T2, 06/07/2020 10:36

An Giang: Chợ quê mùa nước nổi

Chưa có đánh giá về bài viết

Giữa mùa nước nổi, các hoạt động giăng câu, giăng lưới, đặt lờ, đặt lọp… trở nên nhộn nhịp, cung cấp nguồn sản vật phong phú về các chợ đầu mối trung tâm thị trấn, thị tứ ở miệt cù lao, ven sông Hậu đến khu vực Tứ giác Long Xuyên. Bởi lẽ, khi mực nước phân đồng cũng là lúc sản vật lớn lên theo triều cường, với nhiều chủng loài sinh sản rất đa dạng.

Món ngon đưa về thành thị

Mùa nước, sinh hoạt các chợ ở Vĩnh Nhuận (Châu Thành), Mỹ Phú Đông, Ba Thê (Thoại Sơn)… vẫn đông đúc, gắn bó với đặc trưng “tự cung – tự cấp” của quá trình hình thành vùng đất và nhu cầu lập nghiệp của người dân khắp nơi. “Ở đâu quen đó, mỗi nơi đều có đặc thù riêng. Cuối nguồn cũng có cái hay của cuối nguồn, như chợ Kênh Đào này chẳng hạn” – ông Trần Văn Bảo (ở khu vực Đá Nổi, xã Phú Thuận) tỏ vẻ am hiểu. Mùa nước nổi năm nay, cánh đồng Phú Thuận có làm lúa vụ 3, vừa nuôi tôm lại vừa có xả lũ… xen kẽ. Dựa vào đó, người dân tha hồ đánh bắt thủy sản, tìm đủ cách mưu sinh… trong 3 tháng cao điểm.

Xét về vị trí, địa lý thì Phú Thuận lưu thông được tất cả các ngã, như Phú Hòa đi Long Xuyên và trở xuống số 6 lộ Cái Sắn. Nhờ vậy, chợ Kênh Đào (xã Phú Thuận) thu hút người dân mua bán tấp nập. “Cậu muốn ăn đồ ngon phải đi từ hai – ba giờ, chớ sáng thiệt mặt thì chỉ còn cá hủn hỉn không hà” – bà Nguyễn Thị Ba (người dân chợ Kênh Đào) thông tin. Do giá cả ngày càng tăng cao, làm ra được con cá ai nấy cũng đều muốn bán để lấy tiền xoay sở cho gia đình, ít người để lại ăn! Rồi, bạn hàng từ Long Xuyên, Phú Hòa… đổ xô vô mua, họ cân xong là quay về ngay cho kịp buổi chợ. Với một chiếc xe Honda, chở 2 giỏ xách, bữa nào gom được vài chục ký, nào là cá lóc, lươn, ếch… đưa về Long Xuyên sẽ kiếm lời được bộn. Thuận mua vừa bán, người làm nghề đồng nước cảm thấy thoải mái, khỏi phải đợi chờ, kèn cựa giá cả phiền phức.

Với cách mua nhanh, bán nhanh và vận chuyển cũng nhanh, khiến mấy tay giăng lưới, đặt lờ, đặt lọp… trên các ngã kênh đều khoái chí. “Ai cũng vậy. Hễ mần ra con cá đều muốn bán liền, còn trở về nhà lo đủ thứ công chuyện và chăm sóc con cái nữa, hơi sức đâu mà chờ đợi” – anh Đỗ Văn Thắng (ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Nhuận) thiệt tình. Diện tích đồng ruộng ở Vĩnh Nhuận cơ bản sản xuất lúa vụ 3, nhưng cá không thiếu, người đánh bắt từ các nơi đưa về, chợ Vĩnh Nhuận vẫn nhóm sung túc. “Chỉ có điều, là mấy món ngon thì hơi ít và hiếm thấy, nhất là con cua gần như… vắng mặt trong các buổi chợ mùa nước nổi năm” – anh Thắng nói.


Miền núi vẫn có cá đồng

Thời điểm này, dạo quanh các chợ nhỏ lẻ trong phum, sóc và ven chân núi ở Tri Tôn, Tịnh Biên không thiếu sản vật của mùa nước nổi.  Có đủ bông súng, bông điên điển, rau nhút, cá, cua, ốc, lươn, rắn, ếch, nhái… của người đồng bằng nuôi trồng hoặc đánh bắt đưa lên. Bà Nguyễn Thị Bảy (hàng quán chợ Cây Me, núi Tượng) cho hay, hàng ngày cứ khoảng trưa trưa là chợ này bắt đầu nhóm buổi chiều, muốn mua thứ gì cũng có; bạn hàng từ miệt Vĩnh Điều, Vĩnh Gia, Lạc Quới đưa cá mắm về đây và đổi lại là  mấy thứ hàng bông, nhu yếu phẩm, bách hóa tổng hợp… chở về khu vực biên giới. Trên địa bàn Ba Chúc có hàng trăm chiếc xe Honda hành nghề “thồ hàng” theo buổi chợ, tạo ra công ăn việc làm và cải thiện thu nhập cho gia đình. Người dân núi Tượng bảo rằng, đó là sức sống trong những năm xây dựng và phát triển thị trấn Ba Chúc.

Thời điểm trồng trọt, thu hoạch hàng nông sản miền núi cũng là lúc mùa nước nổi ở đồng bằng. Chợ Chi Lăng, Tri Tôn, Nhà Bàng… còn trở thành đầu mối cung cấp hàng hóa trong vùng và chi phối ngay cả khu vực Vàm Rầy, Hòn Đất, Ba Hòn, Hà Tiên. Theo ước tính của người dân xứ núi, mỗi ngày toàn vùng cung cấp hàng chục tấn nông sản cho khắp nơi. “Nông sản miền núi khác với đồng bằng, trồng những loại ăn củ, ăn trái là phần lớn, còn các loại rau ăn lá thì rất ít do điều kiện nước tưới” – anh Trần Văn Chưa (ấp Thalot, xã An Hảo) cho biết. Do vậy, chợ quê mùa nước ở miền núi khác với đồng bằng, tạo ra sự cung – cầu hài hòa giữa các khu vực, không có trường hợp thiếu hàng hay khan hiếm hàng hóa. Các mặt hàng sản vật đồng nước, đâu đâu cũng tới, chỉ có điều món ngon, vật lạ ít hơn so trước đây.

Mùa nước nổi, người dân miệt vườn thường trồng trọt các loại rau màu và các loài cây thủy sinh hoặc nuôi cá lóc, cá rô, nuôi lươn, nuôi ếch… tạo thêm nguồn thủy sản dồi dào, bên cạnh việc đánh bắt thiên nhiên. Ông Đào Văn Sơn (núi Ba Thê) bảo rằng, sản vật phong phú dữ lắm, nhưng còn chủng loài gần như thiếu vắng một số loài, như: Ếch, lươn, rắn… đâu phải kiếm dễ như hồi trước. Một phần, do sản lượng ít, một phần do bạn hàng đến tận nơi thu gom đem về chợ lớn.

Trọng Ân

Báo An Giang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!