Những năm gần đây, ngành tôm Bangladesh chồng chất khó khăn, trong đó có tác động của đại dịch COVID-19. Đơn cử, năm tài khóa 2022 – 2023, xuất khẩu tôm đạt kim ngạch 300 triệu USD, giảm 107 triệu USD so năm trước. Năm nay, xuất khẩu tôm vẫn bấp bênh và chưa có […]
Những năm gần đây, ngành tôm Bangladesh chồng chất khó khăn, trong đó có tác động của đại dịch COVID-19. Đơn cử, năm tài khóa 2022 – 2023, xuất khẩu tôm đạt kim ngạch 300 triệu USD, giảm 107 triệu USD so năm trước. Năm nay, xuất khẩu tôm vẫn bấp bênh và chưa có dấu hiệu hồi phục.
Tôm càng xanh ngày càng được quan tâm tại Bangladesh. Ảnh: AsiaAquaculture
Giữa tình thế bất ổn, một số địa phương, điển hình là huyện Satkhira có chuyển biến tích cực. Địa phương này ở ven biển phía Nam Bangladesh, chiếm 70% sản lượng tôm của cả nước và là nơi sở hữu rừng ngập mặn Sundarbans lớn nhất thế giới.
Mặc dù nghề nuôi tôm sú vẫn đang chiếm ưu thế tại Satkhira, nhưng tôm càng xanh cũng ngày càng được quan tâm và trở thành tia hy vọng cho xuất khẩu. Trong năm tài khóa 2023 – 2024, xuất khẩu tôm càng xanh của huyện Satkhira tăng vọt 4,8 triệu USD so năm trước, đạt 7 triệu USD. Thành quả này nhờ địa phương tăng sản lượng tôm càng xanh thêm 1.000 tấn và đã thu hoạch 10.000 tấn. Xu hướng gia tăng được dự báo còn tiếp diễn đối với cả sản xuất và xuất khẩu.
Phòng thủy sản huyện Satkhira cho biết, nhiều nông dân đã bỏ tôm sú – đối tượng phổ biến, để chuyển sang tôm càng xanh. Theo các hộ nuôi, tôm sú có tỷ lệ nhiễm virus và bệnh truyền nhiễm cao, chẳng hạn dịch bệnh tôm chết sớm và hội chứng đốm trắng.
Từ năm 2020, sản lượng tôm sú ở Bangladesh rất thấp do hạn hán, lũ lụt và dịch bệnh bùng phát. Nhiều trại tôm sú quy mô nhỏ đã phá sản do thua lỗ. Trong khi đó, tôm càng xang mang lại lợi nhuận cao hơn do tỷ lệ mắc bệnh ít hơn tôm sú, và có thể nuôi ghép với nhiều loài nước ngọt khác như cá chép. Hiện, tổng diện tích nuôi tôm càng xanh ở Satkhira đạt 20.000 ha với 7 vùng nuôi, tăng 2.000 ha so với vụ trước.
Golam Mostafa, một nông dân có thâm niên nuôi tôm càng xanh ở Raichpur, huyện Satkhira, chia sẻ, vụ nuôi tôm càng xanh năm nay đạt 4 ha đã mang lại lợi nhuận 7.300 USD, vượt xa thu nhập 5.500 USD của vụ trước. Nhận thấy tôm càng xanh bán được giá, Mostafa dự kiến mở rộng diện tích nuôi trong thời gian tới.
Lo ngại lớn nhất hiện nay của người nuôi tôm càng xanh ở Bangladesh là nguồn cung tôm giống (PL). Lệnh hạn chế thu mua tôm giống từ các con sông hoặc rừng Sundarbans, cộng với sự tràn vào của tôm giống nhập khẩu trái phép từ Ấn Độ, đã gây ra tình trạng cầu vượt cung. Do đó, cải thiện chất lượng và nguồn cung tôm giống là nhiệm vụ cấp bách để phát triển ngành tôm càng xanh Bangladesh. Hiện, nông dân tại đây đang kêu gọi chính phủ xây dựng trại sản xuất tôm giống để cung ứng tôm PL sạch bệnh với giá cả phải chăng.
Theo Tiến sĩ Kanir Chowdhury, Giám đốc Công ty Jefo Nutrition của Canada ở khu vực Đông Nam Á, Bangladesh là nước sản xuất tôm càng xanh lớn thứ hai thế giới với sản lượng 58.680 tấn vào năm 2021, tăng mạnh so mức 34.862 tấn của năm 2015. Ông cho rằng, ngành tôm càng xanh Bangladesh nên tận dụng những bước tiến của công nghệ RAS để phòng tránh dịch bệnh, đồng thời thiết lập hệ thống ương RAS trung gian với đầu vào năng lượng và chi phí thấp để mở thêm cơ hội cho các hộ nuôi quy mô nhỏ vùng nông thôn ở Bangladesh.
Theo định hướng của các chuyên gia, Bangladesh cũng đặt mục tiêu cải thiện di tuyền, áp dụng công nghệ ương dưỡng chi phí thấp, sản xuất tôm đơn tính kết hợp nâng cao công nghệ nuôi để tăng gấp đôi sản lượng tôm càng xanh trong 5 năm tới.
Tuấn Minh
(Theo AsiaAquaculture)