Biết người biết ta, giữ đà tăng trưởng…

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Chưa hết năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã cán cột mốc kỷ lục 10 tỷ USD. Tuy nhiên, trong 2 tháng cuối năm, kim ngạch của ngành đã chững lại và trên đà suy giảm, khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại mục tiêu cho năm 2023. Xuất khẩu thủy sản cần có những động thái phù hợp nào để duy trì đà tăng trưởng? Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP đã có những chia sẻ với Tạp chí Thủy sản Việt Nam về vấn đề này.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về khó khăn sắp tới của thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2023?

Trước mắt, quý I/2023 sẽ rất khó khăn, bởi với tình hình kinh tế thế giới hiện nay vẫn chưa phục hồi từ đại dịch COVID-19, xung đột hồi đầu năm giữa Nga - Ukraine và vẫn đang tiếp tục suy thoái. Thị trường Trung Quốc còn duy trì chính sách “Zero COVID” thì giao thương thế giới vẫn còn khó lưu thông xuyên suốt. Tình trạng các doanh nghiệp cuối năm 2022 và đầu năm 2023 không có đơn hàng rất nhiều. Nếu tình hình kéo dài thì việc duy trì sản xuất, cung cấp nguyên liệu cũng khó mà định đoán. Đây cũng là thách thức lớn. Ngoài ra, giá thành đầu vào đang chịu những tác động lớn từ nền kinh tế vĩ mô của thế giới, cộng với lạm phát, chắc chắn sẽ khiến chi phí còn tăng lên nữa. Vấn đề của ngành thủy sản ở đây là thời gian…

Vậy, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần có những giải pháp gì để thích ứng với những thách thức trên, thưa ông?

Giải pháp chủ yếu của các doanh nghiệp hiện nay là hoạt động cầm chừng và bám sát tình hình; đồng thời, tận dụng khoảng thời gian này sắp xếp lại vấn đề tài chính, tránh phụ thuộc tín dụng, hạn chế đòn bẩy tài chính, đặc biệt trong giai đoạn chi phí đang tăng cao. Cùng với đó, cố gắng duy trì được lực lượng công nhân, duy trì lãi suất chờ cơ hội, tiết giảm giá thành, đồng thời cân bằng nguồn vốn để đảm bảo sản xuất. Nhà nước cũng sẽ có những chính sách kèm theo để hỗ trợ, nhưng doanh nghiệp cũng cần chủ động. Xu hướng tiêu dùng đang trong giai đoạn lạm phát, nên nhu cầu cũng sẽ chuyển dịch sang các sản phẩm giá thành rẻ. Do đó, thực phẩm thủy sản vẫn có hy vọng tiêu thụ nhiều hơn so với các nhóm thực phẩm đắt đỏ khác. Về lâu dài, các doanh nghiệp cần nâng cao tính hiện đại hóa, để đưa ngành thủy sản Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có trình độ chế biến cao trên thế giới; phát triển mang tính bền vững, bao gồm sản xuất xanh đi kèm trách nhiệm xã hội.

Thủy sản Việt Nam đã có vị trí cao trên bản đồ thủy sản thế giới ở khả năng cung cấp, nên sau khi thị trường ổn định, các nhà nhập khẩu chắc chắn sẽ tìm đến Việt Nam, do đó, các doanh nghiệp phải luôn trong tâm thế sẵn sàng. Bài học thị trường từ đại dịch COVID-19 vẫn còn mới, các doanh nghiệp cần tận dụng những kinh nghiệm đã có để áp dụng trong giai đoạn này. “Sức khỏe” của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang trong thời kỳ tốt hơn các năm trước, nên chúng ta cũng không nên quá bi quan về tình hình năm 2023, nhưng cũng phải chuẩn bị cho những thách thức kéo dài, hy vọng đây sẽ là một năm “vạn sự khởi đầu nan”.

Theo ông, về thị trường, xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần có chiến lược gì trong năm tới?

Việt Nam đã là nhà cung cấp thủy sản đứng thứ 3 trên thế giới, nên những thị trường chính yếu đều đã được định hình. Trong đó, Mỹ là thị trường quan trọng, Nhật Bản là thị trường truyền thống, châu Âu là thị trường Việt Nam đang phấn đấu phục hồi, đặc biệt với Trung Quốc, đây là thị trường rất tiềm năng. Trung Quốc là thị trường ngành thủy sản Việt Nam cần hết sức quan tâm, vì cường quốc châu Á này đang chuyển dịch từ xuất khẩu sang nhập khẩu hoàn toàn và nhu cầu về thủy sản cũng đang tăng lên. Chiến lược của xuất khẩu thủy sản Việt Nam là duy trì ổn định các thị trường chính đã có và phát triển, định hướng lại thị trường Trung Quốc cho bài bản hơn. Vài năm qua, Việt Nam đã nỗ lực xuất khẩu sang Trung Quốc và có những kết quả rất tốt, tăng trưởng hàng năm. Tuy nhiên, thị trường chưa bền vững bởi hai lý do: Một là, xuất khẩu chính ngạch mới đạt 70 - 80%, hoạt động biên giới chưa thực sự ổn định, vẫn còn rủi ro cho công tác thanh toán; hai là, cần đi sâu vào các tỉnh của Trung Quốc, có chiến lược tiếp cận địa phương cụ thể và chính sách của mỗi địa phương cũng sẽ có sự khác biệt.

Trân trọng cảm ơn ông!

Linh Nguyễn

(Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!