(TSVN) – Nhằm hoàn thiện dự thảo Chiến lược khuyến nông trình Chính phủ phê duyệt, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức Hội thảo “Tham vấn chuyên gia về Dự thảo Chiến lược phát triển khuyến nông Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá cao hoạt động khuyến nông Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong suốt 30 năm qua; nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khuyến nông vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Trong đó phải kể đến như: Cơ chế, chính sách hoạt động chưa đồng bộ, có đổi mới nhưng còn chậm; hệ thống tổ chức thiếu đồng bộ, còn xáo trộn từ Trung ương tới địa phương; chưa có sự thống nhất vai trò, vị trí định hướng hoạt động từ Trung ương đến địa phương, hoạt động nặng về chuyển giao kỹ thuật, chưa chú trọng đến yếu tố kinh tế, thị trường, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống khu vực nông thôn, nâng cao năng lực nông dân. Nguồn lực đầu tư còn hạn chế, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của công tác khuyến nông…
Khuyến nông sẽ tập trung xây dựng các mô hình kiểu mẫu gắn với các sản phẩm chủ lực và liên kết theo chuỗi giá trị. Ảnh: TTKNQG
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến nông đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới, việc xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển khuyến nông Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 là hết sức cần thiết và cấp bách.
Dự thảo Chiến lược đặt ra mục tiêu cụ thể, sẽ củng cố, mở rộng hệ thống khuyến nông nhà nước đảm bảo các địa bàn trên cả nước đều có tổ chức và cán bộ khuyến nông phụ trách. Phát triển khuyến nông cộng đồng đảm bảo 100% xã nông thôn mới có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả theo tiêu chí nông thôn mới. Phát triển lực lượng khuyến nông ở các doanh nghiệp, HTX, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Phát triển khuyến nông điện tử, đến năm 2030: 100% tài liệu khuyến nông được số hóa và phổ biến rộng rãi đến người nông dân. Chuẩn hóa năng lực cán bộ khuyến nông các cấp, đến năm 2030: 100% đội ngũ cán bộ khuyến nông được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ khuyến nông. Nâng cao hiệu quả chuyển giao kỹ thuật trong hoạt động khuyến nông, xây dựng các mô hình khuyến nông kiểu mẫu gắn với các sản phẩm chủ lực và liên kết theo chuỗi giá trị.
Dự thảo Chiến lược cũng xác định 8 định hướng phát triển khuyến nông trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm: Khuyến nông đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo chiến lược phát triển của ngành; Xây dựng, phát triển hệ thống khuyến nông; Hình thành, phát triển khuyến nông số; Phát triển khuyến nông vùng đặc thù và đối tượng đặc thù; Phát triển khuyến nông đô thị; Đẩy mạnh phân cấp trong hoạt động khuyến nông; Phối hợp chặt chẽ công tác nghiên cứu, khuyến nông và đào tạo; Hoàn thiện thể chế, chính sách về khuyến nông.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho Dự thảo Chiến lược; trong đó nhấn mạnh, trách nhiệm của khuyến nông rất lớn lao giúp nhiều thế hệ nông dân ấm no, đóng góp to lớn để ngành nông nghiệp phát triển khởi sắc như ngày nay.
TS Phan Huy Thông, nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị, hoạt động khuyến nông lấy nông dân làm chủ thể, phối hợp đa dạng lực lượng, khuyến nông nhà nước đóng vai trò nòng cốt để huy động tổng hợp sức mạnh của khuyến nông cộng đồng, khuyến nông tự nguyện, khuyến nông an sinh cho người nghèo, khuyến nông cho người khá, giàu. Xây dựng lực lượng khuyến nông tinh gọn, hiệu quả, có năng lực trình độ, liên kết chặt chẽ giữa hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật với công tác khuyến nông.
TS Phạm Quốc Doanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Văn phòng Chính phủ cũng đề nghị, cần đa dạng hóa hình thức, đối tượng, nội dung phương thức hoạt động, huy động tối đa nguồn lực khuyến nông. Tập trung các chương trình dự án lớn và quan trọng, nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, đủ điều kiện xuất khẩu. Đồng thời, thực hiện chương trình khuyến nông đặc thù, khuyến nông điện tử, nhằm tạo thuận lợi cho mọi đối tượng được tiếp cận, tiếp nhận nội dung khuyến nông. Đối tượng khuyến nông đa dạng gồm: nhóm hộ gia đình, cá nhân, HTX, các trang trại quy mô nhỏ, quy mô vừa và lớn, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức quốc tế.
Ngoài ra, còn một số ý kiến về địa bàn khuyến nông, nên thiết kế hệ thống khuyến nông đặc thù phù hợp cho các vùng khác nhau như đô thị, đồng bằng, miền núi, biên giới – hải đảo, bao gồm cả bộ máy, chính sách, thể chế, nội dung và phương pháp khuyến nông. Cần xây dựng và đánh giá các mức độ cung cấp dịch vụ phù hợp cho từng đối tượng ở các địa bàn khác nhau, đặc biệt quan tâm đến người dân tộc thiểu số, vấn đề bình đẳng giới trong hoạt động khuyến nông. Tương ứng với các đối tượng có thể hình thành các nhóm khuyến nông chuyên sâu, chuyên ngành…
Ngọc Diệp