Bình Thuận: Vốn vay đóng tàu đánh bắt xa bờ – ngư dân tiếp cận khó khăn

Chưa có đánh giá về bài viết

Anh Lê Nhâm, thuyền trưởng tàu cá vây rút chì ở thị trấn Phan Rí Cửa, Tuy Phong phản ánh: Cuối năm rồi anh làm thủ tục vay tại Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT- Chi nhánh Phan Rí Cửa với số tiền 150 triệu đồng để nâng công suất tàu từ 250 CV lên 400 CV, vươn khơi đánh bắt.

Phía ngân hàng cũng tạo điều kiện cho vay theo hình thức thế chấp: bao gồm phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và tài sản gắn liền trên đất (sổ đỏ), giấy tờ tàu cá; thời gian vay ngắn hạn 1 năm, lãi suất 11,5%/năm. 6 tháng đầu năm nay, nhờ bám biển dài ngày, tiết kiệm chi phí đánh bắt, tàu khai thác có lãi; anh đều trả lãi suất đúng hẹn cho ngân hàng. Tuy nhiên, anh Nhâm không khỏi trăn trở, những năm qua ngư trường không mấy ổn định, chi phí mỗi chuyến biển từ 40 – 50 triệu đồng, thu nhập của nhiều ngư dân chưa cao. Trong khi hàng năm chủ tàu phải đầu tư nâng cấp thân vỏ, máy móc, thiết bị, sắm sửa ngư lưới cụ đảm bảo đánh bắt xa bờ. Bởi vậy, đồng vốn ngân hàng cho vay ngắn hạn, mức vay còn thấp so tài sản thế chấp, nên không ít ngư dân phải vay thêm bên ngoài chịu lãi suất cao cho từng chuyến bám biển dài ngày, nên hiệu quả đánh bắt không cao là vậy…

 

Đội tàu thu mua hải sản xa bờ Phú Quý

Trong hội nghị chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ ngư dân mới đây, ông Nguyễn Hữu Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho hay, để đóng mới một tàu 300 CV cần vốn đầu tư 2,1 tỷ đồng (bình quân 7 triệu đồng/CV); năm qua các địa phương trong tỉnh cho ra đời trên 100 tàu công suất từ 300 CV trở lên, tổng vốn đầu tư 220,5 tỷ đồng. Nếu tính 3 năm qua, nguồn vốn đóng mới tàu hơn 300 tỷ đồng. Cùng thời gian trên, 2.000 tàu công suất 90 CV trở lên được nâng cấp, sửa chữa hàng năm chiếm gần 700 tỷ đồng. Như vậy, tổng nguồn vốn đã đầu tư toàn tỉnh thời gian qua khoảng 1.000 tỷ đồng; chủ yếu thông qua vốn tự có gia đình, mượn người thân, bạn bè, nậu vựa bên ngoài, hoặc liên kết với nhau, nguồn vay được từ ngân hàng rất ít. Bên cạnh đó, chi phí ngày càng cao cho mỗi chuyến đi biển xa, thời gian dài; hầu hết bà con ngư dân “dựa” vào các cơ sở hải sản ở địa phương. Thực tế, phần đông ngư dân đã dành hết nguồn cho con tàu, tài sản trị giá của họ là đây; trong khi một số ngân hàng yêu cầu thêm tài sản thế chấp sổ đỏ nhà, đất; nên nhiều người chưa tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng khi có nhu cầu đầu tư, sửa chữa, hoạt động trên biển cũng là điều dễ hiểu…

Báo cáo của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Bình Thuận về lĩnh vực thủy sản trong những tháng đầu năm nêu rõ: Tín dụng ngân hàng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng ở một số tổ chức tín dụng còn chậm, khá nhiều doanh nghiệp, người dân còn gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, nhất là lĩnh vực khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ (dư nợ đóng mới tàu đánh bắt xa bờ chỉ có 17 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở các tàu thuộc tổ đoàn kết huyện đảo Phú Quý!). Để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, ông Bùi Xuân Chỉnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết, trên cơ sở Chính phủ triển khai thí điểm chính sách hỗ trợ vốn vay đánh bắt xa bờ ở tỉnh Quảng Ngãi (Nhà nước cho vay tối đa 80% kinh phí đóng tàu, lãi suất 3%/năm, thời hạn 10 năm); đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn, lãi suất để mở rộng phạm vi cho vay ở các tỉnh có thế mạnh kinh tế biển như Bình Thuận, tạo điều kiện ngư dân tiếp cận vốn vay phát triển nghề truyền thống.

Thái Khoa

Báo Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!