(TSVN) – Xác định bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học là nhiệm vụ quan trọng mang tính chiến lược nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển lâu dài; các bộ ngành và chính quyền nhiều địa phương đã và đang triển khai những giải pháp, nhằm siết chặt công tác quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên bảo tồn đa dạng sinh học.
Việt Nam được đánh giá một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học và là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu với các nguồn gen quý, hiếm, sự phong phú, đa dạng về hệ sinh thái.
Theo thống kê của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tính đến năm 2023, Việt Nam có 178 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 vườn quốc gia, 59 khu dự trữ thiên nhiên, 23 khu bảo tồn loài và sinh cảnh, 62 khu bảo vệ cảnh quan. Việt Nam hiện cũng có 9 khu Ramsar (vùng ngập nước có tầm quan trọng quốc tế), 12 vườn Di sản ASEAN cùng hơn 100 khu vực đa dạng sinh học quan trọng… Về hệ động thực vật, Việt Nam có khoảng 62.000 loài sinh vật đã được xác định, trong đó có khoảng 3.500 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, 1.932 loài động vật xương sống trên cạn và trên 11.000 sinh vật biển… Hàng năm, nhiều loài mới tiếp tục được phát hiện và ghi nhận có tồn tại ở Việt Nam.
Thả cá bổ sung loài thủy sản bản địa, loài thủy sản đặc hữu và vùng nước tự nhiên tại khu vực Hội An nhân Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024 tại tỉnh Quảng Nam; ảnh: ST
Đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng đến sự tồn tại và phát triển của con người; tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học ngày càng lớn. Nguyên nhân là ô nhiễm nước, không khí, rác thải nhựa, khai thác, sản xuất và tiêu dùng quá mức; săn bắt, buôn bán trái phép các loài hoang dã theo kiểu tận diệt, thâm canh nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản không hợp lý, hoạt động sản xuất kinh tế khác nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của con người.
Phần lớn sự đa dạng sinh học của Trái đất đang gặp nguy hiểm do sự tác động của con người làm xáo trộn, thậm chí phá hủy hệ sinh thái. Ô nhiễm, biến đổi khí hậu và gia tăng dân số… đều là những mối đe dọa đối với đa dạng sinh học, gây ra sự gia tăng chưa từng thấy về tốc độ tuyệt chủng của các loài.
Việt Nam hiện đã xây dựng Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; với mục tiêu gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi; bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu… Cùng với chiến lược này, Chính phủ đã ban hành Đề án tăng cường phòng, chống tội phạm đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học, giảm tình trạng săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động, thực vật hoang dã.
Việt Nam cũng tiếp tục tham gia tích cực vào những nỗ lực chung nhằm bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu, không những góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn về đa dạng sinh học trong nước mà còn hướng đến đạt được các cam kết quốc tế quan trọng khác, mang tầm chiến lược để đạt mục tiêu kép: Việt Nam sẽ trung hòa Carbon vào năm 2050.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024 bằng những hành động thiết thực, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tăng cường truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và các giá trị đa dạng sinh học trong chiến lược phát triển bền vững của quốc gia; lồng ghép nội dung bảo tồn đa dạng sinh học vào các chương trình giáo dục, đồng thời thúc đẩy lối sống hài hòa với thiên nhiên.
Quảng Nam cũng là một trong những tỉnh tiên phong hành động về đa dạng sinh học, một trong các tỉnh sớm ban hành Chiến lược bảo tồn, kế hoạch hành động. Đặc biệt, tỉnh tranh thủ được nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế triển khai nhiều nhiệm vụ bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái, xúc tiến thành lập Khu bảo tồn, hành lang đa dạng sinh học tỉnh. Quy hoạch phát triển tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định định hướng phát triển Quảng Nam thành một trong các tỉnh tiên phong về việc phát triển nền kinh tế tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và có tính cân đối hài hòa giữa môi trường và phát triển.
Quảng Ninh có đa dạng sinh học với nhiều hệ sinh thái rừng, biển, đất ngập mặn. Để gìn giữ, phát huy những giá trị này, thời gian qua tỉnh có nhiều quyết sách, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường các giai đoạn; quy hoạch đưa hoạt động nuôi trồng thủy sản ra vùng đệm và vùng phụ khu bảo tồn, khu di sản; triển khai quyết liệt nhiều giải pháp kỹ thuật, pháp lý bảo vệ các hệ sinh thái, loài sinh vật bị cấm đánh bắt trong khu vực bảo vệ tuyệt đối di sản vịnh Hạ Long… Điển hình, Quảng Ninh đã quy hoạch, khoanh vùng các khu vực để bảo tồn nguồn gen đối với một số loài đang bị khai thác quá mức, như bãi Cồn Trụi (xã Minh Châu, huyện Vân Đồn), bãi Chương Cả (xã Đại Bình, huyện Đầm Hà) để bảo vệ nguồn gen sá sùng; khoanh vùng bảo tồn nguồn gen ngán tại thị xã Quảng Yên và huyện Tiên Yên; nghiên cứu phương án thả bổ sung tái tạo bào ngư ra môi trường tự nhiên và nghiên cứu sản xuất giống, nuôi thương phẩm đối với mực ống Cô Tô… Đến nay, toàn tỉnh đã quy hoạch 45.146 ha khu vực biển dành cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Tỉnh cũng siết chặt kiểm soát hoạt động của phương tiện khai thác thủy sản, ngăn chặn khai thác thủy sản trái phép, khắc phục những khuyến nghị của EC trong khai thác thủy sản.
Hưởng ứng Ngày quốc tế đa dạng sinh học, sáng 22/5, tại âu thuyền thôn Phường Nhất (khu vực Hà Giang), xã Vinh Hà, Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với UBND huyện Phú Vang tổ chức thả tôm, cua giống tại các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở huyện Phú Vang và Phú Lộc. Tại 6 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở huyện Phú Vang và Phú Lộc liên quan đến các xã Vinh Hà, Phú Gia của huyện Phú Vang; Vinh Hưng và Giang Hải của huyện Phú Lộc, hơn 256.000 con tôm sú giống và 4.800 con cua giống đã được thả xuống khu vực này.
Hải Lý
Năm 2024, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5) được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Be part of the Plan” - “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học”. Đây là lời kêu gọi các quốc gia, các bên liên quan, trong phạm vi và tầm ảnh hưởng của mình đóng góp vào thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal.