Bệnh do vi khuẩn Streptococcus trên cá điêu hồng (Oreochromis sp) nuôi thâm canh ở Đồng Bằng Sông Cửu Long – TS. Đặng Thị Hoàng Oanh, Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ
Đồng Bằng Sông Cửu Long là vùng nuôi thủy sản lớn nhất của cả nước, trong đó, cá điêu hồng (Oreochromis sp.) là một trong những đối tượng được nuôi phổ biến do đặc điểm dễ nuôi, có chất lượng thịt ngon, có giá trị dinh dưỡng cao phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và là đối tượng có tiềm năng xuất khẩu trong tương lai.
Hiện nay, trong số các bệnh phổ biến và gây thiệt hại cho nghề nuôi cá điêu hồng thâm canh là bệnh phù mắt và xuất huyết. Cá bệnh có một số biểu hiện bên ngoài là cơ thể sậm màu, một bên hoặc hai bên mắt bị lồi và đục, xuất huyết ở các vây và xương nắp mang (Hình 1). Cá bị bệnh vận động khó khăn, bơi không có định hướng, não, thận và tỳ tạng là những cơ quan bị làm tổn thương nhiều nhất và đây là lý do gây chết cá. Cá bệnh cấp tính sẽ chết nhanh với tỉ lệ chết cao. Tuy nhiên, cá có thể bị bệnh mãn tính, chỉ có một vài nốt xuất huyết trên thân mà không có hiện tượng thương tổn nội tạng.
Hình 1. Cá điêu hồng bị xuất huyết và lồi mắt do nhiễm vi khuẩn Streptococcus
Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn thuộc giống Streptococcus. Đây là nhóm khuẩn hình cầu hoặc ovan, kích thước khá nhỏ, bắt màu gram dương. Chúng có khả năng xâm nhập vào làm tổn thương não cá, rồi theo máu đến làm tổn thương ở thận và tỳ tạng. Khi quan sát tiêu bản tươi mô gan, thận, tỳ tạng của cá bệnh sẽ thấy chúng nằm rải rác hoặc tập trung thành từng đám trên vùng mô phết kính (Hình 2A) bên cạnh các tế bào biến dạng, cấu trúc rời rạc (Hình 2B). Mô thận và tỳ tạng cá bệnh có dấu hiệu sung huyết, xuất huyết và hoại tử.
Bệnh được ghi nhận đã xuất hiện và làm chết cá rải rác ở một số cơ sở nuôi bè tại An Giang đầu tiên vào 2004. Thời gian gần đây bệnh xuất hiện nhiều ở các vùng nuôi cá điêu hồng trên bè thuộc các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long và Tiền Giang. Bệnh xuất hiện nhiều trong các tháng trong mùa mưa và nhất là vào lúc giao mùa gây tỉ lệ chết cao. Sự lây nhiễm vi khuẩn Streptococcus ở cá điêu hồng xảy ra do tiếp xúc trực tiếp khi mật độ thả nuôi cao, môi trường nước xấu hoặc từ thức ăn kém chất lượng.
Hình 2. Mô thận cá bệnh bị hoại tử nghiêm trọng với đám vi khuẩn lớn (mũi tên) (mẫu nhuộm Giemsa, 40X).
Bệnh có thể được chẩn đoán cơ bản bằng cách quan sát dấu hiệu bệnh lý kết hợp với giải phẫu quan sát tổng quan dấu hiệu bệnh lý ở các nội quan và làm tiêu bản kính phết máu, mô não, thận và tỳ tạng để nhuộm Gram phát hiện vi khuẩn Streptococcus hình cầu gram dương dạng song cầu hay liên cầu. Các phương pháp sinh hóa, sinh học phân tử hoặc miễn dịch được sử dụng trong trường hợp chẩn đoán khẳng định hoặc định týp.
Do vi khuẩn Streptococcus gram dương nên việc phòng và trị bệnh do nhóm này gây nên thường gặp nhiều khó khăn và kém hiệu quả. Các biện pháp tổng hợp để phòng và trị bệnh là: (1) thực hiện việc chuẩn bị tốt ao/bè trước khi thả nuôi, trong quá trình nuôi cần giữ cho môi trường nuôi tốt nhất là ở dưới đáy ao/bè, nên thả nuôi với mật độ vừa phải, lưu ý duy trì hàm lượng oxy hòa tan trong ao/bè nuôi hợp lý bằng các biện pháp thích hợp. Bệnh thường xuất hiện vào những lúc trời nóng nên cần theo dõi nhiệt độ nước để có biện pháp xư lý kịp thời; (2) khi thấy có cá chết cần lập tức vớt khỏi ao/bè, xử lý bằng cách đem chôn trong hố có rải vôi; (3) thường xuyên kiểm tra để phát hiện bệnh sớm để có thể điều trị kịp thời. Nếu phát hiện cá nhiễm vi khuẩn Streptococcus thì dùng những loại thuốc kháng sinh có tác dụng với vi khuẩn Gram dương để điều trị. Việc chọn lựa loại thuốc kháng sinh và liều sử dụng cần có sự tư vần của cán bộ kỹ thuật hoặc các phòng thí nghiệm chuyên môn.
Nguồn: http://uv-vietnam.com.vn/NewsDetail.aspx?newsId=669