Bệnh do nấm trên thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bệnh nấm trên thủy sản gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất vụ nuôi. Vì vậy, cần có những biện pháp phòng, trị bệnh kịp thời để hạn chế tối đa thiệt hại.

Bệnh nấm thủy mi

Tác nhân gây bệnh: Do các loài nấm dạng sợi thuộc giống Leptolegnia, Saprolegnia… gây ra.

Dấu hiệu bệnh lý: Cá bị bệnh thường kém ăn, bỏ ăn. Cá bơi hỗn loạn, không bình thường, thường cọ xát cơ thể vào các vật thể trong nước. Khi cá bị bệnh trên da xuất hiện những vùng trắng xám, có các sợi nấm nhỏ mềm. Sau vài ngày sợi nấm phát triển, đan chéo thành từng búi trắng như bông, có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Trứng cá bị bệnh có màu trắng đục, xung quanh có nhiều sợi nấm.

Phân bố và lan truyền bệnh: Bệnh nấm thủy mi xảy ra ở nhiều loài cá nước ngọt và trứng cá. Các loài cá nuôi phổ biến ở nước ta như: chép, mè, trắm cỏ, trê, trôi và một số đối tượng nuôi đặc sản khác như baba, ếch… đều có thể bị nhiễm bệnh nấm thủy mi.

Nấm thủy mi còn ký sinh gây chết trứng của các loài cá nước ngọt, đặc biệt là trứng của cá chép (Cyprinus Carpio) chịu ảnh hưởng rất lớn của loại bệnh này. Bệnh hay phát triển ở các đàn cá bị thương tổn trên da do tác động đánh bắt, vận chuyển hay do ký sinh trùng ký sinh. Bệnh gây tác hại nhiều trong các ao nuôi vỗ cá bố mẹ, các ao lưu giữ giống qua đông và các bể ấp trứng trong các trang trại cá giống.

Bệnh phát triển thuận lợi trong các ao nuôi có mật độ cao, nước tù bẩn, hàm lượng chất hữu cơ cao và trong các bể ấp có nhiều trứng bị ung. Nấm thường phát triển đầu tiên ở các trứng bị ung, sau lây lan nhanh sang các trứng khỏe và gây chết hàng loạt.

Phòng bệnh

– Nuôi cá với mật độ thích hợp và tránh những tác động cơ học hoặc do ký sinh trùng làm cá bị thương tổn, tạo điều kiện cho bào tử nấm xâm nhập và gây bệnh.

– Định kỳ phun TCCA nồng độ thuốc đạt được sau khi phun xuống ao là 0,2 ppm.

– Với đàn cá bố mẹ, kết hợp trong các lần kiểm tra cá, để dùng các loại thuốc sát trùng bôi lên các vết thương tổn để phòng sự phát triển của nấm: Cồn Iod bão hòa, thuốc tím 1%.

– Phòng bệnh cho trứng cá: Nuôi vỗ cá bố mẹ, nhất là cá chép theo đúng quy trình kỹ thuật để cá bố mẹ có chất lượng tuyến sinh dục tốt. Cho cá đẻ với tỷ lệ đực cái phù hợp để tỷ lệ thụ tinh là cao nhất, giảm lượng trứng ung do không thụ tinh trong bể ấp. Trong quá trình ấp trứng, phải thường xuyên vệ sinh mạng tràn để nước lưu thông tốt. Đối với trứng cá chép, cần lựa chọn giá thể và sát trùng giá thể bằng thuốc sát trùng trước khi cho vào bể đẻ. Khi trứng đã bám vào giá thể, ngâm giá thể có trứng trong NaCl 2%, trong 10 – 15 phút, 1 – 2 lần/ngày. Có thể áp dụng phương pháp ấp khô, hoặc cho cá chép thụ tinh nhân tạo, khử dính và ấp bằng bình vây để hạn chế tác hại của nấm thủy mi.

Xử lý bệnh: Có thể dùng một số hóa chất để điều trị bệnh như Xanh Methylen 2 – 3 ppm, KMnO4 1 – 2 ppm và lặp lại 2 lần trong 1 tuần. Trong bể ấp trứng cá chép, phun vào bể KMnO4 nồng độ 1 – 2 ppm, sau 6 – 8 tiếng lặp lại.

Bệnh nấm mang

Tác nhân gây bệnh: Là do các loài nấm bậc thấp thuộc giống Branchiomyces có cấu tạo dạng sợi.

Dấu hiệu bệnh lý: Các bào tử nấm bám vào mang phát triển thành các sợi nấm ăn sâu vào các tổ chức của mang, làm mất tác dụng hô hấp của mang. Mang chuyển màu hồng nhạt, hoặc trắng nhạt, các tơ mang bị phá hủy, cung mang bị ăn mòn.

Phân bố và lan truyền bệnh: Bệnh thường gặp ở giai đoạn cá bột, cá giống, cá thịt của cá trắm cỏ, cá trắm đen, mè hoa, cá trôi, cá diếc. Bệnh xuất hiện ở các ao nước bẩn, nhất là các ao có hàm lượng chất hữu cơ cao. Bệnh phát triển rất nhanh làm cá bột, cá giống có thể chết hàng loạt.

Phòng bệnh

– Thực hiện kỹ thuật tẩy dọn ao trước mỗi vụ nuôi, vét bớt bùn đáy, phơi nắng đáy ao, dùng vôi bột để sát trùng, diệt tạp và cải thiện độ pH.

– Nguồn nước sử dụng phải đảm bảo luôn sạch, nếu bón phân hữu cơ phải ủ kỹ với 10% vôi.

– Nếu cá bị bệnh cần thay nước mới hoặc chuyển sang ao nước sạch.

Xử lý bệnh: Hiện, chưa có thuốc trị bệnh hữu hiệu, tuy nhiên có thể dùng thuốc sau để hạn chế bệnh: phun Xanh Methylen 2 – 3 ppm, KMnO4 1 – 2 ppm và lặp lại 2 lần trong 1 tuần.

Lê Loan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!