ một ngày cuộc đời của họ lại gắn chặt với chiếc xe lăn chật hẹp và chậm chạp. Ngư dân Dương Quang Sơn (55 tuổi), thôn Đông, xã An Hải, khó nhọc bước khập khễnh từ thềm vào nhà, mồ hôi rịn trên trán. Nhìn đôi chân ông Sơn lép kẹp, da nhăn nheo chùng xuống không bằng bắp cơ chân của đứa trẻ lên 8, ông bảo đó là di chứng tai nạn trong một lần lặn biển tại Hoàng Sa.
“Chiều đó, sau khi thực hiện lần lặn thứ tư ở độ sâu khoảng 40m. Lên thuyền vẫn nói chuyện bình thường, lúc sau thì xây xẩm mặt mày, choáng rồi ngã vật ra sàn tàu. Biết là triệu chứng của ca lặn vừa rồi, các bạn tàu ném tui trở lại biển để giảm áp. Hai tiếng, rồi ba tiếng trôi qua, loay hoay mãi nhưng người tôi vẫn nhão ra rồi cơ cứng, chân tay tê buốt, không cảm giác. Lập tức, chiếc tàu quay vào bờ đem tôi thẳng đến bệnh viện chữa trị”- ông Sơn nhớ lại. Từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng, vào TP.HCM, từ tây y qua đông y nhưng đôi chân ngày một teo tóp và nay chỉ còn da bọc xương. 23 năm nay ông chịu những cơn đau hành hạ, không dám nằm lâu vì sợ nằm rồi liệt hẳn. Đang là lao động chính, phút chốc lặn không đúng kỹ thuật, ông trở thành… phế nhân.
Từ nhà ông Sơn vài bước chân là qua nhà ông Nguyễn Thế Khải. 23 năm trước, ông Khải làm nhà mới. Căn nhà hoàn thành cùng lúc món nợ hơn 30 triệu đồng treo lơ lửng. Khi đó, ông đã đi lặn hải sâm hơn năm năm, những triệu chứng tê chân, tay kéo dài đã xuất hiện, ông bỏ biển lên bờ. Nhưng món nợ làm nhà không cho phép ông nghỉ ngơi. Ông quyết liều đi lặn kiếm tiền trả nợ. Ông không ngờ chuyến đi ấy khiến gia đình ông nợ nần nhiều hơn. Nhìn dáng ông chống đôi nạng gỗ nhấc từng bước đi cà giật, khuôn mặt đau đớn, đôi bàn tay co quắp khiến ai cũng chạnh lòng. Đang ở độ sâu hơn 55m, ống dẫn hơi bị bể. Ở độ sâu đó bạn tàu sợ ông tử vong nên kéo một mạch từ đáy biển lên mặt nước. Lên thuyền, toàn thân tê liệt, ông đột quỵ ngay tại chỗ. Dù chạy chữa ở nhiều bệnh viện, ông Khải liệt vẫn hoàn toàn liệt.
Gia đình ông Nguyễn Thọ ở xã An Hải có ba con trai đi lặn, gồm hai con ruột và một con rể thì có hai người bị tai biến, teo chân, một người bị bệnh tê chân đang phải điều trị. Hoặc anh Lê Gia (37 tuổi) ở thôn Tây, xã An Hải, bị liệt hai chân; anh Bùi Trận (40 tuổi), thôn Tây, bị liệt hai chân vì máy thở hỏng khi lặn. Vợ chồng anh Trương Ngọc Kinh (40 tuổi) và Nguyễn Thị Nguyên (40 tuổi) ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn cảnh nhà xơ xác cũng từ nghề lặn. Theo lời anh Kinh, trong một lần theo thuyền ngư dân đảo Lý Sơn đi lặn hải sâm ở quần đảo Trường Sa, anh bị liệt toàn thân. Suốt 6-7 năm chữa chạy khắp nơi, hết nhà hết cửa, hết luôn mấy chục triệu đồng tiền đền bù hỗ trợ nhà và đất từ công trình bể chứa sản phẩm Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đôi chân anh Kinh mới tập tễnh đi lại. Nuôi thân đã khó, vợ chồng anh còn một nách nuôi ba đứa con nữa nên mỗi ngày mở mắt ra là cái khó đè lên đôi vai gầy của chị Nguyên, đè lên đôi chân tật nguyền của anh Kinh, đè lên chiếc thuyền nan nhỏ mà ngày ngày chị Nguyên đánh lưới ven sông.
Những đứa trẻ mất chỗ dựa
Những đứa trẻ ở đảo Lý Sơn – Ảnh: Trà Giang
Nhà thợ lặn Trần Đình Lộc (47 tuổi) cũng nằm trong con hẻm nhỏ của thôn Tây, xã An Hải. Nhìn cảnh nhà đơn chiếc, anh Lộc đang nằm liệt, nhìn bà mẹ già tóc đã bạc đưa tay nâng phần lưng để anh nằm nghiêng khi có khách vào ai cũng xót lòng. Anh lặn biển và bị tai nạn năm 2006, từ đó bao nhiêu của cải ra đi. Từ khi Lộc bị tai nạn, bốn đứa con anh lâm vào cảnh lam lũ, mất chỗ dựa, hai người con lớn là Trần Đại Biển và Trần Đại Hên tuổi giờ suýt soát 18-20 nhưng đã nghỉ học, sớm đi biển đỡ đần cho mẹ nuôi hai đứa em ăn học. Anh Lộc chép miệng như tự an ủi: “Cảnh như tui ở đảo này vài ba chục người chứ đâu phải ít”.
Đi trên những con đường làng quanh co đất đảo Lý Sơn, dường như ở đâu đó cứ ẩn hiện những bước chân không lành lặn, dáng đi khập khễnh, dấu tròn của đôi nạng gỗ hay vết hằn dài của những bánh xe lăn. Người bị tai nạn còn sống thì chịu những cơn đau âm ỉ, kéo dài. Những người vợ có chồng bị tử nạn thì khóc hết nước mắt, góa bụa, con mồ côi cha.
Đốt mấy nén nhang, chị Bích Hạnh (25 tuổi) ở thôn Đông (xã An Hải) bồng con gái Nguyễn Thị Bích Vi đang học mẫu giáo cố rướn người lên bệ thờ của chùa Từ Quang, nước mắt giàn giụa. Chồng chị, anh Nguyễn Tấn Thành, tử vong năm 2007 trong một lần lặn bắt cá tại vùng biển Trường Sa. “Ảnh mất ngoài biển, bốn ngày sau mới đưa được vào bờ. Cháu Vi mới sinh được một tháng, cha con mới nhìn mặt nhau được một lần” – chị Hạnh nấc nghẹn. Bé Vi còn nhỏ không nhớ mặt cha, thấy mẹ khóc, mắt cứ nháo nhác hết nhìn di ảnh cha lại nhìn mẹ. Anh Thành mất để lại đứa con dại cho chị Hạnh. Tay trắng, không nhà cửa, chị Hạnh về nhà mẹ đẻ tá túc trong cảnh chật chội, nghèo túng. Hàng xóm thương tình cho mượn đỡ căn nhà bên cạnh, chị vừa ở trông nhà giúp vừa làm thêm sào tỏi đắp đổi qua ngày.
Chị Bích Hạnh và con gái trước di ảnh anh Tấn Thành, người đã tử vong trong chuyến lặn biển Trường Sa - Ảnh: Trà Giang
Gia cảnh chị Phạm Thị Khuân còn bi đát hơn. Đã hơn sáu năm nay, hàng xóm bảo chiều nào chị cũng ra bờ kè ngồi trầm ngâm hướng mắt về phía biển, nơi đó không biết vong linh chồng đang phiêu dạt nơi đâu. Chồng mất tích trong một lần lặn biển, để lại chị Khuân và hai con nhỏ. Tay xách nách mang, sáng tinh mơ chị ra đồng cắm cúi trên những thửa ruộng hành, tỏi, bắp, tối lại lụi cụi trong căn nhà ẩm thấp lo cho con. Một mình một bóng, chị cứ thế lặng lẽ nhớ chồng, dồn hết tình yêu thương cho con. “Mong vong linh của anh còn ở đâu đó hãy về với mẹ con em, về với gia đình cho ấm cúng” – chị Khuân lầm rầm khấn.
Chồng chị Ngô Thị Hường là Lê Thành chết ngoài biển do lặn biển, hai đứa con, đứa 5 tuổi, đứa hơn 1 tuổi đã phải cùng mẹ về ở nhà ngoại. “Ở Lý Sơn có hàng trăm trẻ em mồ côi do cha đi lặn biển tử vong. Nước biển Lý Sơn dường như mặn mòi hơn các nơi khác do hòa lẫn với nước mắt của góa phụ, của cha mẹ khóc con, con khóc cha …” – ông Nguyễn Quốc Chinh ngậm ngùi lý giải.