T2, 06/07/2020 09:52

Bình Định: Cẩn trọng với dịch bệnh tôm nuôi vụ 2

Chưa có đánh giá về bài viết

Do không tuân thủ lịch thời vụ và chưa thực hiện triệt để việc kiểm dịch tôm giống trước khi thả nuôi nên tại một số địa phương trong tỉnh Bình Định đã tái phát dịch bệnh tôm nuôi vụ 2 năm 2011. P.V đã phỏng vấn ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (thuộc Sở NN-PTNT), về vấn đề này.

* Xin ông cho biết tình hình triển khai sản xuất vụ nuôi tôm thứ hai năm 2011 của người nuôi tôm trong tỉnh?

– Đến thời điểm hiện nay, người nuôi tôm trên địa bàn toàn tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong diện tích nuôi tôm chân trắng vụ 1 năm 2011 với diện tích trên 561 ha, sản lượng tôm đạt gần 3.327 tấn; đối với tôm sú, đã thu hoạch được 303 tấn. Sau khi thu hoạch xong vụ nuôi tôm thứ nhất, người nuôi tôm đã bắt đầu thả nuôi vụ thứ hai với diện tích thả đến nay đạt 244 ha, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Dự kiến từ nay đến cuối tháng 8, sẽ có khoảng 100 ha mặt nước nuôi tôm thẻ chân trắng tiếp tục được thả nuôi tại các vùng nuôi tôm trên cát ở các địa phương như: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, TP Quy Nhơn.

Như vậy, trong vụ nuôi tôm thứ hai, sẽ có diện tích khoảng 344 ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Bên cạnh đó, hiện toàn tỉnh có gần 1.500 ha mặt nước nuôi tôm sú theo phương pháp quảng canh cải tiến thân thiện với môi trường, nuôi xen với các đối tượng thủy sản khác. Tuy nhiên, theo thống kê, trong số diện tích tôm vừa mới thả trong vụ 2, đã có gần 20 ha tôm nuôi bị bệnh, chủ yếu là bệnh hoại tử gan và bệnh thân đỏ đốm trắng, gây lo lắng cho người nuôi tôm…

Người nuôi tôm ở xã Phước Sơn (Tuy Phước) cải tạo ao hồ trước khi nuôi tôm vụ 2 năm 2011. Ảnh: Nguyễn Hân

* Dù đã có nhiều khuyến cáo trong việc phòng chống dịch bệnh tôm nuôi, thế nhưng dịch bệnh tôm trong năm nay có chiều hướng gia tăng so với mọi năm. Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

– Thời gian qua, lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh đã rất quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh tôm nuôi, xem công tác phòng chống dịch bệnh là biện pháp quan trọng để mang lại những vụ nuôi tôm thắng lợi. Qua mỗi mùa vụ nuôi tôm, ngành đã tổ chức sơ kết, đánh giá các nguyên nhân tồn tại trong việc chỉ đạo công tác nuôi tôm và đề ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tôm nuôi có hiệu quả. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, nhiều người nuôi tôm trong tỉnh vẫn chưa thật sự ý thức cao trong việc tuân thủ, chấp hành nghiêm lịch thời vụ nuôi tôm; công tác cải tạo ao hồ trước khi thả nuôi chưa được chú trọng đúng mức, thiếu quan tâm đến việc kiểm soát tôm giống trước khi thả tôm; mật độ thả giống quá dày làm cho môi trường ao nuôi bị ô nhiễm phát sinh dịch bệnh tôm nuôi.

Về phía cơ quan chuyên môn, tuy đã có nhiều cố gắng trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các biện pháp nuôi tôm cho người dân nhưng chế tài xử phạt với những hộ cố tình không tuân thủ các quy định về nuôi tôm còn dễ dãi; công tác quản lý, kiểm dịch nguồn tôm giống trước khi thả nuôi chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, làm cho dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Do vậy, dịch bệnh tôm nuôi từ đầu năm đến nay đã vượt trên 6% diện tích toàn tỉnh. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm.

* Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do dịch bệnh tôm gây ra, nhất là vụ nuôi tôm thứ hai năm 2011, Chi cục có khuyến cáo gì với người nuôi tôm, thưa ông?

– Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do dịch bệnh tôm gây ra, thời gian qua, được sự chỉ đạo của lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh, Chi cục Nuôi trồng thủy sản đã phối hợp với Chi cục Thú y triển khai thí điểm áp dụng các biện pháp kỹ thuật chặt chẽ và tuân thủ lịch thời vụ nuôi tôm tại 2 xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) và Hoài Hải (huyện Hoài Nhơn). Đồng thời, chúng tôi cũng đã triển khai mô hình nuôi tôm cộng đồng có sự tham gia của người nuôi tôm tại thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) và thôn Công Lương, xã Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn). Tại các điểm mô hình, cán bộ chuyên môn của ngành chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai chặt chẽ các quy định của ngành về nuôi tôm. Qua đó, giám sát việc cải tạo ao hồ trước khi thả nuôi, kiểm tra nguồn tôm giống, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh tôm nuôi. Khi phát hiện có dịch bệnh, triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng cộng đồng trách nhiệm… Các mô hình này sẽ được nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, để vụ nuôi tôm thứ hai có hiệu quả, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã ban hành hướng dẫn về kỹ thuật nuôi tôm nước lợ với các quy trình kỹ thuật cụ thể. Đối với vùng nuôi tôm trên cát thả tôm thẻ chân trắng, thời gian thả nuôi vụ 2 được quy định phải bắt đầu từ ngày 1.8 và kéo dài đến cuối tháng. Trước khi thả tôm, người nuôi phải thực hiện cải tạo ao hồ, rửa sạch đáy ao, xả chất thải đúng nơi quy định, phơi đáy ao từ 3 – 5 ngày để diệt trùng, xử lý nguồn nước, gây màu đúng theo quy định. Về thả giống, tôm giống phải bảo đảm chất lượng, tôm khỏe mạnh, có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y, mật độ thả từ 80 – 100 con/m2…

* Cảm ơn ông!

Nguyễn Hân

Theo Báo Bình Định

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!