T2, 06/07/2020 10:01

An Giang dồn lực xây dựng Nông thôn mới

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Tỉnh An Giang đã đề ra mục tiêu xây dựng NTM được ưu tiên hàng đầu, phấn đấu đến năm 2015 có tối thiểu 25% số xã đạt tiêu chí NTM (34/120 xã). Phóng viên Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Ngọc Phả, Phó giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, thành viên Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM của tỉnh (ảnh).

Thưa ông, kế hoạch xây dựng chương trình NTM của An Giang năm 2012 như thế nào?

Năm 2011, An Giang đã thực hiện xong quy hoạch theo đề án về đất đai và cơ sở hạ tầng ở cấp xã. Chúng tôi thống nhất ưu tiên hàng đầu thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM không cần vốn đầu tư, đồng thời thực hiện song hành những tiêu chí có đầu tư. Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, có một số tiêu chí không cần đầu tư; chỉ cần tổng hợp lực lượng chủ yếu là nông dân là có thể thực hiện hoàn thành tiêu chí này.

Từ đầu năm 2012 đến nay, việc xây dựng NTM ở An Giang đã đi vào bài bản. Chúng tôi đi cơ sở kiểm tra thường xuyên nhằm đẩy mạnh tiến độ xây dựng NTM ở 34 xã điểm của tỉnh chọn và 57 xã điểm của huyện chọn. Nhưng kinh phí của Trung ương tập trung ưu tiên cho những xã của tỉnh chọn để đầu tư sớm hoàn thành chỉ tiêu đưa ra, sau đó mới tập trung tiếp các xã điểm của huyện chọn. Từ đó mới rút kinh nghiệm và nhân rộng ra các xã còn lại ở trong tỉnh để xây dựng NTM dễ dàng hơn.

 

Trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, An Giang có thế mạnh ở những tiêu chí nào?

Tính đến thời điểm hiện nay, An Giang có thế mạnh trong bộ tiêu chí xây dựng NTM là KH-KT trong nông nghiệp và tiêu chí không cần vốn đầu tư. Hiện nay, An Giang có hơn 200 tổ hợp tác nhân lúa giống. Còn những tiêu chí khác như môi trường, nước sạch, thủy lợi chúng tôi cũng làm rất mạnh. Mấy năm qua An Giang đẩy mạnh đầu tư giao thông nội đồng. Đây được xem là những tiêu chí xây dựng NTM rất rõ nét và người dân hết sức ủng hộ.

Đường giao thông nông thôn ở An Giang cả xe 2 bánh và 4 bánh đều đến tận nhà dân

Cụ thể, đường nước nội đồng đã thông thoáng để lấy nước ra vào đồng ruộng, kế đến là áp dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng để đưa sản phẩm như lúa, hoa màu và thủy sản từ ngoài đồng về nhà rất thuận lợi, giảm được kinh phí và đỡ mất thời gian.

 

Còn những tiêu chí nào mà An Giang gặp khó, cần thời gian phấn đấu, thưa ông?

Theo tôi, khó nhất là tiêu chí về giáo dục, đòi hỏi trường đạt chuẩn rất khó, cái khó tiếp theo đó là mặt bằng. Ví dụ trường tốt rồi, đòi hỏi diện tích mặt bằng, việc giải tỏa đền bù mở rộng rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Còn những tiêu chí khác như xây nhà văn hóa ở cấp ấp ở An Giang, theo tôi cũng không phù hợp. Vì hiện nay trong tỉnh rất thông thương, xe máy có thể đi đến tận nhà. Ấp ở ĐBSCL rộng lớn gần bằng xã ở ngoài phía Bắc, người dân muốn làm thủ tục gì chỉ cần lên xe máy chạy chưa đầy 5-10 phút là đến nơi. Như vậy để xây dựng nhà văn hóa ở cấp ấp thì không cần thiết lắm.

Kế đến là tiêu chí về xây dựng nghĩa trang, An Giang là vùng đặc thù ở ĐBSCL, đất đai thấp cộng thêm hàng năm có nước lũ đỗ về từ thượng nguồn làm nhà cửa và ruộng vườn đều ngập. Nên việc xây dựng nghĩa trang đạt theo tiêu chuẩn trong 19 tiêu chí thì An Giang khó thực thi.

Cái khó ở đây là những nơi đầu nguồn như huyện An Phú, Tân Châu, Châu Đốc… không có quỹ đất, cộng thêm chi phí tôn nền, giải phóng mặt bằng. Nhưng để phấn đấu làm ở tiêu chí này thì tỉnh cũng làm được nhưng không cấp bách. Tiêu chí vệ sinh môi trường nhà sàn trên sông rạch cũng gặp khó. Mặc dù tỉnh có đề án giải tỏa nhà trên sông rạch, nhưng không có kinh phí riêng mà phải lồng ghép với các chương trình của Trung ương như xây nhà trên cụm tuyến dân cư vượt lũ, mới đưa người dân vào đó sinh sống…

 

An Giang có gặp khó khăn trong khâu giải ngân vốn từ Trung ương đưa về để đầu tư xây dựng NTM, thưa ông ?

Vốn đưa về An Giang năm nay không gặp khó khăn lắm nhưng hơi chậm so với các năm trước, trong 2012 vốn Trung ương đầu tư cho tỉnh trên 57 tỷ đồng để tập trung xây dựng NTM. Nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng NTM. Trong quá trình xây dựng, các tiêu chí nào khó về vốn, tỉnh chỉ đạo tạm ứng nguồn ngân sách đối ứng tỉnh trước hoặc tập trung xây dựng các chỉ tiêu NTM không cần vốn đầu tư. Từ đó mới đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chỉ tiêu xây dựng NTM của tỉnh sớm về đích.

 

Còn kinh phí, ngoài vốn ngân sách, sự huy động các nguồn vốn khác ở An Giang có khó không?

Tùy theo từng trường hợp các ngành khác cũng tranh thủ các dự án từ bên ngoài. Riêng ngành nông nghiệp, An Giang đã kết hợp nhiều chương trình của các dự án nông nghiệp trong và ngoài nước để góp phần xây dựng NTM sớm hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Nhất là các chương trình quốc tế, tập huấn nông dân nâng cao năng lực tay nghề như “1 phải 5 giảm”. Ngành nông nghiệp làm khá thuận lợi, về phía bộ, ngành cũng ủng hộ tối đa về các dự án nông nghiệp. Xu hướng hiện nay các chương trình nước ngoài họ giảm bớt đầu tư trực tiếp mà đầu tư bằng cách nâng cao năng lực tay nghề của bà con nông dân trong canh tác nông nghiệp.

 

Việc triển khai xây dựng NTM ở các vùng có đông đồng bào dân tộc như thế nào, thưa ông?

Nói chung việc triển khai xây dựng NTM ở vùng dân tộc lồng ghép với Chương trình 135, được bà con ủng hộ rất cao và đồng tình, sẵn sàng hiến đất để xây dựng đường giao thông NTM. Việc đầu tư đường xá ở vùng dân tộc rất thuận lợi vì vùng này là vùng đồi núi, nền đất rất cứng hơn so với vùng ở đồng bằng.  Đầu tư về cơ sở hạ tầng giảm được phần chi phí  rất lớn. Con em dân tộc Khmer trong tỉnh cũng được nâng cao học vấn, đạt trình độ cao đẳng và đại học mỗi năm đều tăng.

Trân trọng cảm ơn ông!

>> Phấn đấu đến năm 2015, An Giang có tối thiểu 25% số xã đạt tiêu chí NTM (34/120 xã). Đến năm 2020 có tối thiểu 50% số xã (60/120 xã). Năm 2012, An Giang có 3 xã đạt trên 15 tiêu chí, chiếm 2,21%; 6 xã đạt trên 13 tiêu chí, chiếm 4,41%; 21 xã đạt từ 11-12 tiêu chí, chiếm 15,44%; số xã còn lại đạt từ 7-10 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM. 

Lê Hoàng Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!