Những tháng đầu năm, thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng không nhỏ đến những người dân gắn bó với nghề nuôi tôm thẻ chân trắng.
Mấy năm gần đây, cứ đến thời điểm giao mùa từ tháng 12 đến tháng 2, tôm thẻ chân trắng lại có dấu hiệu chết hàng loạt. Sau khi thả post một thời gian ngắn, tôm bỗng chậm lớn, có dấu hiệu nổi đầu và chết dần. Theo các kỹ sư nuôi trồng thủy sản quản lý khu vực tỉnh Bình Thuận, tôm thẻ gặp phải hội chứng tôm chết sớm hoặc hội chứng hoại tử gan tụy cấp, có thể tôm không thích nghi với thời điểm thời tiết chuyển mùa. Do đó, những ai nuôi tôm luân canh sẽ gặp thiệt hại lớn ở thời điểm này. Theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận, năm nay thời tiết khắc nghiệt hơn, nắng nóng kéo dài, độ mặn tăng cao, thiếu nước ngọt trầm trọng, vì vậy rút kinh nghiệm người nuôi cũng hạn chế thả giống, tránh thiệt hại nặng như những năm trước. Do đó, sản lượng thủy sản nuôi 6 tháng đầu năm ước đạt 4.522 tấn/KH 13.800 tấn, giảm 20,5% so cùng kỳ. Kéo theo hoạt động sản xuất tiêu thụ tôm giống cũng giảm, giá giống thấp, sản lượng tôm giống ước đạt 9,5 tỷ /KH 18,5 tỷ con, giảm 13,6% so cùng kỳ.
Người nuôi tôm thẻ chân trắng hy vọng vụ mùa sẽ bội thu.
Những ngày qua, mưa trên diện rộng đã giúp những hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Tuy Phong bắt đầu mạnh dạn thả giống khi nguồn nước ngọt đã dồi dào trở lại. Tính đến thời điểm này, Tuy Phong đã thả nuôi khoảng 60 – 70% diện tích. Hộ anh Hồ Kỳ Hùng ở xã Vĩnh Hảo thả hơn 30.000 con giống/3 sào ao được một tháng, anh cho biết: “Thời tiết đỡ nắng nóng, có mưa nên con tôm phát triển tốt, hy vọng vụ này sẽ có lãi để bù lỗ những vụ vừa qua”. Cũng theo anh Hùng, người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi tôm tại khu vực này, vài năm trở lại đây bệnh trên tôm thẻ chân trắng xuất hiện nhiều. Có người nói do con giống, có người bảo do thời tiết, nhưng có khi lại do nguồn nước vì hầu hết các hộ nuôi tôm đều xả thải trực tiếp ra môi trường biển, rồi lại lấy nước đó nuôi vụ sau dù đã qua xử lý. Vì vậy, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng thật sự không còn thịnh như những năm đầu bởi rủi ro quá cao, tỷ lệ nuôi thành công không còn như trước và giá cả cũng biến động từng ngày. Tuy nhiên, người nuôi tôm buộc phải bám theo dù khá vất vả vì chi phí đầu tư ban đầu tính đến con số hàng tỷ đồng.
Sau một thời gian dài phơi hồ và thả nuôi cầm chừng, anh Nguyễn Văn Lai ở xã Vĩnh Hảo vừa thu hoạch 1 sào tôm được hơn 1 tấn. Anh cho biết: “Hiện tôm có giá khoảng 95.000 – 98.000 đồng/kg (loại 100 con), sau khi trừ chi phí lãi khoảng chục triệu đồng. Hiện giá tôm đang giảm so vài tháng trước. Nếu được giá trên 100.000 đồng/kg, thu hoạch tôm kích cỡ lớn, người nuôi sẽ lãi nhiều hơn. Sau khi thu hoạch, cải tạo hồ, tôi đã thả giống nuôi lại vụ mới, thời tiết thuận lợi hy vọng vụ này sẽ bội thu”.
Sau nhiều năm “sống chung” với con tôm thẻ, người nuôi tôm ở Tuy Phong nói riêng và toàn tỉnh nói chung không còn nôn nóng thu lãi nuôi thâm canh liên tục 3 vụ/năm, thả post dày. Thay vào đó, họ biết nương theo thời tiết, thả nuôi theo khuyến cáo của cơ quan chức năng để tránh thiệt hại.