Cách đây hơn 10 năm, nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên các hệ thống kênh, rạch nội đồng nhiều vô kể, những người dân không có ruộng đất nhiều chỉ cần có cái cần câu, tấm lưới là có thể sống khỏe với nghề sông nước.
Thế nhưng, những gần năm đây nguồn lợi thủy sản tự nhiên giảm mạnh qua từng năm một cách đáng báo động. Vì vậy, nếu không thực hiện ngay các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên nội đồng từ lúc này chắc chắc các thế hệ sau chỉ có thể hình dung các loài tôm, cá tự nhiên mà ông cha vẫn thường đánh bắt trên các kênh, rạch qua các câu chuyện kể hay thơ ca.
Khai thác cá bằng dụng cụ hủy diệt, nguồn thủy sản cạn kiệt
Những ngày này đi về vùng trũng của các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành của tỉnh Tiền Giang không khó thấy các dụng cụ bắt tôm, cá của ngư dân ven theo các hệ thống kênh rạch nội đồng. Tuy nhiên, bên cạnh các phương tiện đánh bắt còn đang hoạt động thì vẫn có nhiều dụng cụ bị bỏ hoang do nghề bắt cá nội đồng không còn nuôi sống được những ngư dân sinh sống trên bọt nước này.
Ông Phan Duy Trinh, người sinh sống bằng nghề đặt dớ ở xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước (Tiền Giang) cho biết: “Năm nay cá rất hiếm, ít hơn mọi năm nhiều lắm. Nước cũng về ít, đặt dớ không đủ ăn. Nguyên nhân do người dân dùng điện bắt cá nhiều quá, gây chết từ cá mẹ đến cá con, không còn mầm móng nào sống sót thì sau này không còn cá để bắt ăn cũng như sinh sống. Theo đó, ông Trinh đề xuất: “Chính quyền địa phương cần có biện pháp tuyên truyền, kiểm tra xử lý triệt để các trường hợp bắt cá bằng xiệt điện, bởi mỗi đêm khu vực này có đến 3-4 xuồng bắt cá bằng dụng cụ này”.
Nguồn lợi thủy sản tự nhiên suy giảm nghiêm trọng (Ảnh xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang)
Ông Trương Văn Sốt, nguyên cán bộ nông nghiệp xã Long Định, huyện Châu Thành (Tiền Giang) cũng là người từng sinh sống bằng nghề đóng đáy hơn 5 năm trước đây cho biết, do địa phương có hệ thống kênh rạch khá dày đặc nên số hộ sinh sống bằng nghề khai thác thủy sản nội đồng tương đối nhiều. Ước tính hiện xã có 20 dớ, 59 đăng mé, 25 cào điện, 10 đáy, 80 lưới bén, 48 chài, 23 mười hai cửa ngục và hàng chục xiệt điện đang hoạt động trên kênh Nguyễn Tấn Thành và một số con kênh nhỏ ở các địa bàn lân cận.
Theo ông Sốt, mấy năm nay nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên các kênh, rạch trên địa bàn xã giảm mạnh. Nếu so với 5 năm trước thì sản lượng cá, tôm tự nhiên giảm từ 30 – 50%; còn nếu so với khoảng 10 năm trước thì sản lượng giảm tới 70 – 80%, thậm chí có loài gần như bị tuyệt chủng. Minh chứng rõ nhất cho sự suy giảm nguồn lợi thủy sản tự nhiên là nhiều hộ sinh sống bằng nghề bắt cá, tôm trên các kênh, rạch trước đây thì hiện nay không sống nổi với nghề nữa mà đã dần chuyển sang các nghề khác như đi làm công nhân trong các khu công nghiệp hay buôn bán nhỏ.
Số liệu khảo sát cho thấy, sản lượng thủy sản bình quân các nghề khai thác thủy sản nội đồng trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm dần theo từng năm. Tính đến thời điểm này, sản lượng của từng loài thủy sản nội đồng cũng đã giảm từ 30 – 80% so với thời điểm năm 1997 (tùy loài), trong đó có những loài giảm mạnh và có nguy cơ biến mất như: cá hô, cá thác lác, cá còm, cá bống tượng, cá chạch lấu, cá duồng bay, các dảnh, cá rằm, cá mè hôi, cá mè lúi, cá tra nghệ, cua đồng, rạm, ốc gạo. Tuy nhiên, đối với các loài ngoại lai thì có chiều hướng gia tăng cả về thành phần loài lẫn sản lượng như: cá lau kiếng (tăng 30%), cá trê lai (tăng 10%), cá rô phi đỏ (tăng 20%), cá chim trắng (tăng 10%), ốc bưu vàng (tăng 50%), rùa tai đỏ (tăng 10%),…
Cũng theo kết quả khảo sát, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn lợi thủy sản nội đồng chủ yếu là do tình trạng khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên bằng các dụng cụ có tính hủy diệt như cào điện, xiệt điện, hóa chất,… đang diễn ra hết sức phức tạp dẫn các loài thủy sản có giá trị kinh tế ngày càng giảm dần về tính đa dạng thành phần loài và số lượng quần đàn.
Bên cạnh đó, việc phát triển nông nghiệp dẫn đến hình thành nên các khu đê bao dẫn đến nước bị ứ động, độ phèn cao, khí độc tăng, hạn chế nguồn lợi tự nhiên theo nước lũ nên nguồn lợi thủy sản cũng bị ảnh hưởng và có chiều hướng giảm dần. Hệ thống kênh, rạch nội đồng bị bồi lắng nên vào mùa nắng thường khô cạn khi thủy triều kém khiến cho môi trường sống và sinh sản của các loài thuỷ sản nội đồng trở nên khắc nghiệt.
Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ
Để tạo môi trường sinh sống thuận lợi cho các loài thủy sản cũng như bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong thời gian tới, ông Phan Hữu Hội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang cho rằng, cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, cần có quy hoạch hài hòa giữa phát triển nông nghiệp với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hình thành các khu vực bảo tồn đa dạng sinh học thủy sản để các loài thủy sản có nơi cư trú, sinh sản nhằm bổ sung giống loài vào môi trường tự nhiên; cải tạo hệ thống kênh nội đồng, hệ thống kênh rạch trong khu đê bao, nâng cấp khẩu độ cống các khu đê bao nhằm đảm bảo nguồn nước cho các loài thủy sản có nơi sinh sống, phát triển.
Song song đó, cần tuyên truyền ý thức cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hỗ trợ vốn chuyển đổi ngành nghề cho các ngư dân sinh sống các công cụ bắt tôm, cá có tính hủy diệt; tăng cường công tác thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các địa phương và kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm; nghiên cứu quy trình sản xuất nhân tạo các loài thủy sản bản địa có giá trị kinh tế cao nhằm gia hóa, bảo tồn giống loài thủy sản nội địa và tạo ra con giống phục vụ nuôi trồng thủy sản nhằm giảm áp lực khai thác thủy sản tự nhiên. Ngoài ra, cần kiểm soát chặt chẽ các loài thủy sinh ngoại lai có nguy cơ xâm hại nhằm tránh tác động xấu đến các loài thủy sản bản địa.