Bình Thuận: Giá tôm bấp bênh, người nuôi gặp khó

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm gần đây, nhiều người nuôi tôm thẻ chân trắng trong tỉnh nói chung và Tuy Phong nói riêng liên tục rơi vào điệp khúc “được mùa mất giá”. Câu chuyện con tôm từng giúp các hộ nuôi đổi đời có lẽ chỉ còn trong quá khứ…

Lao dốc không phanh

Liên tiếp 2 năm nay, giá tôm đều xuống thấp trong những tháng đầu năm và chỉ thật sự tăng nhẹ trở lại trong khoảng 3 – 4 tháng cuối năm, khiến không ít người nuôi tôm thua lỗ, lâm vào cảnh khó khăn. Vụ thu hoạch chính vừa qua không làm ông Nguyễn Lội (xã Vĩnh Hảo) gỡ gạc được phần nào, mà còn khiến ông ngày càng thất thu. Giá tôm thẻ vào thời điểm tháng 7, 8 thấp chưa từng có khiến những ai có tôm thu hoạch chẳng thể vui mừng. Ông Lội cho biết, từ sau tết ông thả nuôi, đến khi thu hoạch chưa kịp vui vì năng suất đạt, đã phải buồn lòng vì giá tôm đột ngột giảm mạnh, từ 110.000 – 120.000 đồng/kg, chỉ còn 70.000 – 80.000 đồng/kg (size 70 – 100 con/kg). Chi phí đầu tư cho vụ tôm rất cao, giá thức ăn, thuốc lại liên tục tăng nên với giá đó, ông Lội chẳng những không lời mà còn lỗ vốn. Giá tôm lao dốc đã làm cho nhiều người e dè thả nuôi vụ mới, giảm công suất nuôi. Giải thích nguyên nhân, nhiều hộ nuôi tôm ở Tuy Phong cho biết có thể do dịch Covid – 19, tôm không xuất bán sang Trung Quốc được, tồn nội địa nhiều khiến giá tôm giảm mạnh. Theo kinh nghiệm của những người nuôi tôm nơi đây, năm 2017 trở về trước, giá tôm tương đối ổn định, nhưng đến năm 2018 giá bắt đầu thay đổi theo chiều hướng giảm dần do cung bắt đầu vượt cầu, khiến nghề nuôi tôm rơi vào tình trạng “không lợi nhuận”, càng nuôi càng lỗ. Kết quả rõ nhất là, diện tích vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở Tuy Phong bắt đầu thu hẹp dần. Một số hộ phơi hồ, nghe ngóng giá cả, rồi mới tiếp tục đầu tư nuôi trở lại.

Nuôi tôm thẻ chân trắng đang rơi vào tình trạng đầu tư “không lợi nhuận”

Qua thời hoàng kim

Trở lại vùng nuôi tôm ở xã Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo những ngày đầu tháng 10, không còn những ao tôm đầy nước đang sục khí, thay vào đó là những hồ trơ đáy nối tiếp nhau. Từng được xem là “phao cứu sinh” xóa đói, giảm nghèo, thậm chí giúp nhiều người ở vùng đất khô cằn, sỏi đá này phất lên làm giàu sau vài vụ nuôi, nay tôm thẻ chân trắng đã trải qua thời kỳ hoàng kim “nuôi đâu trúng đó”. Ông Hồ Kỳ Hùng – xã Vĩnh Hảo, có hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi tôm ở vùng đất này chia sẻ: “Liên tiếp những năm gần đây, người nuôi tôm thẻ không rơi vào điệp khúc “được mùa mất giá” thì cũng vướng phải dịch bệnh. Tôi vừa thả giống nuôi vụ mới, chỉ sau 10 ngày thì tôm chết trắng hồ chẳng hiểu lý do, lỗ gần 200 triệu đồng. Những hộ nuôi xung quanh liên tục thua lỗ, khiến nhiều người phơi ao, bán hồ, tìm kiếm nghề khác sinh nhai”.

Mặc dù các hộ nuôi khu vực này đã cố gắng áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, xử lý nguồn nước, giảm thiểu việc sử dụng thuốc, kháng sinh gây ô nhiễm môi trường và tôm nuôi, nhưng tỷ lệ nuôi đạt ngày càng giảm. Có lẽ, vấn đề cốt lõi ở đây là nguồn nước khi nhiều hộ nuôi đã vô tình  tạo áp lực lên sức tải của hệ sinh thái ao. Người nuôi có tâm lý thả giống dày khiến lượng thức ăn dư thừa vượt mức cho phép, chất thải tôm tích tụ khiến nguồn nước càng ô nhiễm. Rồi tình trạng xả thải trực tiếp từ ao nuôi ra biển, đã khiến tình trạng ô nhiễm nguồn nước càng thêm trầm trọng, dẫn đến dịch bệnh  trên tôm là không tránh khỏi.

Để tôm thẻ chân trắng không bị soán ngôi là đối tượng nuôi chủ lực trong nuôi trồng thủy sản nước lợ, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, Chi cục Thủy sản và ngành chức năng của tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp, khuyến khích các hộ nuôi áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, kiểm định chất lượng con giống… Quan trọng hơn cả là ý thức của các hộ nuôi, cần thay đổi cách nuôi truyền thống, từng bước công nghiệp hóa và chuyển đổi mô hình để tôm thẻ chân trắng sớm trở lại thời hoàng kim.

M.Vân

Nguồn: Báo Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!