Ảnh hưởng của tần suất và thời điểm cho ăn đến tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn ở cá da trơn (catfish)

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm gần đây, đã có nhiều công trình nghiên cứu về chế độ ăn cho cá da trơn. Việc tìm hiểu và đánh giá các xu hướng từ nhiều kết quả nghiên cứu để có một cái nhìn tổng quan xác thực, từ đó đề ra các mô hình chăm sóc cụ thể giúp cá tăng trưởng tối ưu là một điều cần thiết.

Dưới đây là một số kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của tần suất và chế độ cho ăn tới sinh trưởng của cá da trơn.

Giai đoạn ương nuôi giống

Thí nghiệm đầu tiên là trên cá trê phi của Hosain và cs (2001), thực hiện trên bể kính 40 lít với mật độ 25 con/bể; cỡ cá ban đầu nhỏ (0,9 – 1 g/con), thời gian ương nuôi là 25 ngày. Có 5 nghiệm thức khác nhau như bảng 1. Kết quả thí nghiệm cho thấy, FCR và tăng trưởng của cá ở nghiệm thức thứ 5 (2 lần/ngày) đạt kết quả tối ưu (bảng 1), FCR đạt thấp nhất là 0,84 và tăng trưởng của cá đạt mức tối ưu (P < 0.05) là 10,12 g so các nghiệm thức còn lại.

Bảng 1. Ảnh hưởng của tần suất và thời điểm cho ăn đến tốc độ tăng trưởng và FCR của cá da trơn giai đoạn ương nuôi giống

Nghiên cứu tiếp theo cũng trên cá trê phi (Calarias gariepinus) là của Ajani và cs (2010), cá trê phi có khối lượng trung bình 3 g/con với các tần suất và thời điểm cho ăn khác nhau: 1 lần/ngày (9h); 2 lần/ngày (9h, 14h); 3 lần/ngày (9h, 14h, 18h). Cá nuôi trong bể kính có thể tích 30 lít trong 24 ngày, mật độ 20 con/bể; lặp lại 2 lần với việc sử dụng thức ăn viên dạng nổi ở 3 bể đầu, sử dụng thức ăn chìm ở 3 bể sau.

Kết quả thí nghiệm cho thấy, ở tất cả các bể đều có hệ số thức ăn FCR rất cao (> 2,5). FCR thấp nhất là 2,50 + 0,06 ở bể cho ăn thức ăn viên dạng nổi với tần suất cho ăn 3 lần/ngày. FCR cao nhất ở bể cho ăn 1 lần/ngày, sử dụng dạng thức ăn chìm (FCR= 2,92 + 0,01). Nếu không xét yếu tố thức ăn viên nổi hoặc chìm thì việc cho cá ăn 1 lần/ngày cho tăng trưởng thấp nhất và FCR cao nhất; việc cho cá ăn 2 lần/ngày nhìn chung là tốt hơn cả về sinh trưởng và FCR của cá so với việc cho ăn 1 lần/ngày hay 4 lần/ngày. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê không thấy rõ khi cho cá ăn hai hay ba lần trong ngày nhưng hiển nhiên là việc cho cá ăn 2 lần/ngày sẽ tốt hơn cho người nuôi.

Ngoài ra, kết quả bảng 1 cũng cho thấy, thức ăn viên chìm cho tăng trưởng chậm và FCR cao hơn thức ăn nổi. Nguyên nhân có thể là do cá quá bé (khoảng 3 g/con), hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện nên khả năng thu nhận, tiêu hóa được thức ăn dạng viên chìm kém dẫn đến hệ số thức ăn của cá ở tất cả các bể sử dụng thức ăn chìm vẫn rất cao.

Giai đoạn nuôi thương phẩm


Nghiên cứu của Andrews và cs (1975) trên cá nheo Mỹ được tiến hành với cỡ cá thả ban đầu là 53 g/con, thí nghiệm trong 30 ngày với mật độ 50 con/bể, nuôi trên bể composite thể tích 3 m3 với 5 nghiệm thức khác nhau. Nghiệm thức (NT) NT1: Cho ăn bằng tay, tần suất 2 lần/ngày (8h, 16h30); NT2: Cho ăn bằng tay, tần suất 4 lần/ngày (8h, 11h, 14h, 16h); NT3: Cho ăn bằng máy, tần suất 24 lần/ngày, mỗi lần cho ăn cách nhau 1h; NT4: Cho ăn bằng máy, tần suất 8 lần/ngày, mỗi lần cho ăn cách nhau 3h. NT5: Cho ăn bằng máy, tần suất 4 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 6h.

Các kết quả ở bảng 2 cho thấy, nhìn chung cả về tăng trưởng và FCR, việc cho ăn 4 lần/ngày đạt kết quả tốt hơn là cho ăn 2 lần ngày hay cho ăn trên 4 lần/ngày. Hơn nữa, việc cho ăn bằng tay là có hiệu quả hơn so cho ăn bằng máy. Điều này dễ dàng lý giải, bởi khi cho ăn bằng tay thì chủ động được trong quản lý thức ăn; khi cho ăn bằng máy, mọi cơ chế đều được lập trình tự động, đúng thời gian đó máy sẽ nhả thức ăn. Vì vậy, việc cho ăn bằng máy làm thất thoát nhiều thức ăn chẳng hạn như khi cá bệnh chán ăn, khi cá nghỉ… lượng thức ăn dư thừa là rất lớn, hệ số thức ăn cao hơn khi cho ăn bằng tay. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng chậm ở các bể cá cho ăn bằng máy.

Nghiên cứu tiếp theo của A.Z.Aderolu và cs (2010), cá tra được nuôi trong bể kính 30 lít với cỡ ban đầu khoảng 34 g/con, mật độ 70 con/bể, 4 nghiệm thức là 4 tần suất và thời điểm cho ăn lần lượt là: 1 lần/ngày, 2 lần/ngày, 3 lần/ngày, 4 lần/ngày. Kết quả cho thấy, FCR ở các nghiệm thức là tương đối thấp, cao nhất cũng chỉ đạt FCR = 1,07 ở tần suất 1 lần/ngày; FCR = 0,66 là thấp nhất ở thí nghiệm cho ăn 3 lần/ngày. Ngoài ra, khi nuôi cá trê phi ở giai đoạn cá nhỏ (khoảng 34 g/con) thì khả năng thu nhận thức ăn của cá sẽ cao hơn, dẫn đến hệ số thức ăn FCR thấp. Tuy nhiên, về chỉ tiêu tăng trưởng thì ở nghiệm thức cho ăn 4 lần/ngày lại là cao nhất (97,8 g/con), tăng trưởng chậm nhất ở nghiệm thức cho ăn 1 lần/ngày (46,2 g/con). Ở NT4 (cho ăn 4 lần/ngày) và NT3 (cho ăn 3 lần/ngày), thời điểm bắt đầu cho ăn trong ngày là 8h và 9h, tương ứng thời điểm bữa ăn cuối trong ngày là 17h và 16h. Đây là những thời điểm thích hợp nhất cho cá bắt mồi, nên cá ăn nhanh và nhiều hơn, tiêu hóa tốt và sinh trưởng nhanh.

Một nghiên cứu nữa trên cá tra lai là loài lai giữa Heterobranchus bidorsalis và Calarias gariepinus của Obe, Bernadine và cs (2014). Cỡ cá giống cấp 2, sử dụng bể kính 50 lít để nuôi thí nghiệm trong 70 ngày, kích cỡ giống ban đầu là 14,5 g/con, mật độ 80 con/bể, với 4 nghiệm thức (bảng 2). Kết thúc thí nghiệm, thu được chỉ số FCR tương đối cao (trên 2). FCR = 2,315 là cao nhất ở nghiệm thức cho ăn 3 lần/ngày, cá nuôi ở nghiệm thức này cũng tăng trưởng kém nhất (89,25 g/con). Ở nghiệm thức cho ăn 1 lần/ngày, FCR nhỏ nhất (2,065), tuy nhiên tăng trưởng nhanh nhất là ở nghiệm thức cho ăn 2 lần/ngày (117,75 g/con). Kết quả này cho thấy, cá có cỡ ban đầu rất nhỏ (14 – 14,75 g) nên khi cho ăn nhiều lần trong ngày, cá sẽ tốn nhiều năng lượng để di chuyển lấy thức ăn hoặc cạnh tranh với các cá thể khác. Vì vậy, lượng thức ăn cá thu nhận vào là rất ít, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng hệ số thức ăn FCR của cá tra lai.

PGS.TS Trần Thị Nắng Thu - Khoa Thủy sản - Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!