Vài năm gần đây, ngư dân đánh bắt xa bờ từng bước ứng dụng tiến bộ KHKT trong khai thác thủy sản. Bên cạnh việc trang bị các thiết bị thông tin liên lạc, hàng hải hiện đại, nhiều chủ tàu chuyển từ dòng máy dò cá ngang sang máy dò quét hoặc dò chụp để tăng năng lực khai thác.
Ngư dân Phạm Văn Nhuần, ở phường Hoài Hương (TX Hoài Nhơn), thuyền trưởng tàu cá BĐ 97445-TS, cho biết: “5 năm trước, chủ tàu đầu tư gần 300 triệu đồng mua máy dò quét, giúp tăng sản lượng cá đánh bắt gấp 2 – 3 lần. Năm nay, chủ tàu đầu tư 80 triệu đồng lắp đặt thêm 20 bộ bóng đèn led, công suất 1.000W/bóng, giúp tiết kiệm 30% nhiên liệu dầu diesel so với bóng đèn loại cũ”.
Ngư dân Phạm Văn Nhuần, ở phường Hoài Hương (TX Hoài Nhơn) giới thiệu tính năng máy dò quét.
Nhiều chủ tàu cá còn mua dòng máy dò quét loại hiện đại nhất hiện nay để tăng năng lực sản xuất. Ngư dân Nguyễn Văn Bông, ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), chủ tàu cá BĐ 92053-TS, chia sẻ: “Năm 2017, tôi đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng mua máy dò chụp do Canada sản xuất để đánh bắt. Nếu máy dò quét chỉ dò được đàn cá ở một góc rộng thì máy dò chụp có góc quét ngang 3600, có thể phát hiện đàn cá từ khoảng cách 4.000 m và ở độ sâu 2.000 m. Máy còn tính toán tốc độ di chuyển của đàn cá, mật độ đàn cá để thuyền trưởng chủ động cho thả lưới. Ngoài ra, trên tàu tôi còn được trang bị các thiết bị hiện đại khác, như ra đa hàng hải, máy định vị kết hợp hải đồ điện tử, máy đo dòng chảy… không những giúp khai thác hiệu quả mà còn góp phần đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển”.
Ngư dân làm nghề câu cá ngừ đại dương ở TX Hoài Nhơn còn áp dụng kỹ thuật khai thác, sơ chế, bảo quản cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản. Ông Bùi Văn Xếp, ở phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn), chủ tàu câu cá ngừ đại dương BĐ 97738-TS, bộc bạch: “Tàu tôi ứng dụng hoàn toàn công nghệ Nhật Bản trong khai thác, sơ chế, bảo quản cá ngừ đại dương, với hệ thống máy thu câu tự động 9 chế độ nhanh, chậm khác nhau; máy tạo xung làm ngất cá nhằm giảm sự biến đổi chất lượng thịt cá trong quá trình khai thác, hệ thống hầm bảo quản trang bị lớp cách nhiệt bằng inox, phun PU trên bề mặt gỗ của hầm tàu để giữ độ lạnh ổn định. Năm nay, tôi lắp thêm 2 tấm pin năng lượng mặt trời để đảm bảo độ ổn định của dòng điện ắc quy trên tàu, hạn chế các sự cố rủi ro trên biển”.
Theo TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cùng với việc đầu tư các loại máy móc, thiết bị hiện đại, ngư dân trong tỉnh đã từng bước chú trọng đầu tư công nghệ sơ chế, bảo quản sản phẩm thủy sản, nhằm nâng cao hiệu quả sản phẩm sau khai thác. Ngành Thủy sản cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan mở nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật khai thác thủy sản, giới thiệu một số thiết bị đánh bắt tiên tiến, cách bảo quản chất lượng sản phẩm để giảm tổn thất sau thu hoạch, góp phần tăng hiệu quả kinh tế.