Cà Mau: Bảo vệ môi trường trong mùa cải tạo vuông tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm nay, thời gian cải tạo vuông tôm trên địa bàn huyện Đầm Dơi bằng cơ giới được quy định 1 tháng, từ ngày 15/9 đến 15/10 dương lịch. Thời gian này đã được hiệp thương thống nhất với các huyện giáp ranh với huyện Đầm Dơi để nông dân có kế hoạch đồng loạt thực hiện, nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước trong mùa cải tạo.

So với những năm trước, tình hình sên vét cải tạo vuông tôm bằng máy hút bùn đang có chiều hướng ngày càng giảm. Nếu như năm 2010 có hơn 1.500 hộ đăng ký, thì năm 2011 còn 1.100 hộ, giảm hơn 400 hộ.

Nguyên nhân là do nhiều hộ chọn cách sên vét bằng thủ công hoặc bằng xe cuốc. Cách làm này không chỉ giữ đất để đắp cao bờ bao vuông tôm, chống nước dâng tràn bờ gây thất thoát tôm nuôi mà quan trọng hơn là không gây ảnh hưởng môi trường, nguồn nước chung.

 

Nông dân Đầm Dơi cải tạo ao đầm phục vụ nuôi tôm công nghiệ – Ảnh: T. Tuấn

Nếu cải tạo bằng thủ công hoặc xe cuốc thì nông dân có thể làm bất cứ thời điểm nào trong năm khi thấy phù hợp với mùa vụ nuôi. Hình thức cải tạo này không phải làm đơn xin phép chính quyền địa phương như cải tạo bằng máy hút bùn.

Là huyện ven biển, Đầm Dơi có hệ thống sông, kinh, rạch chằng chịt, thuận lợi cho nuôi thủy sản. Thế nhưng, hạn chế là lượng phù sa làm bồi lắng rất nhanh các ao đầm, vuông nuôi tôm, nhất là địa bàn các xã tiếp giáp biển và dọc theo tuyến sông Gành Hào.

Hơn 10 năm qua, cùng với 60.000 ha nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến năng suất cao, sự phát triển hơn 2.000 ha nuôi công nghiệp mang lại cho Đầm Dơi những giá trị nhất định về kinh tế – xã hội. Đồng thời trình độ ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất của nông dân trong huyện theo Đề án nâng cao năng suất, chất lượng tôm – lúa của tỉnh Cà Mau có bước nâng lên. Phong trào phơi đầm cắt vụ được đông đảo bà con áp dụng mang lại hiệu quả sản xuất ổn định và bền vững.

Theo số liệu thống kê của ngành chuyên môn, trong 3 phương thức cải tạo vuông tôm, hiện phương thức sên vét bằng máy hút bùn chỉ có khoảng 10% hộ nuôi tôm trong huyện áp dụng. Số lượng này tuy không lớn, nhưng nếu để tràn ra sông rạch thì hệ lụy không hề nhỏ.

Thực tế cho thấy, năm 2011, các đoàn kiểm tra phát hiện trên 200 trường hợp vi phạm. Hệ thống sông, rạch bị ô nhiễm nghiêm trọng, dòng nước luôn đen bẩn, nhiều nơi cá, tôm không sống nổi. Sau đợt cải tạo, phải mất thêm một khoảng thời gian nữa nước dưới sông mới sạch bùn bẩn phục vụ nuôi tôm được.

Ông Trịnh Minh Trung, Trưởng phòng Tài Nguyên – Môi trường huyện, cho biết, hằng năm, Phòng TNMT phối hợp Phòng NN&PTNT, UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra nghiêm túc việc sên vét ao đầm nuôi tôm. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra vẫn còn phát hiện nhiều hộ dân thực hiện không đúng theo quy định.

“Để thực hiện tốt vấn đề này, mong bà con trong cải tạo ao đầm phải thực hiện nghiêm túc theo Quyết định 09 của UBND tỉnh. Tức là trong quá trình sên vét phải bao ví, ao chứa, ao lắng đúng theo quy định, không được đổ thẳng ra sông rạch làm ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, làm cho sông, kinh, rạch mau bồi lắng, cản trở việc đi lại của bà con”, ông Trung khuyến cáo.

Sản xuất gắn với bảo vệ môi trường là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững. Chính vì thế, người nuôi tôm cần tuân thủ quy trình, quy định của pháp luật trong bảo vệ môi trường. Việc sên vét, cải tạo ao đầm phục vụ sản xuất là công việc thường xuyên của người nông dân, diễn ra quanh năm. Nhà nước chỉ cấm việc sên vét, cải tạo bằng phương tiện cơ giới hút bùn đẩy thẳng ra sông, rạch làm ô nhiễm môi trường chung.

Hoàng Triệu

Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!