Bình Thuận: Phát triển thủy sản thung lũng sông La Ngà

Chưa có đánh giá về bài viết

Sáng 27/8, tại huyện Tánh Linh, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã tổ chức Hội thảo Phát triển nuôi thủy sản khu vực thung lũng sông La Ngà; với sự tham dự của đại diện các đơn vị cùng hơn 100 nông dân sản xuất thủy sản trên địa bàn 2 huyện Đức Linh và Tánh Linh.

Tận dụng lợi thế

Trên cơ sở tiềm năng diện tích ao, sông suối đa dạng, người dân tại huyện Đức Linh và Tánh Linh đã thực hiện khai thác thủy đặc sản với số lượng lớn, cung cấp cho thị trường tại chỗ và vùng lân cận; tuy nhiên, lượng thủy sản ngày càng khan hiếm, một số bà con sử dụng phương thức đánh bắt tận diệt dẫn tới nguồn lợi suy giảm nhanh. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã chỉ đạo triển khai phát triển NTTS trên địa bàn, mở rộng và khuyến khích các chính sách về cải tạo ao bàu hoang hóa, thuê nuôi mặt nước dưới hình thức đấu thầu, giao khoán. Năm 2018, nhiều vùng ngập và bán ngập khu vực 2 huyện Đức Linh và Tánh Linh được tổ chức khai thác và NTTS có hiệu quả; diện tích vùng nuôi lên tới 1.500 ha trong đó huyện Tánh Linh 485 ha, sản lượng nuôi trồng, khai thác trên 2.200 tấn; huyện Đức Linh 1.060 ha, sản lượng đạt 3.200 tấn.

Trên toàn vùng, mô hình nuôi thủy đặc sản nước ngọt của hộ dân đang phát triển hiện nay lên tới hàng nghìn hộ, với đa đối tượng như: thủy sản truyền thống trắm, chép, mè, trôi, rô phi, cá trê, cá lóc; các mô hình nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến trong hồ, ao khá phát triển, đặc biệt mô hình nuôi vèo trên hồ hay lồng bè trên sông với các đối tượng kinh tế như thát lát, cá chình, cá chạch lấu, bống tượng bước đầu đã được triển khai. Tuy nhiên, nhiều bà con hiện còn gặp khó do thiếu vốn, hạn chế về kỹ thuật nuôi nhất là trong phòng ngừa dịch bệnh; nhiều hộ nuôi với hình thức nhỏ lẻ nên đầu ra sản phẩm bấp bênh, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cá giống theo các chương trình của tỉnh, huyện gặp nhiều khó khăn…

 

Phát triển theo nhu cầu thị trường

Nhằm đẩy mạnh khai thác tiềm năng cho người dân từ diện tích mặt nước sẵn có, trong những năm qua Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật; trực tiếp xuống cơ sở tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, bảo vệ môi trường và xúc tiến đầu ra sản phẩm cho nông dân, từ đó góp phần khai thác phù hợp diện tích đã được quy hoạch phát triển, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống người dân. Để cải thiện hiệu quả kinh tế cho người nuôi, Trung tâm đã triển khai nhiều mô hình nuôi thủy sản nước ngọt với các đối tượng có giá trị kinh tế như: Mô hình nuôi lươn không bùn; nuôi ếch, baba thương phẩm; nuôi cá chình, cá lăng trong lồng trên sông. Kết quả cho thấy, hầu hết các mô hình đều đạt năng suất, sản phẩm làm ra không những đảm bảo chất lượng mà còn gắn với đầu ra ổn định, giúp người nuôi thay đổi cách nghĩ, sẵn sàng chuyển từ cách nuôi truyền thống sang nuôi công nghiệp.

Nổi bật trong số đó là mô hình nuôi cá thát lát bằng thức ăn công nghiệp theo liên kết chuỗi mà Trung tâm Khuyến nông triển khai từ năm 2016 đến nay không chỉ đánh mạnh vào khai thác lợi thế tiềm năng mặt nước của vùng mà còn hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị cho sản phẩm lợi thế của địa phương, góp phần thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Gắn khai thác, nuôi trồng với bảo tồn nguồn lợi thủy sản thì phải định hướng sản xuất bền vững, đó là gia tăng giá trị sản phẩm qua chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, không chỉ chú ý đến các yếu tố đầu vào sản xuất mà phải quan tâm tới nhu cầu thị trường, hướng đầu ra ổn định cho bà con.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, cần đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế của sông La Ngà để phát triển nuôi thủy sản gắn với lợi thế đặc trưng. Phát triển nuôi thủy sản trên cơ sở nhu cầu thị trường và phân khúc thị trường, trong đó nuôi theo hướng công nghệ cao để cung cấp cho thị trường; nuôi những thủy đặc sản có giá trị kinh tế, cung cấp theo nhu cầu thị trường; nuôi cá truyền thống cho những nhu cầu thông thường. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh liên kết các nhà (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và ngân hàng) để người dân phát triển bền vững, có đầu ra và gắn với bảo tồn nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường.

 >> Đại diện Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận cho biết, hướng phát triển NTTS tại vùng thung lũng sông La Ngà trong thời gian tới là sản xuất hàng hóa, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Đặc biệt là xây dựng hoàn chỉnh liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ với đối tượng cá thát lát, từng bước xây dựng nhãn hiệu “Cá thát lát Tánh Linh”.

Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!