(TSVN) – Những năm gần đây, tỉnh Bắc Ninh đã phát triển khá mạnh mẽ nghề nuôi cá lồng trên sông và trong hồ chứa. Đây được xem là hướng đi hiệu quả để người dân có thu nhập ổn định, bền vững.
Thời gian qua, nghề nuôi cá lồng trên sông ở Bắc Ninh đã trở thành nghề sản xuất chính và đang dần chuyển sang sản xuất hàng hóa, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, mức sống của cộng đồng người dân vùng ven sông. Theo tính toán, lợi nhuận một lồng nuôi cá điêu hồng đạt được 40 – 60 triệu đồng/vụ; cá nheo Mỹ 100 – 120 triệu đồng/lồng/vụ; cá chép giòn 150 – 180 triệu đồng/lồng/vụ; cá tầm 180 – 200 triệu đồng/lồng/vụ… Hiện nay, cá lồng của Bắc Ninh không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh mà còn được tiêu thụ mạnh tại nhiều thị trường lớn như Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng…
Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có khoảng 2.629 lồng nuôi cá trên sông. Ảnh: ST
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bắc Ninh, tỉnh hiện có 72 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trong ao đất có diện tích từ 10 ha trở lên với tổng diện tích hơn 1.300 ha tập trung ở các huyện Lương Tài, Gia Bình, Quế Võ… Riêng nuôi cá lồng trên sông có 29 điểm thuộc 11 xã của 6 huyện trong tỉnh. Tính đến hết tháng 2/2024, số lượng lồng nuôi trên sông đạt 2.629 lồng, tăng 5,8% so cùng kỳ năm 2023 (tăng 144 lồng), trong đó huyện Lương Tài 61 hộ với 817 lồng; huyện Gia Bình 57 hộ với 808 lồng; thị xã Thuận Thành 11 hộ với 276 lồng; thị xã Quế Võ 25 hộ với 630 lồng… Cá được nuôi lồng trên hệ thống sông Thái Bình 817 lồng, sông Đuống 1.846 lồng và sông Cầu 36 lồng. Cơ cấu đàn cá thả nuôi tiếp tục được đầu tư theo hướng thâm canh đối tượng cá có năng suất, giá trị kinh tế cao như: cá chép lai, rô phi, điêu hồng, cá nheo Mỹ (cá lăng đen), cá tầm… nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích thả nuôi.
So với nuôi cá thâm canh ao đất, nuôi cá lồng trên sông đòi hỏi vốn đầu tư cao, hiểu biết về khoa học kỹ thuật nhất là kinh nghiệm đánh giá nguồn nước… Do đó, để hỗ trợ người dân nuôi cá lồng, những năm qua, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bắc Ninh đã triển khai, thực hiện và nghiệm thu 3 mô hình (chuyển tiếp năm 2022): Nuôi cá chép Séc thương phẩm trong lồng trên sông Đuống; Nuôi cá điêu hồng (Oreochoromis sp) bằng lồng trên sông đạt an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh; Xây dựng mô hình nuôi ghép cá ngạnh sông và trắm đen trong lồng trên sông Đuống. Cùng với đó, Chi cục đã tổ chức thực hiện, nghiệm thu đánh giá đề tài: “Thử nghiệm nuôi thương phẩm cá chình hoa (Anguilla armorata) bằng lồng trên sông Đuống tại tỉnh Bắc Ninh”; Xây dựng đề tài khoa học năm 2023 – 2024: “Thử nghiệm phác đồ phòng, xử lý bệnh KHV (Koi Herpesvirus Disease) trên cá chép nuôi lồng, ao đất tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh”.
Ngoài ra, Chi cục đã chủ trì, phối hợp xây dựng mô hình khuyến nông: “Nuôi thương phẩm cá chình hoa (Anguilla armorata) trong ao đất tại tỉnh Bắc Ninh”; “Nuôi thương phẩm cá ngạnh trong ao đất” để trình UBND tỉnh phê duyệt thực hiện trong năm 2024.
Theo đánh giá của ngành chức năng, so với cách nuôi cá truyền thống (nuôi cá thâm canh trong ao đất) thì nuôi cá lồng trên sông có nhiều thuận lợi như việc chăm sóc, quản lý, thu hoạch… Năng suất cá nuôi lồng cao hơn rất nhiều, hiệu quả kinh tế đem lại cũng cao hơn. Tuy nhiên, việc phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông cũng đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, cần quan tâm nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường để bảo đảm phát triển bền vững.
Để giải quyết vướng mắc trên, thời gian tới, ngành thủy sản tập trung triển khai giám sát quy hoạch vùng nuôi an toàn, từ khâu chọn địa điểm đến hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi cá lồng trên sông. Đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học để giải quyết các vấn đề dịch bệnh, các tác động giữa nuôi cá lồng với môi trường sinh thái, loại bỏ sử dụng hóa chất và thuốc kháng sinh trong sản phẩm nuôi. Khuyến cáo các hộ nuôi hạn chế việc sử dụng hóa chất, sử dụng cá tạp làm thức ăn, quản lý việc thuốc kháng sinh trong nuôi cá lồng, kiên quyết xử lý theo pháp luật đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không tuân thủ theo quy định.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả, ngành chức nắng sẽ phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ của tỉnh trong nuôi trồng thủy sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường hỗ trợ, chuyển giao các kỹ thuật mới, khuyến khích đưa các giống cá có năng suất, chất lượng cao, dễ tiêu thụ, sạch bệnh vào nuôi trồng; xây dựng, mở rộng các chuỗi liên kết, tiêu thụ thủy sản, truy xuất nguồn gốc… qua đó, góp phần tăng năng suất, sản lượng thủy sản, nâng cao thu nhập cho các hộ nuôi trồng thủy sản.
>> “Sản xuất thủy sản, đặc biệt là nuôi cá lồng trên sông tiếp tục đóng vai trò quan trọng làm tăng sản lượng thủy sản của tỉnh Bắc Ninh, nhất là tại các xã ven sông… đã góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống cho các hộ nuôi trồng thủy sản. Một số địa phương đã xác định nuôi thủy sản là mũi nhọn phát triển kinh tế của xã, do vậy tạo điều kiện về kinh phí, chính sách để phát triển”, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bắc Ninh nhận định.
Thái Thuận