(TSVN) – Việc áp dụng công nghệ Internet of Things (IoT) trong nuôi thủy sản tại Cà Mau đã giúp người dân đưa ra các phương pháp nuôi trồng tối ưu nhất.
Nuôi thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau, góp góp quan trọng vào phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành này đang phải đối mặt với nhiều thách thức như ô nhiễm môi trường, nguồn nước, dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Do đó, vận hành công nghệ IoT đã trở thành giải pháp hiệu quả.
Hệ thống IoT trong nuôi thủy sản cho phép giám sát liên tục các chỉ số môi trường nước như nhiệt độ, pH, ôxy hòa tan và độ mặn. Các cảm biến được lắp đặt trong ao nuôi sẽ truyền dữ liệu về trung tâm điều khiển thông qua mạng không dây, giúp người nuôi kịp thời điều chỉnh các yếu tố bất lợi. Cũng nhờ vào sự kết hợp giữa các thiết bị cảm biến, máy móc, rô bốt, công nghệ Big Data, trí tuệ nhân tạo và mạng 5G, hệ thống IoT đã tạo ra giải pháp toàn diện cho hoạt động sản xuất, nuôi thủy sản.
Các thiết bị cảm biến và đo lường được kết nối thông qua hệ thống GPS, tạo thành mạng lưới thông minh để thu thập và truyền dữ liệu lên đám mây. Dữ liệu này sau đó sẽ được hệ thống trí tuệ nhân tạo phân tích, cung cấp những thông tin chi tiết và chính xác, giúp nông dân đưa ra các phương pháp nuôi trồng tối ưu nhất.
Với những kinh nghiệm trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ IoT, ông Nguyễn Hoàng Huy, Ðại lý phân phối thức ăn thủy sản Hà Phương, Khóm 2, thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi, chia sẻ, công nghệ IoT không chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn mà về lâu dài, nó còn giúp xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp thông minh, nơi mà dữ liệu được tối ưu hóa để hỗ trợ ra quyết định nhanh chóng và chính xác. “Tôi đã thấy những thay đổi tích cực rõ rệt trong các dự án thử nghiệm, từ việc giảm chi phí sản xuất cho đến đến nâng cao chất lượng sản phẩm”. Ông Duy cho biết thêm.
Ông Trương Văn Khải, người dân ấp Tân Bình, xã Tân Ðức, cho biết, trước đây, việc thường xuyên phải kiểm tra thủ công chất lượng nước khiến cho ông mất nhiều thời gian và cách làm này không chính xác. Tuy nhiên, từ khi áp dụng hệ thống IoT, ông có thể giám sát mọi thứ qua điện thoại, chỉ cần một vài thao tác là biết được môi trường nuôi có ổn định hay không.
Hơn nữa, theo ông Khải, công nghệ IoT còn giúp tự động hóa quá trình cho ăn, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu suất. Các máy cho ăn tự động sẽ hoạt động dựa trên dữ liệu từ hệ thống, cung cấp lượng thức ăn phù hợp với tình trạng sức khỏe của tôm, từ đó giảm thiểu lãng phí và ô nhiễm nước. Nhờ vậy, việc áp dụng máy cho ăn tự động đã giảm lượng thức ăn thừa lên đến 30%, đồng thời cải thiện tỷ lệ tăng trưởng của tôm.
Mặc dù công nghệ IoT và số hóa mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên việc triển khai rộng rãi vẫn gặp phải một số thách thức như chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống này còn cao; đồng thời, yêu cầu về kỹ năng sử dụng công nghệ của nông dân cũng là rào cản lớn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ các chương trình đào tạo và chính sách khuyến khích của chính quyền địa phương, việc áp dụng công nghệ này trong nông nghiệp đã dần khả thi hơn.
Ông Ðỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT Cà Mau, đánh giá: Công nghệ IoT và số hóa không chỉ giúp tăng hiệu suất sản xuất mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của mặt hàng thủy sản trên thị trường. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh Cà Mau đã có nhiều chương trình đào tạo và hỗ trợ tài chính giúp người dân vượt qua thách thức ban đầu, nhằm đảm bảo mọi người đều có thể tiếp cận và sử dụng hiệu quả công nghệ mới.
Minh Khuê